Đồng Nai xuất khẩu chuyến sầu riêng đầu tiên sang thị trường Trung Quốc
Tham gia Lễ công bố có 6 doanh nghiệp xuất nhập khẩu sầu riêng, với số lượng 20 container chở 360 tấn sầu riêng, gồm giống Dona, Ri6 được thu hoạch từ 6 vùng trồng và 6 cơ sở đóng gói đã được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, thông qua các Cửa khẩu Tân Thanh, Cửa khẩu Quốc tế Hữu nghị, Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Dự kiến trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất khẩu 20.000 tấn sầu riêng từ 11 vùng trồng, với tổng diện tích 820 ha.
Sầu riêng là một trong 24 cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai, với diện tích trên 11.345 ha. Tỉnh Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ tư cả nước về diện tích, sau Đăk Lăk (22.458 ha), Lâm Đồng (17.719 ha), Tiền Giang (17.656 ha). Vùng trồng sầu riêng ở tỉnh Đồng Nai tập trung các huyện Cẩm Mỹ, Tân Phú, Xuân Lộc và thành phố Long Khánh. Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), DONA (chiếm 50% diện tích), với diện tích thu hoạch 6.574 ha và sản lượng năm 2023 khoảng 69.000 tấn.
Ông Võ Văn Phi, Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai cho biết: Sau nhiều năm đàm phán, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt tiếp tục xuất khẩu sầu riêng mà còn góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu sầu riêng của tỉnh Đồng Nai và Việt Nam ra thị trường thế giới.
Sầu riêng Đồng Nai đang có nhiều tiềm năng và lợi thế để xuất khẩu. Tính đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có 6 cơ sở đóng gói và 11 vùng trồng sầu riêng, sản lượng thu hoạch khoảng 20.000 tấn được cấp mã số xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, hiện có 61 vùng trồng sầu riêng với diện tích gần 2.000 ha và 4 cơ sở đóng gói sầu riêng đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Bảo vệ thực vật để đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt mã số. Đây là cơ sở, tiền để đảm bảo việc xuất khẩu sầu riêng chính thức, ổn định bền vững, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân.
Giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học – công nghệ, chuyển đổi số và tăng năng suất lao động. Phát triển hài hòa giữa kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, tập trung vào phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Hiện trên địa bàn tỉnh có 140 vùng trồng với diện tích gần là 27.000ha (chuối, xoài, mít, thanh long. chôm chôm, chanh) xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc và Mỹ, EU, Úc và New Zealand.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đã đề nghị Sở NN&PTNT, Sở Công thương, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tiếp tục đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân để sản phẩm nông sản của tỉnh Đồng Nai, nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, điều kiện theo quy định của nước nhập khẩu.
Ông Đỗ Quang Hà, Tổng giám đốc Công ty Quốc tế mậu dịch Vạn Thành Hỷ, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc cho biết: Trong suốt quá trình hợp tác, chúng tôi đã chứng kiến được sự chăm chỉ của người nông dân Việt Nam để trồng được các loại trái cây với chủng loại ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng tốt. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành với các doanh nghiệp Việt Nam trong việc nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc không chỉ với trái sầu riêng mà với các sản phẩm trái cây an toàn của Việt Nam.
Các doanh nghiệp Trung Quốc và Việt Nam đã có quá trình hợp tác hơn 30 năm trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu trái cây tươi. Doanh nghiệp đang tập trung hoạt động nhập khẩu, kinh doanh sầu riêng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam do doanh nghiệp nhập khẩu đã vào được các siêu thị và chợ đầu mối của Trung Quốc, có chỗ đứng nhất định.
Theo ông Từ Châu, Phó Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP. HCM chia sẻ: Việt Nam và Trung Quốc đang đẩy mạnh việc hợp tác trong xuất, nhập khẩu nông sản. Do khí hậu, Trung Quốc không phát triển được cây sầu riêng, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc lại rất ưa thích loại trái cây ngon, bổ dưỡng này. Cung không đủ cầu nên loại trái cây này được bán với giá cao ở Trung Quốc.
Qua khảo sát tại các siêu thị, chợ và các vùng trồng sầu riêng của Việt Nam, chúng tôi rất ngạc nhiên về chất lượng ngon và giá rẻ của sầu riêng Việt Nam, trong đó có tỉnh Đồng Nai, có sản lượng sầu riêng lớn, chất lượng cao, có tiềm năng hợp tác thương mại với Trung Quốc. Tổng Lãnh sự quán Trung Quốc sẵn sàng tích cực đóng vai trò cầu nối để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là của tỉnh Đồng Nai sang Trung Quốc.