Đào tạo nghề - sinh kế cho người Quảng Bình vươn lên thoát nghèo
“Lột xác” nhờ nghề đan nón lá
Vốn là một hộ gia đình thuần nông, “mang danh” hộ nghèo nhiều năm chưa thể cởi bỏ, chị Phan Thị Liên (SN 1972) thôn 6, xã Mỹ Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) may mắn khi bạo dạn tham gia lớp dạy nghề được tổ chức tại xã của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Hỗ trợ nông dân - phụ nữ Quảng Bình (Trung tâm). Nhờ tham gia lớp học mà gia đình chị đã vươn lên từ hộ nghèo lên hộ khá. Không những vậy, chị còn là giáo viên thỉnh giảng của Trung tâm mỗi khi mở lớp dạy nghề đan nón lá.
Để có được thành quả như ngày hôm nay ngoài sự cố gắng, nỗ lực và trí sáng tạo, nhạy bén của bản thân, chị cũng nhận được sự hướng dẫn tận tình và đồng hành sát sao của Trung tâm ngay sau khi được đào tạo. Chị kể: “Năm xưa bản thân tôi là một hộ gia đình có điều kiện khó khăn, nghèo và được Trung tâm về mở lớp đào tạo dạy làm nón và sau đó nâng cao tay nghề, tôi đã tham gia theo học. Sau khi được đào tạo giá những chiếc nón lá cũng vì thế mà tăng cao, từ 8.000 đồng/cái giờ lên tới 14.000 đồng đến 19.000 đồng/cái, nhờ vào kĩ thuật làm nón, chọn lá có bài bản hơn”.
Hiện tại, bình quân cứ 1 tuần chị xuất cho thương lái khoảng 1.300 đến 1.500 chiếc nón. Nghề đan nón lá vốn là nghề không đòi hỏi toàn thời gian mà chỉ làm khi tranh thủ vào giờ nhàn rỗi nên có thể tận dụng thời gian mỗi ngày. Những lúc ngày mùa bận rộn có thể nghỉ đan nón để tập trung thu hoạch vụ mùa, điều đặc biệt của nghề này là làm lúc quỹ thời gian dư dã hoặc mưa gió. Vì thế, người nào siêng năng, cần mẫn thì kiếm tiền không khó.
Kể từ ngày được đào tạo, kỹ năng đan, thêu của chị nâng lên rõ rệt, sản phẩm do chị làm ra đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và ngày một được khẳng định. Nhờ thế, sau khoảng thời gian đó, chị tiến hành thu mua lá ở các huyện lân cận như Minh Hóa, Tuyên Hóa về bán cho các hộ tham gia đan nón rồi lại thu mua nón do các hộ làm thành phẩm về đem bán cho thương lái. Hiện tại có khoảng 35-40 hộ gia đình được giải quyết việc làm với nghề đan nón lá.
“Lá mình mới làm qua phần thô chưa hoàn chỉnh, khi nhập về họ còn phải xâu quai, trải dầu... Nón đem nhập cho họ có nhiều loại, tùy vào chất lượng của nguyên liệu đầu vào. Riêng với nón lá dừa khá cao, mỗi chiếc dao động từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng/cái” - chị Tâm cho biết thêm.
Không chỉ được đào tạo nghề, chị còn được Trung tâm mời làm giáo viên thỉnh giảng và được giới thiệu đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Điều đó càng góp phần hỗ trợ chị trong phát triển kinh tế gia đình, mở rộng cơ sở kinh doanh.
Tập trung đào tạo có trọng điểm, kết nối tiêu thụ
Để việc đào tạo nghề có hiệu quả hơn, thời gian qua, Trung tâm không ngừng chú trọng đến chương trình đào tạo từ kiến thức đến ngành nghề và một trong những yếu tố tiên quyết là đạo tạo căn theo nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương. Qua đó, người được đào tạo sẽ phát huy tốt kiến thức lĩnh hội vào phát triển kinh tế.
Chỉ trong 2 năm gần đây, Trung tâm đã đào tạo được 48 lớp dạy nghề với 1.481 học viên. Trong đó, có 850 lao động học nghề phi nông nghiệp và 631 lao động học nghề nông nghiệp. Các ngành nghề đào tạo sát với nhu cầu công việc của người dân. Cụ thể như lớp kỹ thuật chế biến nước mắm tại xã Ngư Thủy (Lệ Thủy), Quảng Thọ (Ba Đồn); lớp kỹ thuật trồng và nhân giống nấm ở xã Cảnh Hóa, Quảng Tiến (Quảng Trạch), Lê Hóa, Thạch Hóa (Tuyên Hóa); chăn nuôi gia súc gia cầm, nuôi và phòng trị bệnh cho lợn ở xã Quảng Lưu (Quảng Trạch), Cam Thủy (Lệ Thủy); lớp nuôi tôm sú tôm thẻ, lớp trồng hoa ly, hoa cúc ở xã Quảng Châu (Quảng Trạch); nuôi cá lồng bè ở xã Võ Ninh (Quảng Ninh); lớp đan lát thủ công tại xã Mỹ Trạch (Bố Trạch), Kim Thủy (Lệ Thủy); lớp chăn nuôi gia cầm cho người khuyết tật tại phường Bắc Lý, Bắc Nghĩa (Đồng Hới)... Tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm và áp dụng vào công việc thực tế đạt 85%.
Để công tác đào tạo nghề gắn liền với hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi phải lựa chọn các ngành nghề đào tạo đáp ứng yêu cầu sản xuất của nông dân, chú trọng các ngành chủ lực là thế mạnh gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; gắn đào tạo nghề với quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, các mô hình khuyến nông, dự án phát triển sản xuất tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Hơn nữa, việc đào tạo cần phải đảm bảo cân đối giữa lý thuyết và thực hành cũng như định mức kinh phí cho phù hợp với tình hình thực tế từng cây con, vật nuôi để hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn đem lại kết quả cao. Để duy trì tốt hiệu quả của các lớp dạy nghề, cần hỗ trợ thêm kinh phí cho tất cả các đối tượng học viên để tạo điều kiện cho họ yên tâm tham gia học tập đầy đủ.
Bên cạnh đào tạo nghề, Trung tâm cũng đã tổ chức tư vấn, tuyển sinh cho hơn 37.000 lượt người nhằm định hướng, tuyên truyền về học nghề, việc làm. trung tâm đã phối hợp với các sở, ban, ngành và các cơ sản xuất, trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia dạy nghề, bao tiêu sản phẩm cho học viên như HTX Tuấn Linh, HTX chăn nuôi Nam Hồng Quảng, các cơ sở chế biến nước mắm, chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh, giúp nông dân kết nối thị trường, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn tại các địa bàn.
Trên cơ sở phát huy những kết quả đã đạt được cùng những giải pháp đã được đưa ra, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có thể đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi