Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương
Kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo
Tọa lạc trên đỉnh núi Câu Lâu, đột khởi giữa vùng đồng bằng màu mỡ, với núi, non, sông, nước gắn liền với quan niệm phong thủy phương Đông, chùa Tây Phương gắn liền với một truyền thuyết về quá trình Phật giáo được truyền bá vào Việt Nam. Trải qua một vài thế kỷ, cũng có giai thoại kể về Tiết độ sứ thời Đường (864 - 868) là Cao Biền, phụ trách việc cai trị miền đất An Nam xưa đã đến đây để xây dựng một kiến trúc tôn giáo, với âm mưu ngăn chặn nguồn long mạch của xứ này.
Tuy nhiên, truyền thuyết vẫn chỉ là truyền thuyết, được người dân truyền miệng lại qua nhiều đời, còn chứng tích rõ ràng nhất liên quan đến Tây Phương cổ tự đích xác có từ thời Mạc Phúc Nguyên (1547 - 1561). Vào thời điểm này, chùa được xây dựng như quy mô hiện nay.
Chùa Tây Phương nổi tiếng không chỉ ở sự cổ kính qua truyền thuyết và lịch sử, nó còn nổi tiếng ở cảnh quan mê hồn, những kiến trúc nghệ thuật tôn giáo đặc sắc. Chùa Tây Phương hiện nay là một quần thể các đơn nguyên, bao gồm các hạng mục sau: Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.
Tam quan tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo bao gồm “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”
Quần thể kiến trúc của chùa Tây Phương bắt đầu từ chân núi Câu Lậu, với công trình đầu tiên là Tam quan hạ. Nơi đây là cổng có 3 cửa trong đó cửa chính giữa to và rộng nhất. Tam quan tượng trưng cho ba cách nhìn của Phật giáo bao gồm “hữu quan”, “không quan” và “trung quan”. Trong đó, “hữu quan” là thể hiện cái sắc (giả), là những sự vật hiện hữu trong cõi đời, “không quan” là tượng trưng cho cái không (vô thường) và “trung quan” là thể hiện sự trung dung của cả hai yếu tố sắc và không.
Từ Tam quan hạ phải đi lên 247 bậc đá ong mới đến Tam quan Thượng.
Tam quan Thượng chùa Tây Phương
Chùa Chính là hạng mục chủ yếu của toàn bộ phúc hợp Tây Phương. Chùa nằm trên đỉnh núi Câu Lâu, có kết cấu kiến trúc chữ công (I), bao gồm các tòa Tiền đường, Trung đường và Thượng điện. Cả ba đều có kết cấu kiến trúc khung gỗ kiểu chồng diêm, hai tầng tám mái. Cả hai tầng mái đều theo kiểu “tàu đao lá mái”, giữa hai tầng là cổ diêm được bưng kín bởi những tấm ván đố. Tiền đường và Thượng điện 5 gian, 2 chái với 6 bộ vì nóc, còn Trung đường được thu ngắn chiều ngang, chỉ còn 3 gian 2 chái, 4 bộ vì kèo, nhưng lại có mái thượng điện cao vượt hẳn lên.
Giữa các tòa Tiền đường, Trung đường và Thượng điện là các Thiên tỉnh (giếng trời) vừa thu nhận ánh sáng, thông gió vừa tạo cảm giác chuyển tiếp, thay đổi tâm thức một cách tự nhiên cho du khách vãn cảnh chùa.
Chùa chính Tây Phương còn rất nhiều sự đặc biệt về kết cấu khung gỗ, về tàu mái, bộ mái, cùng các mảng đề tài trang trí trên kiến trúc gỗ. Ngoài Chùa Chính là đơn nguyên nổi bật, Tam quan hạ, Tam quan Thượng nêu trên, thì với Nhà Tổ, Nhà Mẫu, Nhà Khách cùng với các đơn nguyên ấy đã tạo nên vẻ uy nghi, quy mô to lớn của quần thể Tây Phương.
Bảo tàng về tượng Phật giáo Việt Nam
Điểm nhấn của Tây Phương đối với du khách là hệ thống tượng pháp, với những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Tiêu biểu là các pho Tuyết Sơn, Thập bát vị La Hán, Bát Bộ kim cương, có niên đại thế kỷ 18. Ngoài ra còn có nhiều pho tượng nổi tiếng khác, thuộc thế kỷ 19, cũng vô cùng ấn tượng. Những bộ tượng thờ bằng gỗ này đều có giá trị tiêu biểu, xuất sắc về tượng gỗ, được công nhận là Bảo vật Quốc gia năm 2013. Có thể nói, Tây Phương là một bảo tàng về tượng Phật giáo Việt Nam. Nói như thế, chắc cũng không lấy gì là ngoa ngôn, cường điệu.
Chính điện chùa Trung, trên cùng cao nhất là Tây phương Tam Thánh, hàng thứ hai gồm Thích ca tam Thánh, tiếp theo là Long Hoa Tam thánh. Đây là những pho tượng trong số 18 pho tượng nổi tiếng của chùa Tây Phương.
Quyết định số 190/QĐ-TTg ngày 22/02/2024 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa phê duyệt có mục tiêu lập quy hoạch nhằm cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực liên quan đảm bảo phù hợp với việc bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích.
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
(Các vị La Hán chùa Tây Phương - Cù Huy Cận)
Bảo tồn, gìn giữ lâu dài các giá trị hiện hữu của chùa Tây Phương cùng các di sản văn hóa liên quan; góp phần phục hồi các di sản văn hóa đã bị mai một hoặc bị hủy hoại; bảo đảm duy trì sự toàn vẹn của các di tích; tôn vinh các giá trị di tích; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Đồng thời, phát huy giá trị, vai trò của di sản văn hóa liên quan trong thu hút du khách, tổ chức và góp phần tạo môi trường thuận lợi để tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và lễ hội truyền thống một cách an toàn, hiệu quả; phát triển du lịch bền vững, tạo thêm nguồn thu nhập, tạo cơ hội kinh doanh và việc làm cho cộng đồng dân cư địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Xác định lại ranh giới, khoanh vùng bảo vệ di tích; chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu vực di tích, khu vực dân cư và khu vực bảo vệ môi trường; quy hoạch tổ chức không gian, bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp với các giai đoạn bảo tồn, phát huy giá trị di tích...