Hỗ trợ nông dân

Thanh Hóa: Nhiều sáng kiến tuyên truyền, định hướng về học nghề, tạo việc làm cho nông dân

Minh Lan - 07:03 23/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) - Hậu Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tuy vậy Hội Nông dân (ND) tỉnh Thanh Hóa đã tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất đến hội viên nông dân. Đặc biệt Hội có nhiều sáng kiến trong việc tuyên truyền giáo dục định hướng giúp hội viên nông dân tham gia học nghề, tạo việc làm.
Tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gà cho bà con nông dân.

Hàng trăm lượt nông dân được học nghề 

2 năm qua dù phải đối mặt với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung các hoạt động của các cấp Hội trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra thông suốt. Trong đó, hoạt động tư vấn dạy nghề được tổ chức thường xuyên liên tục bằng cả hình thức trực tuyến và trực tiếp. 

9 tháng đầu năm, các cấp Hội ND tỉnh đã trực tiếp và phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức được 61 lớp dạy nghề cho 3.717 lượt hội viên nông dân, giúp được 1.384 hội viên nông dân, người lao động có việc làm sau đào tạo . 

Tỉnh Hội đã phối hợp với Công ty ICO và các đơn vị  tư vấn giới thiệu việc làm, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ giúp cho 667 nông dân, con em nông dân đi lao động ở nước ngoài, đạt 35% kế hoạch. 

Bà Bùi Thị Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết: Trung tâm liên tục thực hiện hoạt động tuyên truyền, phổ biến hoạt động dạy , học nghề cho bà con nông dân. Tuy vậy, hoạt động đào tạo nghề trong thời gian qua cũng gặp nhiều khó khăn. 

“Khó khăn đầu tiên là do thiếu kinh phí. Đào tạo nghề giai đoạn cũ đã kết thúc, giai đoạn này chưa có kinh phí. Ngoài ra, độ tuổi hỗ trợ đào tạo nghề bó buộc, nhiều người dù qua tuổi lao động nhưng lại rất thích học nghề mà không được hỗ trợ. Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề cho lao động ở các huyện miền núi gặp nhiều khó khăn về thủ tục, thời gian phê duyệt...”, bà Ngọc nói.  

Nhờ công tác truyền thông của Hội được làm tốt mà thời gian gần đây nhận thức học nghề, tạo việc làm của bà con nông dân đã nâng lên rõ rệt. Nhiều người tự nguyện đăng ký học nghề. Nông dân thích học nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc. Một số nghề bà con thích học đó là: Nghề nuôi cá trắm; nghề trồng dưa lê; nghề nuôi gà; nuôi ếch... Từ đầu năm tới nay Trung tâm mở được 3 lớp tập huấn kỹ thuật ngắn ngày cho nông dân. Thời gian tập huấn chỉ từ 2-3 ngày. 

Xây dựng được nhiều mô hình điểm 

Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, huyện Thạch Thành đã có những biện pháp chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao giữa hệ thống chính trị cơ sở và nhân dân trong thực hiện quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện thành công khâu đột phá chiến lược về phát triển nhanh nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Trước hết, huyện thực hiện truyền thông nâng cao nhận thức của lãnh đạo, chính quyền địa phương, người dân, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tạo sự đồng thuận, giúp lao động thấy được ý nghĩa của việc học nghề. Từ đó, góp phần thúc đẩy công tác học, làm nghề trong nông dân.  

Ông Lê Xuân Bình, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thạch Thành cho biết huyện đã ban hành nhiều văn bản để thực hiện. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và người dân về vị trí chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò của công tác dạy nghề trong việc nâng cao chất lượng lao động nông thôn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập và tạo thêm việc làm. 

Ngoài ra huyện cũng xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền về học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp; các chủ trương, chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn đến cán bộ, hội viên, đoàn viên và nhân dân. Hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú thông qua hội nghị, hội thảo, phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, cổng thông tin điện tử huyện, báo chí, tờ rơi, áp phích, tư vấn trực tiếp tại các cụm xã và hộ gia đình... bảo đảm cho các đối tượng dễ tiếp cận, dễ hiểu. 

Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cho cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu được chính xác, đầy đủ nội dung của các chính sách cũng như vai trò, tầm quan trọng và lợi ích của công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Mặt khác, huyện đẩy mạnh công tác điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu học nghề để tư vấn nghề nghiệp, vận động nhân dân học nghề; tư vấn miễn phí cho nông dân về dạy nghề, việc làm, thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh, trang trại... nhằm tạo việc làm, nâng cao mức sống cho người lao động trên địa bàn.

Theo báo cáo của Phòng LĐTBXH huyện Thạch Thành, đến nay huyện có hơn 93.000 lao động trên tổng hơn 157 nghìn dân. Số lao động có việc làm đã qua đào tạo 62.253; số có nhu cầu học nghề đến năm 2025 là 12.700 người. 

Không chỉ dừng lại ở hoạt động truyền thông, nhiều hoạt động nhằm nâng cao chất lượng học nghề cho lao động cũng được coi trọng. Huyện chỉ đạo Trường Trung cấp nghề Thạch Thành đổi mới chương trình dạy, giáo trình đào tạo “chuẩn đầu ra”, theo khung chương trình của giáo dục nghề nghiệp, theo giáo trình chung và chuyên ngành đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp.

Hơn 10 năm qua, huyện đã tổ chức được 211 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 5.430 học viên tham gia; 171 lớp dạy nghề cho thanh niên nông thôn với 4.195 học viên tham gia; 40 lớp dạy nghề cho nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp với 1.235 học viên tham gia.

 Sau khi học nghề, người lao động đã biết vận dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và tạo sự gắn kết giữa người lao động với nhau. Chất lượng sản phẩm cũng được nâng lên. 

Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần tích cực trong việc nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện. Nếu năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 25% thì đến năm 2021 đạt 66,5%, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ tích cực cho việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện. 

 “Các hoạt động dạy nghề, tư vấn tạo việc làm cho nông dân vẫn được tiếp tục đẩy mạnh từ nay tới hết năm. Hội ND các cấp đã tiếp tục truyền thông vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn, trong đó có hội viên nông dân”.
Bà Hà Thị Lan Hương - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thanh Hóa.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác