Nông thôn mới

Tam Giang Tây xây dựng sản phẩm OCOP bằng cách làm mới

Quân Hoàng - 07:05 15/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thiếu nguồn vốn, xã Tam Giang Tây (huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) đã thực hiện cách làm chọn lọc trong xây dựng các sản phẩm OCOP, đó là tập trung nguồn lực xây dựng thành công một mô hình, sau đó mở rộng bằng hình thức hợp tác xã, từ đó nhân rộng thêm nhiều sản phẩm OCOP khác cho địa phương.
TIN LIÊN QUAN

Xây dựng sản phẩm OCOP không chạy theo thành tích, số lượng

Tam Giang Tây là xã biển vùng sâu còn nghèo của huyện Ngọc Hiển, thu nhập kinh tế chủ yếu từ nghề đánh bắt nuôi trồng thủy sản. Con tôm, cua, cá nơi đây rất nổi tiếng bởi nằm trong vùng Ngọc Hiển nhiều phù sa bồi đắp. Xã Tam Giang Tây có diện tích 92,35 km², dân số năm 2019 là 9.157 người. Toàn xã có trên 250 phương tiện đánh bắt tập trung nhiều ở cửa biển Bồ Đề, thu nhập bình quân đạt 53 triệu đồng/năm. Với vị trí giáp biển có làng nghề truyền thống từ các sản phẩm đánh bắt lâu đời, nhưng Tam Giang Tây vẫn loay hoay với sản phẩm OCOP, khi giao thông chủ yếu bằng sông ngòi cách trở, các thủ tục xây dựng OCOP rất nghiêm ngặt.

Ông Phạm Chí Công, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Nghị quyết của xã phải đạt 1 sản phẩm OCOP. Thêm nữa, các doanh nghiệp – hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn lại không mặn mà với sản phẩm OCOP, bởi thiếu kinh phí và thủ tục phiền hà. Khó khăn là vậy, tưởng không thể vượt qua nhưng không vì khó mà xã bỏ không làm OCOP bởi làng nghề truyền thống từ sản phẩm biển của xã đã có hàng trăm năm nay.

Quyết tâm phải làm được, nhằm đưa ngành nghề của quê hương vươn ra cả nước, Đảng ủy và UBND xã cùng ngồi bàn, cùng đồng lòng chọn cách “nở hoa” - được xem là cách nhanh và hiệu quả nhất để giúp ích cho người dân.

Khách tham quan gian hàng sản phẩm của cơ sở Giang Loan tại một Hội chợ giới thiệu nông sản Cà Mau.

Theo đó, xã chọn một doanh nghiệp tư nhân có đủ nội lực để động viên xây dựng sản phẩm OCOP, với cam kết giúp về vốn và thủ tục. Đổi lại, sau khi thành công, doanh nghiệp sẽ cùng xã lập mô hình kinh tế hợp tác xã chuyên sản xất các sản phẩm OCOP mới. Theo phương châm và cách làm đó, năm 2021 xã đã vận động được cơ sở sản xuất hộ gia đình Giang Loan ấp ở Chợ Thủ A thực hiện mô hình mẫu.

Sản phẩm của cơ sở Giang Loan đã được các bạn hàng ở Bình Dương, TP.HCM, Vũng Tàu tiêu thụ.

Thiếu vốn, cán bộ xã gom góp tiền túi được 20 triệu đồng cho cơ sở mượn không lãi để làm vốn mở rộng sản xuất. Sau đó, tranh thủ vay thêm 60 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ Nông dân. Vậy là cơ sở Giang Loan cam kết cùng xã đồng hành xây dựng sản phẩm OCOP với 3 sản phẩm: Tôm khô, bánh phồng tôm các loại và mắm tôm.

Bước đầu thành công tạo động lực nhân rộng mô hình

Có nguồn vốn, cơ sở Giang Loan đầu tư trang thiết bị hợp vệ sinh theo qui định, tham gia các lớp tập huấn về sản xuất bảo quản các sản phẩm, mở rộng nhà xưởng, thuê mướn thêm nhân công. Tính đến nay, Giang Loan có 3 sản phẩm đã hoàn tất thủ tục đăng ký tham gia Chương trình OCOP của tỉnh, dự kiến sẽ chính thức được công nhận vào 15/11/2022 tới. Nhưng thành công hơn, doanh số của doanh nghiệp tăng mạnh, khi vụ Tết 2022 vừa qua hơn 1 tấn tôm khô, hơn 1 tấn bánh phồng tôm các loại được các bạn hàng ở Bình Dương, TP.HCM, Vũng Tàu tiêu thụ hết. Điều làm lãnh đạo xã vui mừng hơn cả là có thêm 9 hộ kinh doanh khác đăng ký được làm ăn với Giang Loan dưới hình thức hợp tác xã để mở rộng mô hình sản xuất OCOP. Theo dự kiến, Hợp tác xã sẽ chuyên sản xuất các sản phẩm OCOP khác từ các sản phẩm thế mạnh của địa phương từ tôm sinh thái, các loại cá khô, các loại mắm tôm, mắm cá…

Sản phẩm tôm khô của cơ sở Giang Loan.

Bà Trương Kim Loan - chủ cơ sở Giang Loan cho biết: “Gần 20 năm qua, cơ sở đã sản xuất các sản phẩm theo cách thủ công truyền thống bằng kinh nghiệm dân gian với qui trình thô sơ, không đảm bảo thời gian bảo quản. Dự kiến từ sau tháng 11/2022, khi 3 sản phẩm OCOP của cơ sở chính thức lên sàn thương mại điện tử, cơ sở sẽ tiếp tục xây dựng thêm 2 sản phẩm OCOP khác là mắm cá sơn và mắm tôm bằng qui trình an toàn thực thẩm với thiết bị hiện đại. Tất cả đều là nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của xã về vốn, kiến thức, và trợ giúp thủ tục pháp lý. Vừa mừng vừa lo, vì đang có nhiều đơn hàng đặt thêm trong dịp Tết 2023 này, trong khi thời gian này có mưa nhiều, không thuận lợi cho các sản phẩm cá khô”.

Đặc sản cá khô lẹp vàng của cơ sở Giang Loan được khách hàng ưa chuộng.

Theo ông Phạm Chí Công – Bí thư Đảng ủy xã Tam Giang Tây chia sẻ, ngoài thành công khi doanh thu tăng vọt từ khi làm sản phẩm OCOP, cơ sở Giang Loan còn tạo công ăn việc làm ổn định cho 3 người thân trong gia đình cùng người dân lân cận với thu nhập bình quân từ 250.000 - 350.000 đồng/ngày, góp phần giải quyết được một số lao động nhàn rỗi của địa phương.

Ông Công tin tưởng, thành công của mô hình vào năm 2023 sẽ còn lớn hơn khi có hàng chục hộ tham gia Hợp tác xã sản xuất chế biến thuỷ - hải sản này. Ngoài việc góp phần tiêu thụ nông sản của xã, tăng doanh thu, còn tạo được nhiều việc làm cho nhân công nhàn rỗi tại địa phương. Được biết sắp tới, lãnh đạo xã Tam Giang Tây sẽ chủ động nhờ huyện và tỉnh hướng dẫn các bước để tiếp cận với các siêu thị trong tỉnh, qua đó tạo kênh tiêu thụ vững chắc ổn định cho bà con an tâm sản xuất.  

Tin cùng chuyên mục
Tin khác