Rau xanh sốt giá, nông dân Tiền Giang lãi to
Từ khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, việc đi lại, vận chuyển, mua bán hàng hóa đã được thông thương; quán ăn, nhà hàng nhiều địa phương hoạt động trở lại đã kích thích tiêu thụ hàng hóa nông sản của nông dân tỉnh Tiền Giang. Đặc biệt đối với mặt hàng rau xanh hiện nay sốt giá, nông dân địa phương lãi to.
Mới 6 giờ sáng, ông Nguyễn Văn Tèo, cũng như nhiều nông dân khác ở ấp 5 xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang khẩn trương ra đồng để chăm sóc và thu hoạch ruộng rau Húng Cây. Ông Tèo cho biết, nông dân địa phương rất phấn khởi khi bán rau Húng Cây với giá 30.000 đồng/kg, cao gấp 5 lần so cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá kỷ lục từ trước đến nay. Với mức giá này, nông dân trồng một công rau khi đạt năng suất bán thu lãi gần 40 triệu đồng/vụ (2 tháng).
Ông Nguyễn Văn Tèo cho biết: "Rau Húng Cây vụ này rất được giá, cao nhất từ xưa tới giờ. Nếu ai trồng rau đợt này lãi gấp mấy lần, nông dân mừng lắm, giảm bớt khó khăn".
Không chỉ rau Húng Cây mà hầu hết các loại rau xanh khác, giá cũng tăng nhiều lần so với thời điểm thực hiện giãn cách xã hội trước đây. Cụ thể như: Rau má giá từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg (tăng 3 lần), rau Quế giá 25.000 đồng/kg (tăng 3 lần), Ngò Gai, rau Om giá từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/kg (tăng 2 lần). Đặc biệt rau Cần Tàu do xuất khẩu mạnh nên giá từ 40.000 đồng đến 50.000 đồng/kg (tăng 4 lần).
Tại xã Nhị Bình, huyện Châu Thành có vùng trồng hơn 230 ha rau Diếp Cá chuyên canh ở phía Nam quốc lộ 1. Hiện nay, nông dân địa phương rất vui khi trúng mùa, trúng giá. Bà Hồ Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Nhị Bình cho biết, mô hình trồng rau Diếp Cá được nông dân trồng khoảng 15 năm. Vụ rau này, bà con bán được giá hơn 12.000 đồng/kg, tăng 2 lần so với tháng trước. Với mức giá này, nông dân có lãi khá.
Theo Chi Cục Phát triển nông thôn (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang), mỗi năm nông dân trong tỉnh duy trì hơn 50 nghìn ha màu chuyên canh; tập trung nhiều ở huyện Châu Thành, Thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, Gò Công Đông.
Chỉ riêng vụ này, nông dân gieo trồng hơn 7.000ha. Giá rau tươi tăng mạnh là do mấy tháng trước đây ảnh hưởng dịch bệnh đầu ra khó khăn, giá thấp nên nông dân giảm diện tích trồng khoảng 40%.
Gần đây, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ thị trường tiêu thụ rau trong và ngoài tỉnh, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh rất hút hàng. Dự kiến của ngành nông nghiệp địa phương, mặt hàng rau màu sẽ còn giữ mức giá cao khi “cầu vượt cung”.
Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập được trên 10 hợp tác xã, sản xuất và tiêu thụ rau màu an toàn. Ở thời điểm này, hoạt động của hợp tác xã rất thuận lợi, nhất là rau xanh thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ rất hút hàng.
Ông Võ Văn Lập, Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: "Từ đầu vụ đến nay, lượng rau xanh tiêu thụ rất tốt, không đủ cung ứng. Nhưng có điều là vướng mắc khâu vận chuyển do tình hình dịch bệnh. Nghị quyết 128 ra đời đã tháo gỡ rất nhiều chuyện, công nhân vào làm việc nhiều được."
Nhiều mặt hàng nông sản (nói chung) và rau tươi ở tỉnh Tiền Giang (nói riêng) đầu ra rất thuận lợi, giá cả tăng vọt. Đây là thành quả lao động trong mùa dịch của nông dân địa phương đã thực hiện mục tiêu kép, vừa tích cực phòng chống dịch bệnh vừa tăng gia sản xuất, để có nguồn thu nhập cao, cải thiện đời sống./.
Theo VOV
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân