Tập huấn mô hình Làng nông thôn mới Saemaul - “sân chơi” mới cho nông dân
Ông Kwak Busung, Trưởng Văn phòng Đại diện Quỹ Saemaul (Saemaul Foundation – SF) tại Việt Nam nhìn nhận, sự kiện tập huấn và thi đua năng lực của 11 làng Saemaul Việt Nam giữa tháng 11/2022 vừa qua, có thể coi như sơ kết phong trào hợp tác gây dựng mô hình nông thôn mới giữa Hàn Quốc và Việt Nam 6 năm qua. Một “sân chơi” đúng nghĩa của nông dân ở phong trào này, đã được khuấy động, phát huy hiệu quả, qua đó tạo động lực thúc đẩy tốt hơn chương trình vận động chung, và nhất là, tìm ra những bài giải hợp lý cho con đường vận động kinh tế sản xuất nông nghiệp nông thôn.
Không chỉ là một mô hình?
Quỹ SF thông tin, sau 6 năm vận động, mô hình làng nông thôn mới Saemaul Hàn Quốc đã xác lập được ở 11 làng thuộc 8 tỉnh thành, gồm Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Hậu Giang, An Giang và Đồng Tháp.
Đây là mô hình sáng kiến do Hàn Quốc đề xướng, dựa vào chương trình vận động đã từng diễn ra hồi thập kỷ 90 của thế kỷ 20 tại nước này, tạo phong trào thay đổi sản xuất, xây dựng những sản phầm hàng hóa nông nghiệp có giá trị thị trường tại các ngôi làng nông thôn xứ Kim Chi. Thành công của phong trào ấy đã giúp Hàn Quốc đúc kết nên một mô hình phát triển, tương tác giữa cộng đồng những người nông dân bản địa, với các tổ chức thương mại, kinh tế và cả quản lý hành chính để phát huy hiệu quả các giá trị đầu tư.
200 nông dân tham gia "sân chơi" tập huấn kỹ năng mô hình làng nông thôn mới Saemaul.
Người nông dân là chủ thể mô hình ấy, cần mạnh dạn thoát khỏi cảnh thụ động “bám vào nông vụ truyền thống và sản phẩm cơ hữu”, để trở thành những người làm việc trên đồng ruộng với năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn. Đời sống của họ được cải thiện, thu nhập tăng lên khi các sản phẩm có đầu ra ổn định, và nhất là có điều kiện tái lập lại những giá trị sinh hoạt cộng đồng, gây dựng văn hóa truyền thống, thúc đẩy phát triển hơn những nhận thức đời sống xã hội.
Từ thực tế đó, Hàn Quốc quyết định nhân rộng mô hình, chia sẻ các kinh nghiệm xây dựng làng nông thôn mới với những quốc gia có nền nông nghiệp cố hữu, hỗ trợ một định hướng tốt hơn cho chiến lược kinh tế nông thôn và cải thiện đời sống những người nông dân. Chương trình này đã nhận được sự thống nhất từ chính phủ Việt Nam và từ năm 2016, Quỹ SF đã hoạt động tại Việt Nam, đem đến một mô hình nông thôn tích cực hơn cho những người nông dân.
Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện, những người tham gia đã nhanh chóng nhận ra, đây không chỉ là một mô hình vận động làng nông thôn mới, với những tiêu chí và hoạt động “cứng nhắc” kiểu phong trào. Những người nông dân tham gia được đào tạo, cải cách lại đường hướng canh tác của mình, tập thói quen và kỹ năng định vị lại sản phẩm nông nghiệp lợi thế của mình, và tiếp cận các kênh phân phối, tổ chức bán hàng… Quỹ SF cam kết hỗ trợ những hoạt động ấy, và từ đó, đẩy mô hình xây dựng nông thôn mới trở thành câu chuyện hàng ngày.
“Sân chơi” hào hứng với giá trị kinh tế
Trong ba ngày, những người nông dân đến từ các làng Saemaul đã tham gia tập huấn, thi bán hàng trên đường phố Đà Nẵng với những sản phẩm nông nghiệp họ làm ra. 11 đội nông dân, đại diện 11 HTX và hoạt động Hội Nông dân, đã có mặt trên đường phố Đà Nẵng, gặp gỡ người tiêu dùng, những người dân địa phương và chào bán hết hàng hóa nông sản họ mang theo.
Điều ấy, đối với nhiều người tham gia, là một ấn tượng đặc biệt, một trải nghiệm rất khác so với việc họ mang nông sản lên thành phố lâu nay. Ngay những người dân Đà Nẵng, khi thấy những người nông dân bán hàng trên đường phố , cũng rất ngạc nhiên và hào hứng, nhận ra họ đang biết đến một mô hình hoạt động thương mại nông nghiệp nông thôn mới và rất trực tiếp. Có thể nói, chưa bao giờ những người nông dân nhận thấy sự gần gũi với người tiêu dùng sản phẩm của họ như vậy, và những gì họ nhận được, không chỉ là giá cả hàng hóa cần hợp lý hơn, mà cả cách thức tiếp cận bán hàng, lắng nghe, trò chuyện với khách hàng của họ, cũng phải khác đi.
Nông dân tham gia thử thách bán hàng trên đường phố Đà Nẵng.
Quỹ SF còn đẩy vấn đề lên một mức cao hơn, khi yêu cầu những nông dân tham gia tiến hành giới thiệu sản phẩm của họ lên các kênh video trực tuyến, và có mặt thuyết minh trước mọi người những thành quả lao động. Những người nông dân nhận ra, họ cần có nhiều kỹ năng hơn trong cuộc sống lao động, khi phải trở thành người bán hàng, người trình diễn, diễn viên, người hùng biện về hàng hóa nông nghiệp của mình. Họ hiểu rằng, con đường bán nông sản không chỉ có một lối đi chợ, mà còn nhiều cách thức khác, mới mẻ và hấp dẫn hơn. Theo đó, qua mô hình làng, qua hoạt động tập huấn, họ trở về sẽ khác nhiều hơn.
“Đó là những điều, chúng tôi mong người nông dân nhận ra, thu hoạch, khi dự phần vào mô hình làng nông thôn mới. Họ không còn chỉ là những người nông dân chân lấm tay bùn nữa, mà phải là người có kỹ năng bán hàng, thuyết minh hàng hóa, và cả là nhà khoa học nông nghiệp với sản phẩm của mình. Mô hình làng Saemaul, chỉ là một ví dụ cần thiết trong chiến lược phát triển nông thôn Việt Nam hội nhập quốc tế, không ngừng cải thiện chất lượng cuộc sống, năng lực đời sống của người nông dân Việt Nam. Ấy là tâm nguyện của chúng tôi”- Ông Kwak Busung nhìn nhận.
- Xã nghèo Bình Tân nỗ lực vượt khó về đích Nông thôn mới nâng cao
- Bắc Ninh: Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu
- Kim Sơn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu từ hạt nhân xóm, làng
- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung bộ