Quỹ Hỗ trợ nông dân Thành phố Hà Nội: Tiếp sức hàng chục nghìn nông dân phát triển kinh tế
Quỹ HTND đã góp phần đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân Thành phố theo hướng thiết thực, hiệu quả. Nhờ đó, ngành Nông nghiệp Thành phố đã hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, góp phần tạo ra một số sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao.
Tạo ra mô hình kinh tế hiệu quả
Khởi nghiệp từ đầu năm 2002, số vốn trong tay chỉ vỏn vẹn 7 triệu đồng từ khoản vay ngân hàng, anh Ngô Trọng Hiển, hội viên Hội Nông dân xã Thụy An (Ba Vì, Hà Nội) chập chững bắt tay đầu tư kinh phí nuôi gà ta thương phẩm thì lập tức vấp phải thử thách lớn, gà liên tục bị mắc bệnh, chưa kể giá gà trên thị trường xuống rất thấp.
Từ khó khăn ban đầu nhưng với sự giúp đỡ của Hội Nông dân xã bằng nguồn vốn vay của Quỹ HTND đã giúp anh vực lại nghề nuôi gà. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, anh Hiển đã chịu khó tìm hiểu kinh nghiệm từ nhiều trang trại gà khác nhau, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn để nắm vững kỹ thuật nuôi gà an toàn sinh học. Đến nay với tổng diện tích hơn 30.000m2, với các khu ấp trứng, khu nuôi gà bố mẹ, khu nuôi gà thương phẩm riêng biệt, các chuồng nuôi được đầu tư hệ thống giàn lạnh làm mát, uống nước tự động, các lò ấp trứng có công suất 4 vạn trứng/mẻ… trung bình mỗi tháng gia đình anh Hiển bán ra thị trường khoảng 8 vạn gà giống. Theo ước tính của anh Hiển, anh có thu nhập hơn 10 tỷ/năm từ nuôi gà. Với những nỗ lực đó, năm 2022 anh Hiển đã vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì "đã có mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, giúp đỡ hộ nông dân xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn thành phố Hà Nội".
“Từ năm 2015, tôi đã phát triển con gà đồi lên tới 1 vạn con gà đẻ và hiện nay mỗi năm nhà tôi nuôi 1 vạn gà đẻ và 6 vạn gà thương phẩm để cung cấp ra thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. 5 năm trở lại đây trang trại của chúng tôi thu nhập được 15 đến 18 tỷ đồng/năm”. Anh Hiển nói.
Trang trại hoa cây cảnh Thăng Long của ông Đào Mạnh Hùng ở xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì có diện tích gần 5ha đi vào hoạt động chính thức được gần 5 năm, trang trại đã đón rất nhiều lượt khách đến tham quan.
Trong 5 năm qua, ông Hùng đã trồng tới hơn 2.000 giống hoa, theo dõi nhiệt đới hóa 270 giống hoa hồng, nhiều tài liệu về thực vật cảnh của ông đã được đăng ký bản quyền để giúp người yêu hoa có những lựa chọn phù hợp. Có được thành công như ngày hôm nay, theo ông Hùng là một phần nhờ vào sự trợ giúp của Hội Nông dân tạo điều kiện cho ông vay nguồn Quỹ HTND để phát triển sản xuất, qua đó có thêm nguồn lực phát triển mô hình. Mô hình không chỉ phát triển kinh tế mà còn là nơi trao đổi kỹ thuật ươm trồng, mua bán các loại giống cây và hơn thế nữa là cổ vũ động viên phong trào sống xanh, bảo vệ lá phổi của thiên nhiên trước những biến đổi khí hậu đang hiện hữu và tạo việc làm cho không ít lao động địa phương.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn quỹ để giúp nông dân vượt khó
Quỹ HTND không chỉ là một trong những nguồn tín dụng giúp nông dân phát triển sản xuất, từng bước nâng thu nhập mà còn góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo tại địa phương. Đặc biệt đối với các hộ nghèo, hộ nông dân đồng bào dân tộc của Thành phố Hà Nội đây thực sự là bệ phóng giúp thay đổi cuộc sống cho hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn. Với tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn Thành phố đạt trên 700 tỷ đồng, Hội Nông dan Thành phố Hà Nội hiện là địa phương có tổng nguồn vốn Quỹ HTND lớn nhất, số lượng hội viên nông dân được hưởng lợi nhiều nhất cả nước. 100% cấp huyện có nguồn quỹ đạt trên 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, tiêu biểu là Quốc Oai, Mê Linh, Ba Vì, Thạch Thất; 100% cấp xã xây dựng Quỹ HTND.
Qua kiểm tra cho thấy hầu hết các hộ được vay đều sử dụng vốn đúng mục đích đạt hiệu quả và trả phí gốc đúng kỳ hạn; thông qua các dự án đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với thực tế địa phương. Hội Nông dân Thành phố đã giao chỉ tiêu hàng năm cho mỗi quận, huyện, chi hội phải xây dựng được ít nhất 1 mô hình điểm vay vốn Quỹ HTND. Và thực tế là các mô hình đã khẳng định vai trò, vị trí của tổ chức Hội trong hệ thống chính trị như: mô hình trồng rau sạch tại xã Bắc Hồng (huyện Đông Anh); tổ hợp nghề nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm đồ gỗ xã Vân Hà (huyện Đông Anh); trồng dưa lưới công nghệ cao tại xã Viên Nội (huyện Ứng Hòa); chăn nuôi vịt đẻ trứng thương phẩm VietGAP xã Phúc Thượng (huyện Phúc Thọ); phát triển chăn nuôi bò sinh sản và trồng bưởi xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì); dự án chăn nuôi bò sinh sản xã Xuân sơn (Thị xã Sơn Tây)…
Ông Chu Anh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lâm cho biết: Hội chỉ đạo các cơ sở Hội kết hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền hội viên tích tụ ruộng đất để tạo cơ sở ban đầu phát triển kinh tế quy mô. Đồng thời cũng đẩy mạnh công tác cho vay vốn của Quỹ HTND, vay vốn của Ngân hàng CSXH thông qua Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm giúp cho nông dân có nguồn vốn phát triển sản xuất. Do đó trên địa bàn huyện đến nay các vùng cây ăn quả, vùng rau chuyên canh, vùng hoa cây cảnh đã hình thành và ngày càng phát triển.
Bà Đặng Thị Tươi- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ứng Hòa nhận định: “Từ nguồn hỗ trợ của Quỹ HTND của huyện, đặc biệt là của Thành phố, chúng tôi đã hỗ trợ cho các tổ nhóm thông qua các mô hình vay vốn giúp cho các hội viên nông dân xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả, giúp nhau làm giàu và tạo ra nhiều công ăn việc làm cho các hội viên. Trên địa bàn huyện thời gian qua đã xuất hiện nhiều mô hình mới, hiệu quả như mô hình trồng rau trong nhà màng, nhà lưới, mô hình chăn nuôi thủy sản, gia cầm, thủy cầm. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp khó khăn vừa qua thì nguồn vốn của Quỹ HTND đã giúp cho nông dân giảm bớt chi phí sản xuất để tăng hiệu quả kinh tế”.
Thực tế cho thấy nguồn vốn Quỹ HTND không chỉ giúp hội viên, nông dân Thành phố Hà Nội có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, mà còn giúp thay đổi phương thức canh tác nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời phát huy có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai chương trình phối hợp với các Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT và các ngân hàng thương mại trên địa bàn để hỗ trợ vốn giúp nông dân liên kết hợp tác phát triển SXKD, tham gia các chuỗi giá trị, tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động quỹ các cấp. Trong đó chú trọng kiểm tra đôn đốc việc sử dụng vốn của người nông dân, kịp thời phát hiện bất cập rủi ro có thể xảy ra, hạn chế nợ quá hạn phát sinh nhằm quản lý chặt chẽ nguồn vốn Quỹ HTND.
“Chúng tôi đã phối hợp để hỗ trợ cho nông dân vay vốn khoảng 4.000 tỷ. Hiện, tổng nguồn vốn Quỹ HTND toàn Thành phố Hà Nội đạt trên 712 tỷ đồng để trợ cho nông dân vay phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, phát triển làng nghề. Các nguồn vốn cho vay đều phát huy rất hiệu quả, bảo toàn nguồn vốn tốt, giải quyết việc làm cho nông dân. Thời gian tới, chúng tôi đang định hướng nguồn vốn Quỹ HTND này sẽ tập trung cho các dự án, các tổ hợp tác, chi hội, tổ hội nghề nghiệp được vay nhằm góp phần thúc đẩy phát triển các ngành nghề, mở rộng các vùng chuyên canh, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ để phát triển sản xuất hiệu quả”
Bà Phạm Hải Hoa-Chủ tịch Hội Nông dân Thành phố Hà Nội
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi