Sức sống trường tồn của bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”
Những khổ thơ viết bằng máu
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên
Chiến sĩ anh hùng
Đầu nung lửa sắt
Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
Những đồng chí thân chôn làm giá súng
Đầu bịt lỗ châu mai
Băng mình qua núi thép gai
Ào ào vũ bão
Những đồng chí chèn lưng cứu pháo
Nát thân nhắm mắt còn ôm
Những bàn tay xẻ núi lăn bom
Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện
Hình ảnh: “Máu trộn bùn non; Nát thân nhắm mắt; Xương tan thịt nát…” không hề bi lụy mà nó là khúc tráng ca hát cho những người lính, cho dân tộc Việt Nam, quyết đem máu mình để chấm dứt chiến tranh, sẵn sàng hi sinh để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Lịch sử suốt hơn 4.000 năm dựng nước, giữ nước, bao thế hệ người Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình nhưng khi có giặc đến xâm lăng thì sẵn sàng xả thân, dũng cảm đối mặt kẻ thù, để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng và độc lập, tự do cho dân tộc. Có độc lập nào không trải bằng máu, một dân tộc nhỏ bé, đối chọi với cường quốc đế quốc làm sao nhận được sự tôn trọng và cái cúi đầu của kẻ thù hùng mạnh.
Khúc tráng ca: "Những đồng chí chèn lưng cứu pháo. Nát thân nhắm mắt còn ôm"
Đoạn thơ ngắn gọn, không có một cái tên, chỉ là “những đồng chí” đã hy sinh, những chiến sĩ ở đủ các binh chủng, từ bộ binh, pháo binh, công binh, vận tải. Nhịp thơ ngắn gọn, dứt khoát, không một giây chần chừ khiến người đọc cảm nhận rõ ràng sự anh dũng hi sinh, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng của các chiến sĩ, tất cả vì thắng lợi.
Những tư liệu lịch sử sau này đã điền tên các anh hùng liệt sĩ vào chỗ trống trong bài thơ. Đó là Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, đó là Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, đó là Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai.. Còn nhiều nhiều nữa những chàng trai đã ngã xuống ở tuổi đôi mươi, lấy máu mình viết lên một trang sử oai hùng của Quân đội Nhân dân, của dân tộc Việt Nam.
Với tầm nhìn bao quát, toàn diện, nhà thơ Tố Hữu đã dành một khổ thơ trang trọng vinh danh lực lượng dân công, lực lượng hậu cần khổng lồ đã khắc phục muôn vàn khó khăn, gian khổ, ngày đêm chi viện cho chiến trường giành thắng lợi cuối cùng.
Và những chị, những anh, ngày đêm ra tiền tuyến
Mấy tầng mây, gió lớn mưa to
Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ
Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát
Dù bom đạn, xương tan thịt nát
Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh.
Hỡi các chị, các anh
Trên chiến trường ngã xuống!
Máu của anh chị, của chúng ta, không uổng:
Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam
Những vần thơ đẹp như vẽ của Tố Hữu: "Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ. Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát"
Bộ đội hy sinh trên chiến trường, dân công ngã xuống dưới sự bắn phá điên cuồng của giặc Pháp hòng làm đứt đoạn tiếp tế của ta đến mặt trận. Các anh, các chị "dù bom đạn, xương tan thịt nát" vẫn quyết tâm tiến về Điện Biên, mang theo những nắm gạo, những vắt cơm còn nồng khói bom, còn đẫm mồ hôi và cả máu của hàng chục vạn dân công tiến về hỏa tuyến. Các anh, các chị đã chiến đấu trên chiến trường Điện Biên dù không giáp mặt kẻ thù, dũng cảm, kiên cường, dám xả thân và dâng hiến cho đất nước, sẵn sàng hy sinh để góp phần đem về chiến thắng cho dân tộc.
Vang mãi khúc khải hoàn
Lũ chúng nó phải hàng, phải chết
Quyết trận này quét sạch Điện Biên
Quân giặc điên
Chúng bay chui xuống đất
Chúng bay chạy đằng trời
Trời không của chúng bay
Đạn ta rào lưới sắt!
Đất không của chúng bay
Đai thép ta thắt chặt!
Của ta, trời đất, đêm ngày
Núi kia, đồi nọ, sông này, của ta!
Chúng bay chỉ một đường ra
Một là tử địa, hai là tù binh
Hạ súng xuống, rùng mình run rẩy
Nghe pháo ta lừng lẫy thét gầm
Bao nhiêu hờn căm, bao nhiêu tủi nhục của một dân tộc bị giày xéo dưới ách đô hộ của bọn thực dân, chúng ta trút vào kẻ thù. Bao nhiêu máu xương, bao nhiêu mất mát, ta đòi lại bằng mũi súng anh hùng. Những viên đạn xiết chặt đường tẩu thoát trên không của địch, một tấn thuốc nổ bốc bay trời lên lũ giặc chui dưới lòng đất đồi A1. Kẻ thù phải chết hoặc phải hàng, phải trả giá cho những tội ác chất chồng trên đất nước này bằng máu, phải oằn lưng chịu những đau đớn và mất mát như chúng đã gây ra cho dân tộc này.
Tướng De Castries và toàn bộ sĩ quan chỉ huy cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống
Và cuối cùng:
Nghe trưa nay tháng 5 mùng 7
Trên đầu bay thác lửa hờn căm!
Trông: bốn mặt, luỹ hầm sụp đổ
Tướng quân bay lố nhố cờ hàng
Trông: chúng ta cờ đỏ sao vàng
Rực trời đất Điện Biên toàn thắng!
Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945; mở ra giai đoạn cách mạng mới, tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Cờ Quyết chiến, Quyết thắng tung bay trên nóc hầm tướng De Castries
Trên bình diện quốc tế, chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành lũy của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại chiến trường Điện Biên Phủ
Có thể nói, ngay bên bờ chiến hào còn chưa tan khói súng, trong không khí khải hoàn của chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhà thơ Tố Hữu đã viết một bài thơ lịch sử “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Bài thơ mang đầy tính thời sự lúc đó và vẫn còn mang đầy tự hào, khải hoàn nguyên vẹn đến ngày hôm nay, trong không không khí náo nức của cả dân tộc cùng hướng về Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và Năm Du lịch quốc gia 2024.
- Phát huy giá trị văn hiến Thăng Long - Hà Nội qua triển lãm sách 70 năm giải phóng Thủ đô
- Biến “phế liệu chiến tranh” thành nhạc cụ nơi bản làng Hướng Hoá, Quảng Trị
- Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Nắng Ba Đình"
- 119 tác phẩm vào vòng chung khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ Hai