Số hóa đã trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng
Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng lực tuân thủ tiêu chuẩn và chất lượng của chuỗi giá trị xoài tại Đồng bằng sông Cửu Long’’, là một phần trong Chương trình Hợp tác Phát triển Kinh tế của chính phủ Thụy Sĩ tại Việt Nam, do Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ thực hiện.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN& PTNT cho biết: Chương trình dự án nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản ngày càng hiệu quả, phù hợp với xu thế mới của thế giới, nhất là thời kỳ hậu Covid-19. Nông sản, thực phẩm có tiềm năng to lớn, là ‘‘trụ đỡ’’ trong nền kinh tế hiện nay, kim ngạch xuất khẩu nông sản 11 tháng đầu năm 2022 đạt 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó rau quả là ngành hàng xuất khẩu chủ lực, với kim ngạch đạt 3,55 tỷ USD. Với 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, cao su, rau quả và gạo và có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn, trong đó có các thị trường yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU và Nhật Bản, Hàn Quốc...
Thông qua các thông tin gợi mở tại hội thảo, đây là cơ hội để các tổ chức quốc tế, địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhìn nhận các cơ hội, các chính sách để tận dụng thời cơ, xu hướng phát triển; đồng thời đưa ra các giải pháp từ góc nhìn doanh nghiệp, thực tiễn để hoạch định các kế hoạch, chiến lược kinh doanh trong ứng dụng chuyển đổi số, phát triển thương hiệu cho trái cây đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Mặc dù đạt tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu với nhiều sản phẩm có sản lượng xuất khẩu đứng nhóm đầu thế giới, nhưng nông sản Việt Nam hầu như chưa có một thương hiệu mạnh được người tiêu dùng biết đến rộng rãi. Bên cạnh đó, bối cảnh phát triển của kỹ thuật số và các công nghệ mới hiện nay đòi hỏi ngành sản xuất nông nghiệp phải có sự thay đổi mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến để phát triển.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện UNIDO tại Việt Nam chia sẻ: Ở Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, cuộc khủng hoảng Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, trong việc khai thác tiềm năng của công nghệ kỹ thuật số, các doanh nghiệp tại nhiều địa phương vẫn phải đối mặt với những rào cản. Do đó, UNIDO phối hợp với Bộ NN& PTNT và các đối tác liên quan đang cung cấp hỗ trợ kỹ thuật toàn diện cho doanh nghiệp, gồm cả ứng dụng các giải pháp số hóa, đồng thời kết hợp tiếp thị và thực hiện chiến lược xây dựng thương hiệu nhằm thúc đẩy thương mại và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ về những giải pháp cụ thể trong số hóa và xây dựng thương hiệu, bao gồm: giải pháp số hóa trong truy xuất nguồn gốc, nhật ký đồng ruộng, và trong quản lý chuỗi giá trị trái cây nói chung, đào tạo trực tuyến với các quy trình thao tác chuẩn (SOPs), đăng ký và bảo hộ thương hiệu trái cây tại thị trường nước ngoài.
Bà Sibylle Bachmann, Phó trưởng Cơ quan Hợp tác Phát triển, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam chia sẻ: Thời gian qua, mức độ phức tạp của chuỗi giá trị toàn cầu đã tăng lên và số hóa đã trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng. Tuy nhiên, để làm đúng, người dân cần phải được trau dồi năng lực, các hệ thống cần được tích hợp và đặc biệt, các quy trình cần phải đi vào vận hành. Dữ liệu cần được truy cập dễ dàng và chia sẻ với tất cả các bên liên quan trong chuỗi giá trị.
- Chỉ có 1 loại thuế GTGT 5% mới được hoàn thuế: Cần thay đổi để tạo công bằng giữa các doanh nghiệp
- Cà Mau: Chủ động xây dựng, hình thành các liên kết chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp
- Bà Rịa - Vũng Tàu đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị
- Đồng Tháp: Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững