Nhà nông cần biết

Sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ phụ phẩm tôm

07:30 27/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 25/10, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội Làm Vườn Việt nam (VACVINA), Cơ quan phía Nam và Công Ty Cổ phần Việt Nam Food (VNF) tổ chức lễ ký kết biên bản hợp tác thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tuần hoàn từ phụ phẩm tôm - hướng đến phát triển nền nông nghiệp an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp với nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên, ngành Trồng trọt Việt Nam vẫn luôn đối mặt với vấn đề tổn thất sau thu hoạch và các hệ lụy môi trường do lạm dụng các yếu tố đầu vào, nhất là phân bón và thuốc bảo vệ thực vật: 75% phân bón sử dụng là phân bón vô cơ; nhập khẩu phân bón quay trở lại mốc 1 tỷ USD. Trước thực trạng đó, VNF hiện là một trong những doanh nghiệp hàng đầu thế giới với nhà máy và công nghệ hiện đại đã nghiên cứu và chế biến sâu gần 80 sản phẩm từ đầu và vỏ tôm, giải quyết được các phụ phẩm từ tôm thành nhiều sản phẩm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong đó có ngành nông nghiệp.  

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Trưởng Cơ quan phụ tách phía Nam Hội Làm Vườn cho biết:  VACVINA là tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với hơn 800.000 hội viên trên cả nước, với mục tiêu là phát triển kinh tế vườn – ao – chuồng (VAC) theo mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đồng thời tuyên truyền và giới thiệu các thành tựu khoa học công nghệ mới, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao, giúp cho người sản xuất nông nghiệp tiếp cận và ứng dụng vào thực tiễn, lễ ký kết ghi nhớ hợp tác giữa VACVINA phía Nam và VNF là thực hiện theo Nghị quyết liên tịch số 06/NQLT-BNNPTNT- HLV giữa Bộ NN&PTNT và VACVINA về tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về nông nghiệp, nông thôn; giới thiệu, biểu dương các tập thể, cá nhân điền hình tiên tiến trong phong trào phát triển kinh tế vườn, kinh tế VAC gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp tuần hoàn bền vững, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

Các đại biểu tham dự Lễ ký kết. Ảnh: ĐVCC

Qua 2 năm VACVINA phía Nam và VNF phối hợp xây dựng các mô hình sử dụng dịch thủy phân đạm tôm, bước đầu cho thấy hiệu quả mang lại rất tốt, giúp nông dân cải thiện môi trường sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất. Với lợi thế thủy sản là ngành hàng thế mạnh của Việt Nam, nhưng phụ phẩm tôm là vấn đề lớn cần cần có công nghệ và giải pháp tốt để xử lý. VNF đã nghiên cứu và chế biến sâu gần 80 sản phẩm từ đầu và vỏ tôm, giải quyết được các phụ phẩm từ tôm thành nhiều sản phẩm ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Qua ứng dụng rất hiệu quả trong ngành Nông nghiệp, nên VACVINA cam kết cùng phối hợp để nghiên cứu ứng dụng và tổ chức thử nghiệm theo định hướng phát triển mô hình kinh tế VAC bền vững; khuyến khích người nông dân sử dụng hàng Việt chất lượng cao. Theo đó, các bên đã thống nhất, tận dụng các nguồn nguyên liệu tại địa phương, nhà máy để giảm thiểu lượng nguyên liệu nhập khẩu; Phát triển các giải pháp khoa học công nghệ để chiết xuất các chế phẩm sinh học từ phế phụ phẩm phù hợp với cây trồng, thổ nhưỡng và chăn nuôi tại Việt Nam.

Phối hợp nghiên cứu ứng dụng, phát triển công thức và giới thiệu, tổ chức thử nghiệm các sản phẩm theo định hướng sinh học, thân thiện với môi trường; Tổ chức quảng bá thông qua các chương trình hội thảo, hội nghị, giao lưu doanh nghiệp, tập huấn... nhằm mang lại giải pháp hiệu quả bền vững cho người nông dân và bảo vệ môi trường, xây dựng mô hình nông nghiệp kiểu mẫu từ đó phát triển và kiến nghị một giải pháp canh tác bền vững.

Ông Phan Thanh Lộc, Chủ tịch VNF cho biết : Chúng tôi là đơn vị chuyên xử lý sản phẩm từ tôm bao gồm đầu và vỏ tôm, thành nguồn nguyên liệu phục vụ trong ngành Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, sản phẩm của VNF góp phần giảm thiểu gánh nặng môi trường, là đơn vị tiên phong chiết xuất nguyên liệu để tạo ra sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, thông qua giải pháp xử lý toàn diện tạo ra các sản phẩm nguyên liệu có giá trị dinh dưỡng cao đáp ứng nhu cầu thị trường, luôn thân thiện với môi trường. Nước ta có một nguồn nguyên liệu phụ phẩm quá lớn cứ hai ngày chúng ta lại có một tỷ ky lô gam phụ phẩm có thể chiết xuất nguồn nguyên liệu, nhưng chúng ta đang bị lãng quên, thiếu nhiều cái trong đó phải nói đến ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất còn chậm, vì vậy chúng ta cần có một tư duy, cách nhìn trong canh tác và quá trình sản xuất.

Thời gian qua, hầu hết các hộ nông dân, hợp tác xã đều mong muốn có lợi nhuận nhanh chóng nên luôn chọn canh tác theo lối vô cơ và cách nhanh chóng nhất đó là nhập nguồn nguyên liệu từ các nước trên thế giới nhưng quên rằng mình có nguồn tài nguyên giàu giá trị. Bên cạnh đó, việc canh tác theo hướng vô cơ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên đất. Hướng canh tác hiện tại đã làm đất sản xuất nông nghiệp đang bị bạc màu và diện tích trồng trọt bị thu hẹp, cần có một định hướng và phát triển nền nông nghiệp hữu cơ.

Với tầm nhìn “Chất thải hôm nay là tài nguyên của ngày mai”, VNF áp dụng mô hình sản xuất theo định hướng “Không chất thải” Zero-waste để tạo giá trị gia tăng bền vững từ phụ phẩm thủy hải sản và nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng gia tăng trong trồng trọt và chăn nuôi.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác