Học hỏi làm giàu

Thu tiền tỷ, "sống khoẻ" với nghề làm bún

Khánh Vy - 07:09 15/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ nguyên liệu là hạt gạo, ông Nguyễn Văn Khương ở thôn Điện Tiền, xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh đã thành công khởi nghiệp với nghề làm bún. Hơn 10 năm trong nghề, ông Khương đã sáng tạo sản xuất ra nhiều mặt hàng từ hạt gạo, sản phẩm của ông đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao được tiêu thụ mạnh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nâng cao thương hiệu nghề truyền thống của gia đình

Năm 2010, ông Khương bắt đầu tiếp quản nghề làm bún truyền thống của gia đình, lúc đó nhân lực tham gia lao động là 4 người trong nhà. Mỗi ngày gia đình ông sản xuất được 70 - 80kg bún, chủ yếu đem đi bán ở các chợ làng trong khu vực gần nhà. Trong quá trình sản xuất và đi bán bún, ông Khương nhận thấy bún làm ra chỉ để được trong ngày, qua đêm là bị ôi thiu, hư hỏng, đặc biệt là vào mùa Hè, thời tiết oi nóng bún sẽ rất nhanh hỏng. Ông Khương rất muốn sản xuất với số lượng lớn đem đi tiêu thụ ở các địa bàn xa hơn nhưng đành “bó tay”. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ làm thế nào để sợi bún có thể giữ được trong thời gian lâu hơn mà vẫn đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng, ông Khương đã nghĩ ra cách đóng gói bún tươi cho vào bao ni lông rồi hút chân không.

Ông Nguyễn Văn Khương từ mô hình sản xuất bún của hộ gia đình nay đã trở thành một doanh nghiệp nổi tiếng trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Nhiều sản phẩm bún do Công ty ông làm ra đã có mặt trên thị trường trong nước và quốc tế.

Theo ông Khương công đoạn này không những tăng giá trị của sản phẩm mà còn tăng thời gian sử dụng có thể tới 3 ngày ở nhiệt độ thường mà không hề ảnh hưởng đến chất lượng. Cũng từ đây, ông Khương đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bún tươi Khương Huy với đầy đủ hồ sơ pháp lý để đưa ra thị trường và được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Năm 2014, ông Khương thành lập Công ty TNHH Trang trại xanh Khương Huy và giữ chức vụ  Giám đốc.

Bún là một thực phẩm truyền thống, được người Việt rất ưa chuộng, phổ biến trong bữa ăn hàng ngày, được làm chủ yếu từ nguyên liệu gạo tẻ. Hiện nay, nghề làm bún vẫn được nhiều hộ gia đình làm bởi mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, tuy nhiên trên thị trường hiện có nhiều loại bún không rõ nguồn gốc, sản xuất không theo quy trình, chất lượng kém, thậm chí trong quá trình sản xuất nhiều cơ sở lại cho thêm hóa chất, hàn the… làm cho bún không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều đó, dẫn đến người tiêu dùng không dám sử dụng bún ăn thường xuyên do lo ngại ảnh hưởng đến sức khỏe.

Nắm bắt tâm tư e ngại của người tiêu dùng, ông Khương và người con trai đã nghiên cứu “Cải tiến kỹ thuật trong sản xuất bún sạch ”. Theo ông Khương chia sẻ, gia đình ông cải tiến kỹ thuật trong ngâm, ủ bột làm bún sạch. Ông đã đầu tư máy ép thuỷ lực để ép nước chua ra khỏi bột, bằng cách này sản phẩm bột làm ra sẽ mang lại hiệu quả hơn cách ép tay hoặc đè đá trước đây làm mất nhiều thời gian lại thêm mất vệ sinh. “Khi dùng máy ép này với 2 tạ bột chỉ mất 1giờ đồng hồ ép sạch nước chua so với trước đây phải mất 10 tiếng. Đồng thời, tôi còn sử dụng máy vo gạo và ngâm ủ gạo, điều chỉnh nhiệt độ duy trì ổn định ở mức 30 độ C để hạt gạo được bở đều. Khâu ngâm bột cũng phải được thực hiện nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng bột…”, ông Khương cho hay.

Để việc đóng túi sản phẩm bún tươi sạch dễ dàng, thuận tiện và năng suất, ông Khương còn chế tạo ra khuôn lồng túi để đưa bún vào dễ hơn, không mất vệ sinh và đóng được số lượng lớn. Không dừng ở đó ông còn tìm ra công thức pha chế sản xuất, chế biến ra nhiều sản phẩm như: bún tươi, bún  khô, bánh phở, bánh cuốn, bánh chưng, bánh gio…

“Sau nhiều đêm trăn trở, suy nghĩ phải làm thế nào để sản phẩm bún của mình sản xuất ra phải sạch, không có hóa chất, hàn the… độc hại, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thời gian sử dụng được dài, lâu bị thiu, hư hỏng để có thể mở rộng quy mô sản xuất, sản lượng cao, đến được tay người tiêu dùng ở nhiều nơi. Quá trình sản xuất, thử nghiệm mất rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ và gặp rất nhiều khó khăn, áp lực từ gia đình, hàng xóm, mọi người cho tôi là ảo tưởng, viển vông, trong khi nguồn vốn đầu tư chủ yếu đi vay. Cuối cùng sau nhiều cố gắng, tôi và con trai (Nguyễn Văn Huy) đã cải tiến kỹ thuật trong sản xuất và đã cho ra đời sản phẩm bún sạch, được thị trường yêu thích”, ông Khương bày tỏ.

Nghề sản xuất bún cho thu nhập tiền tỷ

Với ước mơ tạo ra một sản phẩm mang tên mình nhằm góp phần phát triển sản phẩm của địa phương; trên cương vị là giám đốc Công ty, ông Khương và đội ngũ nhân viên của mình luôn nghiên cứu, tìm tòi, thử nghiệm cho ra nhiều mẫu mã sản phẩm. Hiện Công ty của ông có gần 10 sản phẩm chế biến từ gạo. Mới đây để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng ông Khương và con trai Nguyễn Văn Huy đã sản xuất thành công dòng sản phẩm mới trên cơ sở kết hợp đưa các loại rau, củ vào thành phần bột làm phở, bún khô, vừa tạo màu sắc đẹp, bắt mắt, vừa làm tăng giá trị dinh dưỡng, chất xơ, vitamin của sản phẩm như: bún – phở khô rau ngót, bún – phở khô khoai lang tím, bún - phở khô bí đỏ, củ rền, hoa đậu biếc.

Sản phẩm bún khô sạch của Công ty được người tiêu dùng ưa chuộng 

Tiếng lành đồn xa, nhiều sản phẩm của công ty ông có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Hà Nam, Yên Bái… Đồng thời sản phẩm còn được giới thiệu, tuyên truyền trên chương trình “Nhịp cầu yêu thương” Đài VTC10; Chương trình “Ngon và bổ” Đài VTC16; được nhiều nhà hàng, khách sạn, các công ty và người dân tin dùng tìm đến.

Nhờ đó, Công ty ngày càng phát triển, hiện công ty đảm bảo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức lương 6 - 8 triệu đồng/người/tháng. Các sản phẩm của công ty luôn đặt quy tắc sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nên được bầy bán trong các siêu thị VINMART, COOPMART, AEON, PIVIMART,… và các của hàng thực phẩm như: Bác Tôm, Sói Biển, BigGreen,…và một số nước trên thế giới trong đó có Nhật Bản. Từ một hộ sản xuất nhỏ, sau nhiều năm kiên trì, tìm tòi phát triển nghề gia truyền của gia đình, giờ đây ông Khương đã trở thành doanh nghiệp nổi tiếng trong tỉnh. Hàng năm, Công ty có tổng doanh thu là 10,9 tỷ, lợi nhuận là 1,6 tỷ/năm. Trong 2 năm (2020-2021), nhiều sản phẩm của công ty đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Ninh.

“Công ty TNHH Khương Huy luôn nói không với các hóa chất độc hại, sản phẩm được làm hoàn toàn từ các nguyên liệu sạch có nguồn gốc rõ ràng không có chất bảo quản, không có chất tẩy trắng và các chất hại khác cho sức khỏe của con người theo đúng quy định tiêu chuẩn Vệ sinh an toàn thực phẩm của Cục vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia. Chúng tôi luôn luôn tuân thủ những phương pháp sản xuất truyền thống để tạo ra những sản phẩm bún sạch, bún khô Khương Huy có chất lượng cao mang lại thị trường trong và ngoài tỉnh”, ông Khương nói.

Với các giải pháp cải tiến kỹ thuật, các sản phẩm đã được kiểm nghiệm, công nhận và đăng ký bản quyền là sản phẩm sạch, ngoài ra Công ty TNHH Khương Huy còn tuân thủ sản xuất theo quy trình khép kín, không xả thải bừa bãi ra môi trường, nhà xưởng rộng rãi, sạch sẽ. Năm 2022, ông Khương đã đem đề tài nghiên cứu giải pháp sáng tạo “Cải tiến kỹ thuật trong sản xuất bún sạch đi dự thi “Nhà khoa học của nhà nông” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức và đã nhận được danh hiệu này.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác