Doanh nghiệp

Tạo động lực cho doanh nghiệp xuất khẩu trong những tháng cuối năm

07:38 14/07/2023 GMT+7
Bộ Công Thương sẽ tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Mặt hàng sầu riêng được xem là động lực tăng trưởng của ngành rau quả trong 6 tháng đầu năm 2023

Theo số liệu của liên bộ, xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 164,5 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp xuất khẩu đối diện nhiều khó khăn

Thông tin tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 ngành công thương diễn ra vào đầu tháng 7, tại Hà Nội, ông Trần Duy Đông, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nguyên nhân khiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2023 giảm mạnh là do từ quý III/2022, lạm phát tăng cao, thậm chỉ đạt đỉnh lịch sử nhiều năm tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU... 

Giá cả hàng hóa tăng cao dưới ảnh hưởng của lạm phát trong khi thu nhập của người dân không được cải thiện, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, điều này tác động trực tiếp tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Bước sang năm 2023, mặc dù đã thực hiện các biện pháp ứng phó, tuy nhiên lạm phát vẫn ở mức cao và nền kinh tế của các quốc gia vẫn đứng trước nguy cơ suy giảm kinh tế.

Tại Hoa Kỳ và các nước châu Âu, nhiều ngân hàng lớn lâm vào bối cảnh khó khăn. 

Thị trường Trung Quốc mở cửa trở lại sau dịch bệnh cũng bổ sung nguồn hàng lớn, tạo nên sức ép cạnh tranh mạnh mẽ cho hàng hóa của Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu. 

“Có thể thấy các doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay đang đối mặt với khó khăn chồng khó khăn, trong đó việc không có đơn hàng dẫn tới phải cắt giảm công suất, thậm chí là dừng sản xuất”, ông Trần Duy Đông chia sẻ.

Xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu uy tín 

Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận, hiện hoạt động xuất khẩu đã lấy lại được đà phục hồi và tăng trưởng. Thặng dư thương mại lớn (12,2 tỷ USD) đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán, cải thiện dự trữ ngoại hồi, tạo dư địa lớn trong điều hành chính sách tiền tệ. Xuất khẩu hàng công nghiệp giảm mạnh trong khi hàng nông sản tăng trưởng khá tốt đặc biệt là mặt hàng rau quả, gạo và hạt điều. 

Để lấy lại đà tăng trưởng trong xuất khẩu, ông Trần Duy Đông cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện đồng loạt 8 nhóm giải pháp chính.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như hỗ trợ sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiến nghị thêm chính sách về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí và tạo ra nhiều sản phẩm cạnh tranh hơn.

Bộ Công Thương và Cục Xuất nhập khẩu sẽ chủ trì triển khai đồng bộ các chương trình trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đến năm 2030 và Chiến lược phát triển các mặt hàng chủ lực trong đó có Chiến lược xuất khẩu mặt hàng gạo.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại. Trong đó tập trung vào việc xây dựng hình ảnh và công bố doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.

Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các hiệp định thương mại, trong đó tập trung vào việc sớm hoàn tất các thủ tục để tiến hành ký kết Hiệp định FTA với Israel; đẩy nhanh đàm phán ký kết hiệp định thương mại với các thị trường còn là tiềm năng (UAE, Mercosur,…); hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA.

Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đàm phán với các nước nhất là Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác của Việt Nam như bưởi da xanh, dừa tươi, bơ, dứa, vú sữa, chanh, dưa lưới...

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu; tiếp tục thực hiện các giải pháp để phát triển dịch vụ logistics, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Và cuối cùng là nhóm giải pháp về nâng cao tốc độ thông quan xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo Hội nghị sơ kết - Ảnh: VGP

Nhận biết "rào cản", tăng cường kết nối cho doanh nghiệp

Nhận định tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt với nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, riêng về mảng xuất nhập khẩu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đẩy nhanh tiến độ đàm phán, ký kết các cơ chế hợp tác song phương và đa phương mới với các nước, các khu vực còn tiềm năng (như Israel, UEA, Mercosur…); tiếp tục phát huy tốt vai trò của hệ thống cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp kịp thời các thông tin về thị trường và các quy định, chính sách mới của các nước sở tại.

Đồng thời, cảnh báo sớm các “rào cản” mới của đối tác và các vụ việc phòng vệ thương mại, giúp cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có phản ứng chính sách phù hợp, khai thác có hiệu quả các FTA mà Việt Nam làm thành viên để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất nhập khẩu.

Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thâm nhập các thị trường mới nổi, thị trường ngách, có nhiều tiềm năng; đồng thời, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.

Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, đặc biệt là thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo điều kiện thuận lợi cho mở rộng thị trường trong và ngoài nước, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.

Chú trọng triển khai có hiệu quả các giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển thương mại trong nước, kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng; đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả.

Tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa và nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, tạo môi trường sản xuất kinh doanh lành mạnh, bảo vệ sản xuất và lợi ích người tiêu dùng trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đối với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Bộ trưởng đề nghị các thương vụ chủ động nghiên cứu, nắm vững nhu cầu, thị hiếu, yêu cầu của thị trường và thường xuyên cập nhật các quy định, chính sách mới của nước sở tại để tham mưu, đề xuất những phản ứng chính sách kịp thời, nhanh nhạy; đồng thời, giúp các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh phù hợp.

Tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác, thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực mà trong nước đang có nhu cầu và có chính sách ưu đãi đầu tư (như: Cơ khí, chế biến chế tạo, điện tử, hóa chất, vật liệu mới và các ngành công nghiệp phụ trợ, dịch vụ tài chính, ngân hàng, logistics, chuyển đổi năng lượng xanh…), đồng thời tạo điều kiện, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Đây là một điểm mới mà lãnh đạo Bộ đã triển khai từ đầu năm đến nay.

Thường xuyên giữ mối liên hệ, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ, các bộ, ngành liên quan và các địa phương, hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ, kết nối xúc tiến thương mại, tận dụng hiệu quả cơ hội thị trường trong từng thời điểm, giai đoạn, đặc biệt là hỗ trợ xuất khẩu nông, thủy sản có tính mùa vụ.

"Gần 2,8 tỷ USD là tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả sau 6 tháng đầu năm. Với việc đơn hàng tấp nập, dự báo xuất khẩu rau quả năm 2023 sẽ cán mốc 5 tỷ USD", ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết

Theo Chính phủ 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác