Sóc Trăng đào tạo nghề đa dạng, tạo sinh kế cho nông dân
Hỗ trợ chi phí giúp hội viên học tập
Ông Trần Văn Quân - Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Viên An, Tổ trưởng Tổ hợp tác Trồng bí đao bung (xã Viên An, huyện Trần Đề ) cho biết: “Tổ hợp tác có 17 thành viên với tổng diện tích canh tác 6ha. Vừa rồi, các thành viên đều tham gia lớp dạy nghề trồng bí đao bung, anh em được trang bị kiến thức hữu ích cho mô hình này, mỗi hội viên theo lớp đều được hỗ trợ tiền ăn mỗi ngày. Đây là vụ đầu tiên hội viên chuyển đổi trồng bí đao bung thay cây màu khác. Hiện nay, đa số đã thu hoạch xong, do mới trồng nên năng suất chưa cao, ước tính trung bình 2 tấn/công đất, đã có công ty đến thu mua với giá 3.000 đồng/kg”.
Nhờ tham gia lớp dạy nghề trồng bí đao bung mà anh Sơn Lan (ở ấp Bờ Đập, xã Viên An) mạnh dạn đầu tư mô hình trồng loại cây này với diện tích 2,5 công đất. Anh Lan chia sẻ: “Học nghề 22 ngày, mỗi ngày tôi được hỗ trợ 30.000 đồng, tôi dành trang trải tiền xăng, ăn uống khi đến lớp. Anh còn được tiếp cận kiến thức hữu ích về trồng bí đao bung.
Tham gia lớp dạy nghề trồng bí đao bung giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập gia đình.
Theo bà Trần Thị Thúy Yêm - chuyên viên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Trần Đề, lớp dạy nghề trồng bí đao bung được Trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan mở, có 18 học viên. Đến nay, trung tâm đã mở được 26 lớp đào tạo nghề, có 468 học viên, trong đó nghề phi nông nghiệp có 7 lớp với 126 học viên; nghề nông nghiệp 19 lớp với 342 học viên, nâng tổng số học viên tham gia học nghề là 629/704 học viên, đạt tỷ lệ 89,34% chỉ tiêu trên giao. Trong tháng 10.2022, Trung tâm đã tổ chức bế giảng 7 lớp dạy nghề, có 124 học viên.
Theo đánh giá của trung tâm, 112/124 lao động đã học nghề xong, được các cơ sở tạo việc làm giúp cải thiện cuộc sống, mức thu nhập khá ổn định. Tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo nghề là 90,32%. Đây là kết quả chọn lọc ngành nghề đào tạo; đồng thời, khi dạy nghề nào, Trung tâm cũng tìm đầu ra cho sản phẩm do lao động nông thôn tạo ra.
Ngoài ra, Trung tâm phối hợp với hội, đoàn thể và UBND xã, thị trấn tổ chức xây dựng mô hình đào tạo nghề nông nghiệp theo hướng an toàn sinh học tại các lớp học để học viên thực hành, tổng số có 19 mô hình như: Mô hình chăn nuôi gà, heo tại xã Trung Bình, mô hình trồng màu thị trấn Lịch Hội Thượng, xã Lịch Hội Thượng, xã Viên Bình, Viên An, Tài Văn, mô hình chăn nuôi bò tại xã Thạnh Thới Thuận; mô hình trồng lúa thị trấn Trần Đề, mô hình nuôi thủy sản xã Liêu Tú, Lịch Hội Thượng, Viên An.
Nhờ được thụ hưởng các chính sách trong giáo dục nghề nghiệp mà lao động nông thôn, nhất là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo… được hỗ trợ kịp thời, biết cách làm ăn, tăng năng suất lao động khi qua các lớp đào tạo nghề nông thôn.
Đào tạo đa dạng ngành nghề cho hội viên nông dân
Trong thời gian qua, tình hình hội viên nông dân thiếu việc làm phải đi địa phương khác tìm việc khá nhiều. Tổ chức Hội Nông dân các cấp gặp không ít khó khăn trong vấn đề sinh hoạt, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội ở tại địa bàn dân cư. Trước thực trạng đó, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được các cấp Hội trên địa bàn quan tâm, triển khai đến với hội viên và nông dân; kịp thời nắm bắt nhu cầu giải quyết việc làm nhàn rỗi ở tại địa phương.
Qua thời gian tiến hành khảo sát và biết được người dân trên địa bàn xã Thạnh Trị (huyện Thạnh Trị) nói chung và ấp Tà Niền nói riêng, người dân sống chủ yếu bằng nghề sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nên nhu cầu được học nghề là rất cần thiết. Hiện nay mô hình chăn nuôi bò thịt đang phổ biến và được nhiều hộ dân trong xã thực hiện để tăng thu nhập, góp phần xoá nghèo.
Nắm bắt nhu cầu của hội viên nông dân, giúp họ tiếp cận và áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt nhằm hạn chế chi phí chăn nuôi, tăng lợi nhuận và quy trình sử dụng vắc xin, thức ăn, cách phòng bệnh cho bò từ khâu chọn giống, chăm sóc đến khi xuất chuồng… Hội Nông dân xã Thạnh Trị đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức lớp khai giảng dạy nghề chăn nuôi bò cho 20 học viên.
Mô hình nuôi bò góp phần xóa nghèo ở huyện Thạnh Trị.
Lớp dạy nghề giúp cho hội viên nông dân được đổi mới phương pháp nuôi và chăm sóc đàn bò; tận dụng lao động nhàn rỗi, góp phần tạo việc làm tại chỗ; phát triển các mô hình chăn nuôi, sản xuất tại địa phương đạt hiệu quả cao, tăng thu nhập vươn lên khá giàu trong cuộc sống.
Tại xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng đã triển khai mô hình “Chăn nuôi gà theo hướng chuyên dụng”. Để thực hiện thành công dự án, ông Lý Hoàng Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sóc Trăng giao Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh làm chủ dự án, phối hợp Hội Nông dân huyện, xã và các hộ dân tiếp nhận dự án; đồng thời liên kết với các ngành có liên quan kiểm tra giám sát tiến độ thực hiện mô hình, thu thập số liệu, báo cáo dự án và tổ chức nghiệm thu, tổng kết đánh giá hiệu quả của mô hình.
Mục tiêu của Dự án là xây dựng mô hình điểm về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp góp phần xây dựng nông thôn mới. Mô hình chăn nuôi gà hỗ trợ cung cấp về giống, vật tư các loại là 50% cho 06 hộ dân tại xã Hòa Tú 1 theo hướng chuyên dụng có sử dụng đệm lót sinh học với phương thức chăn nuôi bán chăn thả có quy mô 200 con gà/hộ.
Vừa qua Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh Sóc Trăng phối hợp với Hội Nông dân huyện Cù Lao Dung tổ chức khai giảng lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn khóa 3, cho 25 học viên là hội viên, nông dân ấp An Phú A, xã An Thạnh Tây.
Khai giảng lớp dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn khóa 3 tại huyện Cù Lao Dung.
Đây là lớp thứ 3 được mở tại xã trong năm 2022, nội dung trồng rau màu an toàn, thời gian học 1,5 tháng. Học viên được tập huấn các kiến thức: Trình bày những kiến thức cơ bản về các nguyên nhân gây ô nhiễm rau, màu hiện nay; các quy trình khép kín về trồng các nhóm rau, màu như: Kỹ thuật làm đất, bón phân, quản lý dịch hại và chăm sóc cây rau, màu từng giai đoạn sinh trưởng; cách nhận biết được các loại sâu, bệnh hại chính và đưa ra biện pháp phòng trị hiệu quả; theo dõi và ghi chép sổ sách theo VietGAP; các quy trình sản xuất rau, màu theo theo hướng VietGAP vào mô hình trồng rau an toàn tại địa phương. Trước khi kết thúc khóa học các học viên được giảng viên hướng dẫn thực hành trực tiếp trên rau trồng, kiểm tra đánh giá đạt yêu cầu và cấp giấy chứng nhận cho mỗi học viên hoàn thành khóa học.
Theo ông Lâm Văn Huẩn - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cù Lao Dung, thông qua các lớp dạy nghề đã trang bị cho các học viên có những kiến thức, kỹ năng trồng rau, màu an toàn và phòng trừ dịch hại trên rau màu, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc gia súc, gia cầm. Từ đó giúp cho các học viên có nghề ổn định, tạo công ăn việc làm tại chỗ, tăng hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm