Quốc hội thảo luận về tạo đột phá, đưa kinh tế sớm vượt qua khó khăn
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, chiều 4/1, các đại biểu Quốc hội họp tại tổ, thảo luận dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn
Đầu giờ sáng 4/1, các đại biểu Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày Tờ trình trước Quốc hội, và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này. Theo đó, Chính phủ đề xuất gói giải pháp tài khóa với tổng quy mô là 291.000 tỷ đồng, trong đó tăng bội chi để hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 240.000 tỷ đồng, gồm giảm thuế, phí, lệ phí 64.000 tỷ đồng; chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước là 176.000 tỷ đồng, chỉ sử dụng để chi đầu tư phát triển.
Ngoài ra, bố trí từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 khoảng 6,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động; giảm chi phí cho doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng; tăng thêm tối đa 38,4 nghìn tỷ đồng hạn mức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay ưu đãi hỗ trợ giải quyết việc làm...
Về gói giải pháp tiền tệ, đáng chú ý, Chính phủ đề xuất phấn đấu giảm lãi suất cho vay tối thiểu 0,5%-1% trong 2 năm cùng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác.
Qua thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội đánh giá đây là những chính sách bổ sung ngoài khung khổ của chính sách tài chính tiền tệ đã được Quốc hội quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch tài chính, kế hoạch vay trả nợ công và đầu tư công trung hạn 5 năm của giai đoạn 2021-2025; đáp ứng yêu cầu của tình hình trước những tác động hết sức nặng nề của dịch COVID-19.
Đối với nền kinh tế, gói tài khóa tiền tệ này kích thích và tạo sự đột phá, giúp nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, tránh suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn cũng như không để lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế của thế giới.
Các đại biểu Quốc hội đánh giá hồ sơ Chính phủ trình Quốc hội đầy đủ và tập trung ý kiến vào 5 nhóm vấn đề gồm: Cơ sở chính trị, căn cứ pháp lý, sự cần thiết, cấp bách của từng chính sách tổng thể; quy mô cụ thể các nguồn lực huy động cả về chương trình tiền tệ và chính sách tài khóa cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế; phạm vi và thời gian thực hiện chính sách; các giải pháp thực hiện nhanh, dễ kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách; trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan hữu quan trong giám sát, đánh giá và kiểm tra.
Mở rộng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước
Đi sâu thảo luận về chính sách tài chính tiền tệ, nhấn mạnh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, muốn khắc phục khó khăn cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, Nhà nước cần có giải pháp miễn, giảm thuế, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng bên cạnh những lĩnh vực cần miễn, giảm thuế, cũng có những lĩnh vực có thể tăng thuế để bổ sung cho ngân sách Nhà nước bị hao hụt do miễn, giảm thuế.
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, hiện nay các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế mới chỉ tập trung nhiều vào chi, giảm nguồn thu trong khi đó lại chưa có nhiều chính sách để cải thiện nguồn thu ngân sách Nhà nước.
“Có những lĩnh vực mà chúng ta hoàn toàn có thể tăng thuế lên được. Tôi ví dụ như vấn đề thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, chúng ta vẫn còn dư địa để tăng thuế trong các lĩnh vực này,” đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu quan điểm.
Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần sớm triển khai các biện pháp để thực hiện theo nghị quyết của Đảng về mở rộng nguồn thu đối với ngân sách nhà nước, đặc biệt là các đạo luật về thuế.
Cần quan tâm hỗ trợ nhóm lao động tự do
Liên quan đến giải pháp hỗ trợ người lao động, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng các giải pháp hỗ trợ người lao động đặt ra hai mục đích là mời gọi lao động quay trở lại và giữ chân người lao động.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu Tờ trình và dự thảo Nghị quyết, đại biểu nhận định các chính sách về thu hút, mời gọi người lao động quay trở lại khá rõ, song việc giữ chân người lao động làm việc lâu dài với doanh nghiệp, địa phương chưa rõ và mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, khoản chi để hỗ trợ tiền thuê nhà trọ trong dự thảo Nghị quyết đề xuất là 6,6 nghìn tỷ đồng, nhưng đối tượng được thụ hưởng chỉ bao gồm những người có quan hệ lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế trọng điểm.
Trong khi đó, qua đợt bùng phát dịch COVID-19 vừa rồi, không chỉ những lao động, người lao động ở khu vực chính thức bị ảnh hưởng mà còn có cả người lao động ở khu vực phi chính thức. Đây là nhóm đối tượng bị ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch. Do đó, đại biểu đề nghị với khoản 6,6 nghìn tỷ đồng này, cần phải cân đối mở rộng đối tượng hỗ trợ.
Cần có đánh giá toàn diện tác động của gói hỗ trợ
Bày tỏ đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, đi sâu phân tích các chính sách tài chính tiền tệ, đại biểu Nguyễn Danh Tú (Kiên Giang) cho rằng trong Tờ trình của Chính phủ, các giải pháp về chính sách tài khóa được phân tích tương đối rõ, kỹ về quy mô của gói hỗ trợ cũng như các nội dung, các giải pháp trong gói chính sách. Tuy nhiên, nội dung về chính sách tiền tệ, theo đại biểu, trong Tờ trình còn chưa phân tích kỹ 6 nội dung về chính sách tiền tệ.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng, Tờ trình của Chính phủ đề ra giải pháp giảm lãi suất trong hai năm 2022-2023 với mức giảm lãi suất cho vay của ngân hàng xuống 0,5 %-1%, song cách thức nào để thực hiện được nhiệm vụ này cũng như các cách thức còn lại trong 6 giải pháp về chính sách tiền tệ cũng chưa rõ. Đại biểu đề nghị về quy mô gói hỗ trợ tiền tệ cũng như các giải pháp, Chính phủ cần phân tích kỹ hơn quy mô, mức độ, các giải pháp thực hiện.
Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn tác động đối với gói hỗ trợ. Theo đại biểu, có 6 nội dung đánh giá tác động, song Chính phủ mới chỉ tập trung phân tích các tác động tích cực của gói giải pháp còn các tác động tiêu cực có thể có, ảnh hưởng bất lợi khi thực hiện gói tài khóa tiền tệ này lại chưa được làm rõ. Ví dụ như việc thực hiện chính sách tiền tệ tài khóa có thể gây ra lạm phát, hay tác động của chính sách tài khóa đối với nợ công; quy mô gói hỗ trợ trên GDP tính lại.
Phân bổ nguồn lực hỗ trợ cho đúng, trúng
Tham gia thảo luận tại tổ, đánh giá mức tăng trưởng kinh tế 2,58% trong năm 2021 là sự cố gắng lớn, dù con số này thấp nhất 10 năm qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng con số này so với mục tiêu tăng trưởng đề ra 6,5-7% còn khoảng cách lớn.
Chủ tịch nước nhấn mạnh trong bối cảnh dịch phức tạp, nền kinh tế vẫn nổi lên một số điểm sáng như nông nghiệp tăng trưởng cao và là nền tảng quan trọng của nền kinh tế; kim ngạch hai chiều đạt trên 660 tỷ đồng và là một trong 20 nền kinh tế có kim ngạch hai chiều lớn nhất.
Đánh giá gói hỗ trợ tài khóa của Việt Nam còn nhỏ so với các nước, Chủ tịch nước cho rằng gói hỗ trợ này là mức tối thiểu cần thiết. Chủ tịch nước lưu ý ưu tiên, tăng nguồn lực đầu tư cho y tế vì hệ thống y tế cơ sở đang quá yếu kém, đồng thời đề nghị cần có giải pháp để củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua đối thoại thường xuyên, giải quyết vướng mắc của nhà đầu tư, giữ chân họ ở thị trường Việt Nam.
Thảo luận tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định cơ bản các chính sách tài khóa, tiền tệ được trình Quốc hội lần này đã bảo đảm đúng định hướng: kết hợp cả tài khóa và tiền tệ; tác động cả phía cung và phía cầu; quy mô đủ lớn; thời gian đủ dài; phân bổ vốn vào các lĩnh vực giải ngân được ngay, tạo ra được hiệu quả cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, đây là gói chính sách bổ sung, nằm ngoài các khung khổ 5 năm đã được quyết định tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, do đó, Quốc hội cần thảo luận kỹ lưỡng, Chính phủ tiếp thu tối đa các vấn đề được cơ quan thẩm tra và các đại biểu Quốc hội đặt ra để bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, nếu Quốc hội quyết định không đúng, không trúng sẽ gây lãng phí nguồn lực và có lỗi với sự phát triển của đất nước. Cho rằng rủi ro chính sách là có, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, phải phân bổ nguồn lực cho đúng, trúng, sử dụng hiệu quả, khả thi, có tính lan toả cao. Thời gian thực hiện chỉ có hai năm, nếu không bảo đảm triển khai nhanh, hiệu quả thì không còn là gói hỗ trợ khẩn cấp nữa.
Đồng ý với ý kiến phải có các cơ chế chính sách khác biệt nhằm bảo đảm giải ngân sớm, hấp thụ nhanh nguồn lực hỗ trợ, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu phải giữ nguyên tắc, bảo đảm tính thống nhất, minh bạch của hệ thống pháp luật.
“Các chính sách đặc thù cũng phải chỉ rõ địa chỉ cụ thể, quy trình thủ tục rõ ràng mới triển khai trong thực tế được chứ không thể nói chung chung. Tinh thần là Quốc hội ủng hộ cao nhất để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ./.
Theo Vietnam +