Thảo luận

Phát triển chuỗi giá trị hiệu quả, bền vững để nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản

Quang Tú - 16:30 28/08/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 28/8, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Diễn đàn “Tái cơ cầu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản”.

Đồng chủ trì hội nghị, có bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác Việt Nam và ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự hội nghị có các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, các HTX tiêu biểu ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Bà Cao Xuân Thu Vân - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam phát biểu tại hội nghị.

Phát triển hiệu quả, bền vững chuỗi giá trị nông sản là yếu tố cốt lõi

Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam cho biết: Trong gần 8 tháng của năm 2024, hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp và hàng chục ngàn tổ hợp tác nông nghiệp, cùng với trên 3,8 triệu thành viên hợp tác xã là nông dân.

Hiện nay, cả nước đang có trên 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị, chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã. Có thể nói, để thúc đẩy tiêu thụ nông sản một cách tốt nhất và nâng cao giá trị cho nông sản Việt thì việc phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản là vấn đề sống còn trong tái cơ cấu nông nghiệp. Bà Vân cũng cho rằng việc xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị - từ người nông dân, HTX, đến doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu – là một trong những giải pháp quan trọng để đạt được mục tiêu này.

“Tuy nhiên, mối liên kết giữa các tác nhân trong cùng một khâu (liên kết ngang), cũng như giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo. Liên kết giữa các tổ hợp tác/hợp tác xã trong một số ngành hàng cũng chỉ nơi dừng lại ở chỗ liên kết mang tính thời vụ, chưa mang tính chia sẻ rủi ro về lợi ích, do vậy vẫn chưa đạt được tính bền vững cao” – bà Cao Xuân Thu Vân nhận định.

Để chuỗi giá trị nông sản Việt phát triển bền vững và hiệu quả, bà Cao Xuân Thu Vân cho rằng, cần liên kết chặt chẽ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Đồng thời, củng cố và phát triển các tổ chức sản xuất tập thể và các mối liên kết dọc giữa các tác nhân trong chuỗi. Ngoài ra, trước xu hướng tiêu dùng nông sản xanh và sạch của thị trường trong và ngoài nước cũng đặt ra yêu cầu chuỗi giá trị nông sản phải hướng tới thúc đẩy các nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn mới và điều chỉnh hoạt động chuỗi để thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh để đảm bảo phù hợp với nhu cầu thị trường.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, chính sách hỗ trợ thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt là không thiếu, vấn đề là năng lực và điều kiện tiếp cận của các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản đối với các chính sách này như thế nào, hoặc khâu chính sách nên điều chỉnh như thế nào để phù hợp với tình hình thực tế của tái cơ cấu nông nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị nông sản và đặc biệt là xây dựng các liên kết chặt chẽ trong toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Liên quan đến vấn đến xuất khẩu trong chuỗi giá trị nông sản, ông Hoàng Trọng Thủy – Chuyên gia nông nghiệp cho rằng Việt Nam có năng lực sản xuất dồi dào, các sản phẩm phong phú, đa dạng, có khả năng cung ứng lớn cho thị trường thế giới với lợi thế cạnh tranh từ 16 FTA phủ khắp các thị trường lớn như CPTPP, EU, ASEAN…, tuy nhiên, hiện nay, việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn phải đối diện với những thách thức lớn như giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chi phí vận tải, logistics chưa có dấu hiệu giảm; chính sách nhập khẩu của các nước liên tục thay đổi; yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng nông sản ngày càng tăng; người tiêu dùng nước ngoài có xu hướng thắt chặt chi tiêu do áp lực lạm phát.

Nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản, ông Hoàng Trọng Thuỷ khuyến nghị nên tăng cường xuất khẩu 10 nông sản chủ lực vốn đã có thị trường ổn định như Trung Quốc; đồng thời, cần quyết liệt trong tháo gỡ “thẻ vàng” IUU của EU về thủy sản càng sớm càng tốt; phát triển mạnh cơ sở hạ tầng kho bãi và hệ thống logistics, vận chuyển bằng đường sắt, đường biển… Đặc biệt, cần cải thiện quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững, sự minh bạch trong truy xuất nguồn gốc nông sản đáp ứng yêu cầu của bên nhập khẩu.  

Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại hội nghị.

Về chính sách thuế và tín dụng có liên quan đến hoạt động của các HTX, doanh nghiệp nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia cấp cao về Thuế và Quản trị doanh nghiệp, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng đây là một trong những rào cản lớn đối với nông dân, doanh nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp.

Theo ông Phụng, thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng với phân bón là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chi phí sản xuất nông nghiệp. Trước đây, Luật thuế GTGT quy định phân bón chịu thuế GTGT ở mức thấp (5%), doanh nghiệp sản xuất phân bón được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, được hoàn thuế. Từ năm 2015, phân bón được chuyển sang diện không chịu thuế GTGT với quan điểm Nhà nước dành ưu đãi cao cho nông nghiệp, kỳ vọng sẽ giảm được giá phân bón để nông dân có lợi.

Tuy nhiên, với cơ chế vận hành do Luật quy định, “Không chịu thuế GTGT” có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, dẫn đến việc giá thành phân bón bị tăng lên. Thực tiễn thi hành Chính sách thuế GTGT đối với phân bón đã gây ra tác dụng ngược, làm tăng chi phí sản xuất nông nghiệp. Một dẫn chứng khác, hiện nay, doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong khâu sơ chế nông sản được áp dụng “không khai, không tính thuế GTGT”, cho nên toàn bộ thuế GTGT đầu vào đã trả (do đầu tư mua sắm trang thiết bị sơ chế, giết mổ sạch, xử lý mầm bệnh, kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, đóng gói, vận chuyển) phải ghi sổ treo dồn lại, không được xử lý vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến doanh nghiệp chuyên sơ chế, giết mổ sạch, bảo quản sau thu hoạch bị kẹt vốn, mất dần 10% vốn.

Nhằm tháo gỡ các nút thắt, giảm gánh nặng chi phí cho nông dân và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, ông Nguyễn Văn Phụng khuyến nghị nên áp dụng thuế GTGT đối với phân bón ở thuế suất thấp, đồng thời thực hiện khấu trừ, hoàn thuế để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón có cơ hội giảm giá bán cho nông dân. Đồng thời, ông đề nghị bỏ quy định “không khai, tính nộp thuế GTGT” đối với các khâu kinh doanh sau sản xuất nông nghiệp như sơ chế, giết mổ sạch, kho lạnh bảo quản sau thu hoạch, xử lý mầm bệnh, đóng gói…

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Ứng dụng công nghệ cao để tăng giá trị sản phẩm theo chuỗi

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng khẳng định, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản. Các công nghệ mới như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.

Việc liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau; cùng với đó là đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn năng lực ngành; phát triển thị trường tiêu thụ; bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, để phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản, ông Phùng Đức Tiến nêu 6 giải pháp cụ thể: 

Thứ nhất, cơ cấu lại ngành nông nghiệp cần thực chất, hiệu quả hơn: chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng năng cao giá  trị gia tăng và phát triển bền vững.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả và tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản.

Thứ ba, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn năng lực ngành nông nghiệp.

Thứ tư, tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến, đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững.

Thứ năm, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và quốc tế là một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Thứ sáu, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Các biện pháp như sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn nước, bảo vệ đất đai và đa dạng sinh học cần được áp dụng rộng rãi.

Chia sẻ về kinh nghiệm áp dụng công nghệ để tăng giá trị nông sản, bà Nguyễn Thị Thành Thực – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư BAGICO cho rằng, qua thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sản xuất sầu riêng là nền tảng căn cơ để phát triển chuỗi giá trị hàng hóa sầu riêng. Với phần mềm Auto Agri trên 1 chiếc điện thoại thông minh có thể giúp nông dân quản lý lượng cây trồng, ghi chép “nhật ký điện tử” thay thế cho sổ tay nông hộ; truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi; quảng bá, kết nối để tiêu thụ sản phẩm…

Liên quan đến câu chuyện này, ông Nguyễn Quốc Mỹ - Cố vấn Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao An Bình (Hiệp Hòa, Bắc Giang) cũng cho hay, các hợp tác xã cần tận dụng nguồn lực hỗ trợ của nhà nước để đầu tư máy móc chế biến, đầu tư bao bì, tem nhãn để tăng sức cạnh tranh sản phẩm. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất là điều rất cần thiết trong sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả của chuỗi giá trị hàng hóa trên thị trường.

“Bên cạnh đó, ở mỗi tỉnh, thành phố cần có những doanh nghiệp, liên hiệp hiệp hợp tác xã đầu tàu để hỗ trợ hợp tác xã liên kết sản xuất tuần hoàn và sử dụng phụ phẩm của nhau. Đặc biệt, việc nghiên cứu rõ từng thị trường tiêu thụ, chuyển từ sản xuất theo “trọng cung” sang “trọng cầu” để có chính sách phát triển phù hợp là điều cần thiết đối với những hợp tác xã muốn phát triển chuỗi giá trị hàng hóa” - ông Nguyễn Quốc Mỹ chia sẻ thêm./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác