Nông thôn mới

Thanh Hóa tích cực chuyển đổi số ngành Giáo dục gắn với xây dựng nông thôn mới

Hoàng Văn Tú - 10:34 05/04/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa chủ động đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ngành Giáo dục đi đầu trong chuyển đổi số gắn với thực hiện các tiêu chí NTM

Những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi số ở tất cả các lĩnh vực, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, các phần mềm quản lý, ứng dụng nội bộ trong ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) trên địa bàn tỉnh, như: Nâng cấp tốc độ đường truyền Internet cáp quang do các đơn vị cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (VNPT, Viettel) tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, tại cơ quan Sở GDĐT sử dụng các đường truyền Leased line, FTTH, đường truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ; Hệ thống mạng nội bộ (LAN), Wifi kết nối, phủ sóng trong toàn cơ quan, đơn vị; Hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục và đào tạo, phần mềm quản lý sáng kiến kinh nghiệm, phần mềm quản lý thi giáo viên giỏi, phần mềm tuyển sinh vào lớp 10 THPT... đã góp phần đổi mới công tác quản lý giáo dục bằng ứng dụng công nghệ thông tin.

Thực hiện Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/5/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ngành GDĐT đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh (TD-Office) kết nối thành công tới 101 cơ sở giáo dục trực thuộc Sở GDĐT, các phòng GDĐT các huyện, thị xã, thành phố, trung tâm GDNN-GDTX trên địa bàn tỉnh; cán bộ, công chức, viên chức được cấp tài khoản email công vụ, chứng thư số, sử dụng chữ ký số trên môi trường mạng; rà soát cấp mới email ngành GDĐT phục vụ trao đổi công việc đạt tỷ lệ 100%; việc cập nhật thông tin, báo cáo số liệu đầu năm học trên cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo được đúng tiến độ thời gian, đảm bảo chất lượng.

Cổng thông tin điện tử Portal của Sở GDĐT đã phân cấp đến một số phòng Giáo dục và Đào tạo và đơn vị trực thuộc; trong đó, tin, bài, ảnh liên thông cập nhật từ sở đến phòng, các trường học và ngược lại. 

Cơ sở dữ liệu do Bộ GDĐT xây dựng từ  năm 2018 được triển khai, vận hành sử dụng tại tất cả các cơ sở giáo dục trong tỉnh, đã phục vụ đắc lực cho công việc quản lý nhà trường; quản lý nhân sự cán bộ giáo viên, quản lý học sinh, quản lý điểm, quản lý cơ sở vật chất, tiếp tục được khai thác hiệu quả. Ngoài ra, trên cơ sở nhu cầu thực tế, các nhà trường trong tỉnh đang khai thác, sử dụng các phần mềm quản lý nhà trường, như: Phần mềm Vnedu của Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông VNPT; Phần mềm Smas của Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; Phần mềm QLNT của Công ty Cổ phần MISA; Phần mềm QLNT ASC của Công ty cổ phần Tiến bộ Sài Gòn,... các phần mềm đã thực hiện chức năng quản lý hồ sơ học sinh, sổ điểm điện tử, sổ liên lạc điện tử, các kỳ thi trong trường, quản lý cán bộ, hoạt động giảng dạy của giáo viên; thống kê báo cáo, in sổ sách, kết xuất dữ liệu theo quy định và theo yêu cầu giúp nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh có thể kết nối liên lạc, tra cứu kết quả thông qua điện thoại hoặc các thiết  bị có kết nối internet.

Theo PGS,TS. Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức chia sẻ: Mục tiêu của Trường ĐH Hồng Đức trong thời gian tới là xây dựng nhà trường trở thành một trong những mô hình chuyển đổi số mẫu cho các trường ĐH, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ... Theo đó, từ nay đến năm 2025 nhà trường sẽ tập trung hoàn thiện xây dựng kiến trúc chuyển đổi số tổng thể cho Trường ĐH Hồng Đức, cơ sở hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT, phòng thí nghiệm chuyên ngành, phòng học thực tế ảo, phòng học trực tuyến phục vụ dạy học các chương trình tiên tiến và nghiên cứu chuyên sâu được nâng cấp và xây dựng. Xây dựng hệ thống quản trị và điều hành thông minh, tích hợp được 100% các dịch vụ số trong nhà trường, tích hợp hệ thống camera giám sát an ninh ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn... Để thực hiện thành công chuyển đổi số trong nhà trường, Trường ĐH Hồng Đức đã vạch ra lộ trình và các giải pháp cụ thể. Trước mắt, tăng cường tuyên truyền vai trò của chuyển đổi số, nâng cao nhận thức cho toàn thể CB, GV, người lao động trong nhà trường. Lãnh đạo nhà trường phải là những người tiên phong, đi đầu và phải gắn kết mục tiêu với việc triển khai chuyển đổi số; xây dựng tinh thần đổi mới, sáng tạo, ứng dụng CNTT trong thực thi công việc xuyên suốt từ lãnh đạo nhà trường đến đội ngũ giảng viên, nhân viên; có các nghiên cứu về mô hình chuyển đổi số trên thế giới... Phấn đấu đến năm 2030, Trường ĐH Hồng Đức trở thành trường học thông minh trong nhóm dẫn đầu các trường ĐH trong cả nước.

Thư viện số của Trường Đại học Hồng Đức được kết nối với kho dữ liệu số quốc gia. Ảnh Báo Thanh Hóa

Chuyển đổi số ngành Giáo dục bước đầu mang lại kết quả tích cực

Cùng với những kết quả quan trọng trong chuyển đổi số ở nhiều lĩnh vực nói chung  thì chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nói riêng đã bước đầu mang lại kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng GDĐT, cũng như hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Điển hình, ngày càng có nhiều các cấp trường đạt chuẩn mức độ 1 và mức độ 2: Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, kết quả đến nay: Có 78,56% (535/681) trường mầm non đạt chuẩn (108 trường được công nhận mới/công nhận lại trong năm 2021, 2022), trong đó, có 112 trường đạt chuẩn mức độ 2; có 87,04% (524/602) trường tiểu học đạt chuẩn (50 trường được công nhận mới/công nhận lại trong năm 2021,2022), trong đó, có 163 trường đạt chuẩn mức độ 2; có 81,4% (507/623) trường trung học cơ sở, tiểu học và trung học cơ sở đạt chuẩn (57 trường được công nhận mới/công nhận lại trong năm 2021, 2022), trong đó, có 07 trường đạt chuẩn mức độ 2; có 49% (49/100) trường trung học phổ thông, trung học cơ sở và trung học phổ thông đạt chuẩn (08 trường được công nhận mới/công nhận lại trong năm 2021), trong đó, có 02 trường đạt chuẩn mức độ 2. 100% các xã duy trì phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, trung học cơ sở mức độ 2; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt trên 98,7%. Toàn tỉnh hiện có 66 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đã tổ chức tuyển sinh, đào tạo cho 76.613 người, hoàn thành chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo nghề là 84.300 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 71% vào cuối năm 2021; hiện có 452 xã đạt chuẩn tiêu chí Giáo dục và Đào tạo, đạt 97,2%.

Cô giáo Lê Phương Thảo - Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: "100% các bài dạy của tôi sử dụng giáo án điện tử, tôi giao bài, chấm bài trền phân mềm Ayota, học qua Zoom… Ứng dụng công nghệ thông tin giúp chúng tôi tiết kiệm thời gian, sáng tạo hon. Học sinh thì hứng thú và tiếp thu bài tốt hơn".

Giờ học Tiếng Việt tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Thanh Hóa. Ảnh TTV

Thời gian tới, ngành GDĐT tỉnh Thanh Hóa xác định, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chuyển đổi số trong lĩnh vực GDĐT; tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo, điều hành để đẩy mạnh chuyển đổi số; nâng cao nhận thức cho từng giáo viên, giảng viên, cán bộ quản lý của nhà trường để nắm được vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số và cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, giáo viên, cán bộ quản lý nhà trường để hướng đến mục tiêu thực hiện thành công chuyển đổi số trong giáo dục.

Cùng với đó, ngành GDĐT tỉnh chú trọng về triển khai hệ thống để chia sẻ dữ liệu đồng bộ trong giáo dục; Từng bước chuyển đổi hình thức từ tài liệu giấy qua văn bản điện tử để thuận tiện hơn trong công tác quản lý; Quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng mạng, thiết bị công nghệ, đặc biệt là khu vực khó khăn, giúp thu hẹp được khoảng cách vùng miền. Tăng cường kết hợp công nghệ như Big data, AI, Blockchain… với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành nhằm xây dựng các hệ thống thu thập thông tin đưa ra các dự báo, dự đoán và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ phù hợp đến từng đối tượng người học.

Ngành GDĐT tỉnh Thanh Hóa xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích chuyển đổi số trong quản lý giáo dục, đảm bảo quyền lợi cho người dạy và người học. Huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư hạ tầng số, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số; tranh thủ tối đa các nguồn lực, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư phát triển hạ tầng băng thông rộng cố định, nâng cấp hạ tầng mạng di động 4G, phát triển hạ tầng mạng di động 5G; xây dựng và triển khai chương trình đào tạo, tập huấn, tuyên truyền các tài liệu trên cổng thông tin điện tử về công nghệ số, kỹ năng chuyển đổi số nhằm  nâng cao kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh, phụ huynh và học sinh…

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác