Nông thôn mới

Tân Châu triển khai nhiều giải pháp trong xây dựng nông thôn mới

Ái Vân - 07:20 09/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Lãnh đạo TX. Tân Châu (An Giang) luôn chú trọng công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến và lan tỏa sâu rộng trong dân; vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới từng bước được xác định, ngày càng có nhiều người dân tham gia đóng góp tiền của, công sức, đất đai cùng chung sức xây dựng nông thôn mới.

Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn nhiều hó khăn

Đến nay, chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội được đảm bảo; hệ thống tổ chức chính trị ngày càng vững mạnh, dân chủ ở cơ sở được phát huy. Trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới TX. Tân Châu đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn lồng ghép, trong đó có huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, mạnh thường quân và người dân. Việc đầu tư các hạng mục công trình trong xây dựng nông thôn mới luôn đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí, không để nợ đọng xây dựng cơ bản.

Nhiều mô hình canh tác nông  nghiệp tại địa phương sử dụng máy bay không người lái. Ảnh: ĐVCC

Tuy nhiên, tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách phân bổ cho chương trình còn hạn chế trong khi nhiều xã có rất nhiều chỉ tiêu cần vốn hỗ trợ của Nhà nước như giao thông, trường học, văn hóa, môi trường... các hướng dẫn thực hiện các nội dung nguồn vốn sự nghiệp còn viện dẫn qua các văn bản hướng dẫn khác, chưa có hướng dẫn cụ thể như: Các mô hình cảnh quan môi trường, mô hình thu gom rác tại nguồn và bao gói thuốc bảo vệ thực vật, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện.

Các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2015-2020 có động thái khởi động thực hiện Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 chưa đồng đều, không thường xuyên liên tục như các xã đang nằm trong lộ trình phải đạt chuẩn. Nông thôn tuy có phát triển, nhưng còn nhiều tiêu chí chưa đạt hoặc mức độ đạt ở các xã còn thấp và thiếu bền vững, trong đó có một số tiêu chí đạt thiếu bền vững như: Thu nhập, hộ nghèo, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, tiêu chí về môi trường và an ninh trật tự... việc thực hiện liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân đã cơ bản hình thành, bước đầu đã mang lại những hiệu quả nhất định, tuy nhiên, mối liên kết này vẫn còn thiếu tính bền vững, chưa thật sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với thị trường; việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp chưa tạo ra giá trị cạnh tranh của sản phẩm; sản xuất nông nghiệp tại các xã còn manh mún, tự phát; kinh phí đầu tư cho phát triển sản xuất chưa nhiều, chưa đủ lớn để tạo ra đột phá.

Nhiều con đường bê tông hóa khang trang. Ảnh: ĐVCC

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của thị xã biên giới. Vẫn còn một số người dân chưa hiểu rõ được chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, chưa nhiệt tình tham gia tổ chức thực hiện, còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc huy động nguồn lực trong dân còn gặp nhiều khó khăn. Điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội của thị xã trước khi thực hiện Chương trình, tỷ lệ đạt chuẩn thấp, thiếu sự đồng đều giữa các địa phương, đặc biệt là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường, cần nguồn lực đầu tư lớn.

Cần sự hỗ trợ nhiều hơn nữa từ các cơ quan ban ngành, đoàn thể…

Từ những khó khăn, tồn đọng, ông Đặng Văn Nê, Ủy viên Ban thường vụ Thị ủy, Phó Chủ tịch UBND TX. Tân Châu, tỉnh An Giang kiến nghị: Đối với UBND các xã cần tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo về xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để phát huy mạnh mẽ vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao phải thường xuyên duy trì và giữ vững các tiêu chí chỉ tiêu đã đạt, thực hiện các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời, phối hợp với ngành liên quan khẩn trương điều chỉnh quy hoạch theo quy định.

Mô hình canh tác lúa thông minh tại Tân Châu. Ảnh: ĐVCC

Đối với các ban ngành, đoàn thể thị xã: Thường xuyên rà soát, triển khai theo nhiệm vụ được phân công thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và hỗ trợ UBND các xã thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu do ngành phụ trách. Báo cáo kết quả thực hiện do ngành phụ trách về UBND thị xã, thông qua Phòng Kinh tế để kịp thời tổng hợp, giải quyết kịp các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đề nghị các tổ chức đoàn thể trong quá trình triển khai nhiệm vụ có các hoạt lồng ghép, hỗ trợ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; gửi báo cáo kết quả thực hiện về UBND thị xãĐối với UBND tỉnh An Giang kiến nghị, chỉ đạo ngành chuyên môn ban hành hướng dẫn cụ thể và thống nhất về thủ tục, quy trình đăng ký, hỗ trợ chủ thể trong thực hiện các nội dung Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, cụ thể như: quy trình hồ sơ thủ tục đăng ký hỗ trợ xây dựng bao bì và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; hỗ trợ chi phí bao bì, in tem...

Hiện nay, Thông tư 53/2022/TT-BTC ngày 12/8/2022 của Bộ Tài chính đã được thay thế bằng Thông tư 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính, đề nghị Sở Nông nghiệp phối hợp với các Sở ngành liên quan sớm có hướng dẫn cụ thể thực hiện trên địa bàn tỉnh An Giang các nội dung đăng ký, phê duyệt hỗ trợ, định mức quy định… để cán bộ công chức thực hiện đúng theo quy định pháp luật, đặc biệt là các nội dung trong thực hiện hỗ trợ các chi phí cho Chương trình Mỗi xã một sản phẩm. Đồng thời, chỉ đạo sở ngành chuyên môn sớm ban hành hướng dẫn thực hiện và đánh giá các tiêu chí trong thực hiện “Đô thị văn minh” do nội dung này nằm trong tiêu chí thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Xem xét và bổ sung sớm nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí về trường học, đặc biệt là phân bổ vốn đầu tư cho các trường trung học cơ sở tại các xã và xem xét đầu tư các trường tại phường để đạt chuẩn đô thị văn minh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác