Công tác Hội

Thanh Hóa: Tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế cho nông dân 

Bùi Ánh - Lương Hà - 07:22 14/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthomoi.vn) Thực hiện Dự án “Tuyên truyền và vận động nông dân xử lý rác thải tại Việt Nam, góp phần vào nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của cộng đồng quốc tế” của Hội Nông dân Việt Nam, từ ngày 17/10 đến ngày 14/11, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế tại các xã, thị trấn của 3 huyện Quảng Xương, Thiệu Hóa và Yên Định.
Nhiều nội dung được truyền đạt trong buổi tập huấn có ý nghĩa quan trọng cho quá trình chăn nuôi của người nông dân

Trong thời gian tập huấn, gần 450 học viên là hội viên, nông dân đang thực hiện chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn các xã, thị trấn: Quảng Đinh, Tiên Trang, Thị trấn Tân Phong (huyện Quảng Xương); Thiệu Nguyên, Thiệu Ngọc, Thị trấn Thiệu Hóa (huyện Thiệu Hóa); Định Tăng, Định Long, Yên Phong (huyện Yên Định) được phổ biến các nội dung: Tổng quan về các phương pháp xử lý rác thải hữu cơ; kỹ thuật nuôi sâu canxi và nuôi trùn quế; thực hành xây dựng mô hình nuôi sâu canxi, trùn quế; lập kế hoạch nuôi; cùng chia sẻ, trao đổi, giải đáp thắc mắc, những vấn đề khó khăn thường gặp khi nuôi sâu, trùn quế...

Giảng viên nguồn TOT của dự án đã hướng dẫn cho học viên tổng quan về phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, lợi ích của việc nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi, quy trình các bước nuôi

Sâu canxi, trùn quế được xem là những người bạn “vàng” của nhà nông, vì chúng có hàm lượng canxi cao, chứa nhiều protein, chất béo và nhiều loại axitamin, vitamin, khoáng chất, là nguồn thức ăn bổ dưỡngcho các loại vật nuôi như ngan, gà, lợn, bò, tôm, cá, lươn, ếch... nhờ vậy, giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh, có sức đề kháng và tạo ra nguồn thực phẩm sạch, giảm được chi phí thức ăn đầu vào; không những thế, phân trùn quế còn là loại phân hữu cơ thiên nhiên giàu dinh dưỡng nhất, không chỉ tốt cho các loại cây trồng mà còn tăng khả năng cải tạo đất, ngăn ngừa các bệnh về rễ và làm giảm một số bệnh của cây trồng, kích thích sự nẩy mầm, kích thích ra rễ và điều hòa dinh dưỡng cải tạo tơi xốp cho đất.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, việc nuôi giun quế, nuôi sâu can xi, còn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vì sâu canxi, trùn quế có thể tiêu thụ nguồn thức ăn thừa, phân động vật và các chất thải hữu cơ chỉ trong vài giờ.

Các học viên tham gia hiểu rõ hơn về  kỹ thuật nuôi sâu canxi, trùn quế và lợi ích của nó trong chăn nuôi, bảo vệ môi trường

Tại buổi tập huấn, các giảng viên nguồn TOT của dự án đã hướng dẫn cho học viên tổng quan về phân loại và xử lý rác thải hữu cơ, lợi ích của việc nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi, quy trình các bước nuôi. Các học viên cùng trao đổi, thảo luận những vấn đề khó khăn thường gặp khi nuôi trùn quế, nuôi sâu canxi.

Sau khi tham gia khóa tập huấn về kỹ thuật nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế do Hội Nông dân tỉnh tổ chức, các học viên rất phấn khởi vì đã tìm ra giải pháp hữu hiệu khắc phục những khó khăn trong quá trình chăn nuôi và cam kết sẽ áp dụng phương pháp nuôi sâu canxi, nuôi trùn quế đối với phân gia súc và thức ăn thừa từ nông nghiệp tại hộ gia đình, đồng thời sẽ vận động những nông dân khác tới thăm quan mô hình của mình, tích cực tuyên truyền các kỹ thuật của dự án góp phần bảo vệ môi trường.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác