Tập trung thực hiện 5 chương trình chuyên đề về nông thôn mới
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam chủ trì Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị tập trung thảo luận 5 chương trình chuyên đề thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, đó là:
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025.
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025.
Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, tới nay đã có 57/63 tỉnh, thành trong cả nước ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), 6 tỉnh chuẩn bị ban hành Kế hoạc này. Văn phòng Điều phối NTM Trung ương yêu cầu Văn phòng Điều phối NTM các tỉnh, thành đôn đốc chỉ đạo các huyện triển khai Chương trình, kết hợp nghiên cứu, đánh giá, phát huy điểm mạnh của Chương trình trong giai đoạn sắp tới.
1. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025:
Ngày 12/10/2022, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 đã ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Rà soát, ban hành kế hoạch triển khai Chương trình: Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 khẩn trương chỉ đạo các sở, ngành liên quan rà soát, tham mưu xây dựng và hoàn thiện Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 cấp tỉnh; đôn đốc, chỉ đạo UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình phù hợp với lợi thế của địa phương về các sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong quá trình xây dựng Đề án/ Kế hoạch, phải kết hợp nghiên cứu, đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai Chương trình OCOP những năm qua trên địa bàn, từ đó phát huy những điểm mạnh, đồng thời khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, yếu kém, với mục tiêu hướng tới đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP đảm bảo đúng bản chất, giá trị văn hóa là “trục sản phẩm địa phương làng/xã”. Thời gian hoàn thành ban hành Đề án/Kế hoạch các cấp trước ngày 31/12/2022.
Tiếp tục đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền về giá trị, lợi ích của việc phát triển sản phẩm OCOP: Chỉ đạo Đài Phát thanh - Truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan báo chí, tạp chí, các trang thông tin điện tử của tỉnh, các ngành và các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình OCOP, nhất là việc phát huy nội lực (trí tuệ, sự sáng tạo của chủ thể OCOP; giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ; sử dụng nguyên liệu địa phương và giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa địa phương...) và gia tăng giá trị; nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP. Chỉ đạo các ngành, các đoàn thể cấp tỉnh và cấp cơ sở cần chú trọng sáng tạo hơn, đa dạng hóa hơn các hình thức tuyên truyền về Chương trình OCOP.
Tổ chức triển khai Chu trình OCOP linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương: Chỉ đạo Sở NNPTNT/Văn phòng Điều phối NTM tỉnh và các địa phương tổ chức triển khai Chu trình OCOP thường niên linh hoạt, phù hợp với điều kiện của địa phương và đặc điểm của sản phẩm, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu địa phương theo hướng sản xuất hữu cơ, kinh tế tuần hoàn; đặc biệt khuyến khích sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ để tạo các sản phẩm OCOP đặc trưng.
Nâng cao chất lượng sản phẩm và thương hiệu OCOP.
Tổ chức hoạt động quảng bá, nâng cao hình ảnh, thương hiệu sản phẩm OCOP gắn với các hoạt động hiệu quả, thiết thực.
Bố trí và huy động nguồn vốn triển khai Chương trình: Bố trí vốn sự nghiệp được giao từ ngân sách Trung ương giai đoạn 2023-2025 và nguồn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định để thực hiện Chương trình OCOP, trong đó ưu tiên cho phát triển vùng nguyên liệu địa phương, phát triển sản phẩm OCOP mới và hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.
2. Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025
Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình: Phân công cơ quan, đơn vị là đầu mối tham mưu triển khai Chương trình phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm điều phối và tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình gắn với xây dựng NTM. Thời gian hoàn thành trước 31/12/2022.
Tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn: Giao cơ quan thường trực Chương trình chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý; các tổ chức, cộng đồng về du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM. Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan báo, đài, các cơ quan, đoàn thể của địa phương đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
Nâng cao năng lực và xây dựng các mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với thế mạnh và lợi thế của địa phương.
Tổ chức hiệu quả các hoạt động quảng bá, kết nối về du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương.
Bố trí và huy động nguồn vốn triển khai Chương trình.
Kiểm tra, giám sát và đánh giá kết quả thực hiện.
3. Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025
Bộ NNPTNT hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Ban hành kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới xây dựng NTM thông minh: Giao Sở NNPTNT/Văn phòng Điều phối NTM tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các sở, ngành liên quan rà soát thực trạng chuyển đổi số ở khu vực nông thôn của địa phương, làm cơ sở xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh của tỉnh. Thời gian hoàn thành ban hành Kế hoạch trong quý IV/2022.
Chú trọng công tác chỉ đạo thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng NTM thông minh: Chỉ đạo Đài Phát thanh – Truyền hình cấp tỉnh, các cơ quan báo chí, các trang thông tin điện tử của tỉnh, của các ngành và các huyện, thị xã, thành phố tích cực tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM; tăng cường đưa các tin, bài, phóng sự phản ánh về quá trình triển khai xây dựng thí điểm mô hình làng thông minh, xã thông minh của địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là ở cấp huyện và đài truyền thanh xã.
Chỉ đạo xây dựng các mô hình thí điểm về xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử: Đối với việc xây dựng thí điểm mô hình xã/thôn NTM thông minh của tỉnh, thành phố: Theo chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022, mỗi tỉnh, thành phố có tối thiểu 01 mô hình xã NTM thông minh.
Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở, tổ chức kinh tế ở nông thôn và người dân về chuyển đổi số: Hàng năm, tổ chức các lớp, các đợt tập huấn về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cho từng đối tượng cụ thể: cán bộ cơ sở, tiểu giáo viên, tổ khuyến nông cộng đồng, chủ thể kinh tế, người dân,… trong đó tập trung vào các nội dung, mục tiêu, giải pháp thực hiện; các kiến thức, kỹ năng áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động quản lý điều hành của chính quyền cơ sở, an ninh mạng, thương mại điện tử; áp dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tổ chức sản xuất….
Chuẩn bị dữ liệu và cập nhật cơ sở dữ liệu về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và xây dựng NTM.
Đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ công tác chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Huy động nguồn lực, vận động hỗ trợ chuyển đổi số trong xây dựng NTM.
Ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương điều hành Hội nghị tại điểm cầu Bộ NNPTNT.
4. Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025
Căn cứ Quyết định số 925/QĐ/TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (Chương trình 925), Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình 925, Bộ NNPTNT hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Rà soát và ban hành Kế hoạch triển khai Chương trình: Kế hoạch cần làm rõ các nội dung thực hiện gồm: Các mô hình thí điểm đề nghị Trung ương hỗ trợ; Các mô hình hiện có cần nhân rộng tại địa phương; Các nhiệm vụ khác của Chương trình 925 thuộc Chương trình MTQG xây dựng NTM; Các nội dung có thể lồng ghép vào các chương trình, dự án, kế hoạch… của địa phương để đạt được các mục tiêu của Chương trình 925. Trong đó, cần phân công nhiệm vụ cho các sở, ngành, địa phương gắn với thời hạn, tiến độ cụ thể để triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 925; huy động sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng, người dân trong thực hiện Chương trình 925.
Rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách, giải pháp và bố trí nguồn lực thực hiện Chương trình 925 trên địa bàn.
Xây dựng và triển khai thực hiện các mô hình thí điểm: Đề xuất mô hình thí điểm cần thực hiện trên địa bàn tỉnh trên cơ sở xác định cụ thể nội dung, địa điểm, kinh phí (từ các nguồn)… của từng mô hình thí điểm; gửi đăng ký về Bộ NNPTNT để đề xuất hỗ trợ Trung ương từ ngân sách trung ương. Trên cơ sở danh mục mô hình thí điểm được Bộ NNPTNT phê duyệt, các tỉnh phê duyệt các mô hình; bố trí kinh phí đối ứng và huy động nguồn xã hội hóa để thực hiện các mô hình theo cam kết.
Triển khai thực hiện các mô hình, tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ và đột xuất theo quy định. Báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện các mô hình về Bộ NNPTNT để giám sát thực hiện.
Tổng kết, đánh giá việc thực hiện các mô hình thí điểm, làm cơ sở để đề xuất cơ chế chính sách, công nghệ, cơ chế quản lý vận hành các mô hình tương tự trong cả nước.
Tổ chức nhân rộng các mô hình hiện có về cấp nước, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm. Đánh giá các mô hình về cấp nước, bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm đã được triển khai trên địa bàn tỉnh, thành phố; xác định các mô hình có hiệu quả cần nhân rộng.
Truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng và tập huấn, nâng cao năng lực thực hiện Chương trình 925: Tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình Tuyên truyền viên bảo vệ môi trường cấp cơ sở; xây dựng tài liệu, ấn phẩm truyền thông phù hợp với nhu cầu của các nhóm đối tượng. Xây dựng các chương trình chuyên đề, chuyên mục định kỳ về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát sóng định kỳ trên các đài truyền hình, truyền thanh, báo viết, báo điện tử; tổ chức các toạ đàm, diễn đàn về về bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn.
Phát động các phong trào thi đua chuyên đề; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; Tổ chức cuộc thi nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Lồng ghép các nội dung của Chương trình 925 trong các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường của các bộ, ngành và địa phương.
Kiểm tra, giám sát, đánh giá và tổng kết thực hiện Chương trình:Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các nội dung của Chương trình. Văn phòng Điều phối NTM Trung ương định kỳ và đột xuất tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mô hình thí điểm và kết quả thực hiện Chương trình tại các tỉnh, thành phố.
Định kỳ hàng năm, báo cáo tiến độ, kết quả triển khai thực hiện các mô hình và kết quả thực hiện Chương trình 925 về Bộ NNPTNT và các Bộ, ngành có liên quan để tổng hợp, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG.
5. Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025
Mỗi tỉnh lựa chọn không quá 02 đề xuất nhiệm vụ Khoa học và công nghệ xếp theo thứ tự ưu tiên: Các đề xuất được lựa chọn phải có ý kiến chấp thuận của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc triển khai đề tài tại địa phương và cam kết ứng dụng các kết quả của đề tài sau khi có kết quả nghiên cứu.
Đề xuất được các giải pháp khoa học, công nghệ thực hiện các nội dung: Phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, kinh tế tuần hoàn, công nghệ thực phẩm nông nghiệp; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn; phát triển ngành nghề thủ công mỹ nghệ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch nông thôn; giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn nông thôn; nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; nâng cao chất lượng hoạt động của chính quyền cơ sở; giải pháp quản trị và kết nối các cộng đồng cư dân nông thôn…
Xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ; các dự án kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính, sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên tái tạo; thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương; khuyến khích các đề tài, dự án phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm.
Các đề tài, dự án thuộc Chương trình giai đoạn 2021-2025 được triển khai phải xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với tính đặc thù và phù hợp với điều kiện của các địa phương và huy động được sự tham gia của các bộ, ngành trung ương để giúp các địa phương. Chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao trong thực tiễn; phù hợp để phát triển và nhân rộng; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường…
Ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng.
Tại Hội nghị, ông Vi Việt Hoàng - Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính và Giám sát (Văn phòng Điều phối NTM Trung ương) đã nêu một số nội dung chính về cơ chế phân bổ, huy động nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, theo đó:
Tiêu chí, hệ số phân bổ cho các tỉnh theo đối tượng xã: Hệ số phân bổ vốn ngân sách trung ương cho các tỉnh thực hiện Chương trình (căn cứ số xã tính đến hết năm 2021, trừ các xã đặc biệt khó khăn) như sau:
Xã đạt dưới 15 tiêu chí, các xã an toàn khu chưa đạt chuẩn NTM: Hệ số 5,0.
Xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí: Hệ số 3,0.
Xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM: Hệ số 1,0.
Tiêu chí, hệ số phân bổ cho các tỉnh theo đối tượng huyện: Căn cứ mục tiêu phấn đấu của các địa phương, hỗ trợ cho mỗi tỉnh tối đa không quá 02 huyện chưa đạt chuẩn (không bao gồm các huyện nghèo đã được phê duyệt tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15 tháng 3 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ) để tập trung hoàn thành các tiêu chí huyện NTM và phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2021- 2025: Hệ số phân bổ cao gấp 4 lần so với các xã dưới 15 tiêu chí theo quy định.
Đối với các đơn vị cấp huyện còn lại phấn đấu đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trong giai đoạn 2021 - 2025, các tỉnh chủ động bố trí vốn ngân sách trung ương phân bổ cho các xã, vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện theo quy định.
Tiêu chí, hệ số phân bổ cho các tỉnh thuộc đối tượng ưu tiên: Hệ số phân bổ cho các tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi (căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022; số xã tính đến hết năm 2021, trừ các xã đặc biệt khó khăn, của từng địa phương):
Các tỉnh có tỷ lệ nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương từ 60% trở lên: Hệ số 0,3.
Các tỉnh miền núi, Tây Nguyên: Hệ số 0,5.
Đại diện Lãnh đạo Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (V05), Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị.
Hội nghị cũng nghe đại diện Lãnh đạo Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (V05), Bộ Công an trình bày tóm tắt kế hoạch triển khai và hướng dẫn thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
- Xã nghèo Bình Tân nỗ lực vượt khó về đích Nông thôn mới nâng cao
- Bắc Ninh: Cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu
- Kim Sơn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu từ hạt nhân xóm, làng
- Chú trọng phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới vùng Bắc Trung bộ