Tư vấn pháp luật

Quy định về thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi

07:04 07/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn trong việc xử lý chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp, ngày 26/10/2021, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư số 12/2021/TT-BNNPTNT “Hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác” (không điều chỉnh đối với việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi ở vùng có dịch). Những hướng dẫn trong Thông tư này được áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi

Vậy quy trình  thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác được quy định ra sao? Phải đáp ứng yêu cầu gì?... Luật sư Vũ Tuân (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) giải đáp như sau:

Luật sư Vũ Tuân

Để nắm được quy trình cũng như những quy định trong việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp, trước hết cần hiểu rõ một số khái niệm: Xử lý chất thải chăn nuôi , Phụ phẩm nông nghiệp… Theo  Điều 3 của Thông tư nêu trên thì:

 Xử lý chất thải chăn nuôi là: Việc áp dụng giải pháp công nghệ, biện pháp kỹ thuật phù hợp xử lý chất thải chăn nuôi để làm phân bón, nước tưới cho cây trồng, làm thức ăn cho thủy sản hoặc tái sử dụng cho mục đích khác.

Phụ phẩm nông nghiệp (phụ phẩm cây trồng) là: Sản phẩm phụ phát sinh trong quá trình tiến hành hoạt động chăm sóc, thu hoạch, sơ chế sản phẩm cây trồng tại khu vực canh tác cây trồng.
Mục đích khác là: Làm nguyên liệu, nhiêu liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất khác.

Vậy việc thu gom chất thải chăn nuôi và phụ phẩm cây trồng phải tuân thủ những tiêu chí gì?

* Đối với thu gom chất thải chăn nuôi thực hiện theo Điều 4, Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT :

- Thu gom chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ

+ Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ phải thu gom để xử lý theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư này (xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp: ủ compost, công nghệ khí sinh học…) , đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường;

+ Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi trang trại phải thu gom, vận chuyển đến vị trí tập trung trong khuôn viên cơ sở chăn nuôi trang trại và xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 Thông tư này (Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi trang trại đã qua xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Trong thời gian chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành) , đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường. Việc thu gom chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được thực hiện hàng ngày đối với cơ sở chăn nuôi gia súc, thu gom theo đợt đối với cơ sở chăn nuôi gia cầm và cơ sở chăn nuôi sử dụng đệm lót sinh học;

+ Vị trí tập trung chất thải rắn trong khuôn viên cơ sở chăn nuôi trang trại để xử lý phải xa khu chuồng nuôi, xa nơi cấp nước, khu vực kho thức ăn chăn nuôi.

- Nước thải chăn nuôi phải thu gom bằng hệ thống riêng để xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

*Đối với thu gom phụ phẩm cây trồng thực hiện theo Điều 4, Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT:

-  Phụ phẩm cây trồng được thu gom, phân loại theo mục đích sử dụng; không để lẫn với hóa chất, bao bì, vỏ chai đựng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, tạp chất vô cơ khác trong quá trình thu gom, vận chuyển.

- Việc thu gom, vận chuyển phụ phẩm cây trồng không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp tại khu vực canh tác, giao thông; không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại.

- Khuyến khích sử dụng kỹ thuật tiên tiến trong thu hoạch, thu gom phụ phẩm cây trồng; khuyến khích sử dụng kỹ thuật, công nghệ ép, nén phụ phẩm trước khi vận chuyển.

- Tàn dư, phụ phẩm cây trồng trong vùng dịch hại thực vật thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Ảnh minh họa

Còn việc xử chất thải chăn nuôi và phụ phẩm cây trồng phải thực hiện những tiêu chí nào?

* Đối với xử lý chất thải chăn nuôi phải thực hiện theo Điều 5, Thông tư 12/2021/TT-BNNPTNT, cụ thể là:

- Xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ:

+ Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp sau: ủ compost, công nghệ khí sinh học (biogas), chế phẩm sinh học, đệm lót sinh học hoặc các giải pháp khác để sử dụng cho cây trồng;

+ Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ trong chăn nuôi trang trại đã qua xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Trong thời gian chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ thực hiện theo hướng dẫn của các cơ quan quản lý chuyên ngành;

+ Việc vận chuyển chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa được xử lý ra khỏi cơ sở chăn nuôi thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

 - Xử lý nước thải chăn nuôi:

+ Nước thải chăn nuôi trong chăn nuôi nông hộ được xử lý bằng một hoặc một nhóm các biện pháp sau: công nghệ khí sinh học, ao sinh học, chế phẩm sinh học hoặc các biện pháp khác được sử dụng cho cây trồng phải đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối và không để chảy tràn ra môi trường xung quanh;

+ Nước thải chăn nuôi trong chăn nuôi trang trại đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng, được sử dụng tưới cho cây trồng hoặc mục đích khác trong khuôn viên trang trại. Việc sử dụng nước thải chăn nuôi phải đảm bảo hạn chế phát sinh mùi hôi, thối và không để chảy tràn ra môi trường xung quanh.

+  Khuyến khích sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý chất thải chăn nuôi.

* Đối với xử lý phụ phẩm cây trồng thực hiện theo quy định tại Điều 5, Thông tư số 19/2019/TT-BNNPTNT:

- Phụ phẩm cây trồng được xử lý như sau: Cày vùi hoặc phay; ép xanh theo rãnh hoặc phủ luống; vùi trong hố đa năng hoặc che tủ gốc cây trồng; che phủ đất; ủ làm phân bón hữu cơ truyền thống; phơi khô; các giải pháp, biện pháp xử lý khác.

- Khuyến khích việc sử dụng chế phẩm sinh học, ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật mới trong quá trình xử lý phụ phẩm cây trồng.

- Việc xử lý phụ phẩm cây trồng bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, lan truyền sinh vật gây hại.

Nhà nước khuyến khích sử dụng phụ phẩm cây trồng làm nguyên liệu để sản xuất nấm; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón hoặc làm nguyên liệu cho những ngành sản xuất khác. Phụ phẩm cây trồng được sử dụng làm nguyên liệu để sản xuất nấm; sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất phân bón, sản xuất sản phẩm, hàng hóa phải đáp ứng được yêu cầu của nhà sản xuất và quy định của pháp luật có liên quan.

Cảm ơn luật sư!

Lê Chiên (thực hiện)

 
Tin cùng chuyên mục
Tin khác