Thị trường chứng khoán: Cổ phiếu Blue-chip đang được chọn làm kênh trú ẩn
Cổ phiếu phổ thông đang kém hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư
Thị trường trong tuần tiếp tục dao động trong khung biến động quanh mốc tâm lý. Thông tin sự kiện quan trọng tác động tới vĩ mô trong tuần qua là việc FED nâng lãi suất lên 0,75% khiến cho các ngân hàng trung ương của các nước cũng sẽ xem xét việc nâng lãi suất tiếp theo. Điều này làm cho dòng tiền càng trở nên khan hiếm khi chi phí vốn cao hơn, việc đi vay cũng có nhiều trở ngại hơn khi room tín dụng của các ngân hàng cũng chưa biết sẽ “giải toả” trong thời điểm nào, phần lớn nhà đầu tư đang có xu hướng giữ tiền mặt khiến cho các kênh tài sản càng trở nên kém hấp dẫn như cổ phiếu, bất động sản hay tiền số. Trong khi đó, sắc đỏ đã bao phủ hầu như tất cả các nhóm ngành, nhóm bán lẻ, viễn thông, tài nguyên cơ bản là 3 nhóm giảm mạnh nhất với mức giảm lần lượt là 12,4%; 9,9%; 9,8%.
Theo phân tích của một chuyên gia Công ty chứng khoán Mirea Asset thì: “Việc FED nâng lãi suất làm lo ngại đồng USD mạnh lên, cụ thể chỉ số USD Index tiếp tục neo ở mức quanh 110, mức cao lịch sử trong vòng 20 năm qua. Diễn biến này cũng tác động tới tỷ giá trong nước giữa USD và VND, hiện tỉ giá đang ở mức 24.870vnđ/USD cao nhất lịch sử. Điều này sẽ ảnh hưởng tới dòng vốn đổ vào Viêt Nam cũng sẽ tác động tới cả cán cân thương mại, nhìn xa hơn là nó sẽ làm dự trữ ngoại hối trong nước suy giảm”.
Thông tin nâng lãi suất từ FED cũng như tăng lãi suất huy động của ngân hàng đang làm giá trị cổ phiếu trên thị trường không còn hấp dẫn. Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao Công ty chứng khoán K.I.S Việt Nam cho biết: “Việc FED nâng lãi suất làm đồng USD tiếp tục tăng giá so với các đồng tiền khác trong đó có Việt Nam. Điều này tạo ra một áp lực khá mạnh lên thị trường ngoại hối và tỷ giá VND/USD. Đây cũng là nguyên nhân tỷ giá tăng trong thời gian qua. Với quyết định này thì khả năng tỷ giá tiếp tục điều chỉnh tăng là khá lớn, khi đó sẽ tạo tâm lý tiêu cực cho nhà đầu tư và ảnh hưởng đến thị trường. Bên cạnh đó, để làm giảm áp lực trên thị trường ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất điều hành thời gian qua. Việc tăng lãi suất điều hành sẽ làm tăng lãi suất cho vay. Khi đó, chi phí tài chính của doanh nghiệp sẽ tăng tương ứng, việc này có thể làm giảm lợi nhuận doanh nghiệp hoặc làm doanh nghiệp thu hẹp quy mô so với kỳ vọng. Khi triển vọng kinh doanh giảm thì giá trị doanh nghiệp có thể điều chỉnh theo và sẽ làm định giá ít hấp dẫn hơn so với giai đoạn trước đây. Do đó, nhà đầu tư có thể giảm quy mô nắm giữ cổ phiếu lại. Trong bối cảnh Fed duy trì lãi suất ở mức cao như hiện tại thì áp lực tăng lãi suất vẫn còn và có thể làm triển vọng doanh nghiệp kém hấp dẫn hơn”.
Ngoài ra, việc hệ thống ngân hàng trong nước đang nâng dần lãi suất huy động cũng cho thấy khả năng chuyển hướng dòng tiền của nhà đầu tư sang lĩnh vực này khi thị trường chứng khoán đang tuột dốc. Ông Phan Văn Hùng – Trưởng phòng tư vấn đầu tư Công ty chứng khoán Agriseco dẫn chứng thêm: “Khối ngoại có 3/5 phiên bán ròng trong tuần qua với tổng giá trị bán ròng đạt 500 tỷ trên cả 3 sàn. Top các mã khối ngoại bán ròng nhiều nhất bao gồm HPG, KBC, VIC. Chiều ngược VHM, VNM, DGC là 3 mã khối này mua ròng mạnh nhất. Còn khối tự doanh đảo chiều mua ròng khoảng 450 tỷ trên cả 3 sàn tập trung vào các mã ngân hàng. Top 3 mã tự doanh mua ròng mạnh nhất bao gồm VPB, TCB, GMD. Chiều ngược lại bán ròng chủ yếu các mã BCM, NAB, VCR”. Điều này cho thấy nhóm cổ phiếu luôn được kỳ vọng trước đây đang mất dần tính hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.
Chuyển hướng vào cổ phiếu Blue-chip để trú ẩn
Theo đánh giá của ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán Mirea Asset về nhóm cổ phiếu có thể được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn để chuyển hướng bảo toàn trong thời gian này: “Trong giai đoạn dòng tiền không còn rẻ như trước kia nữa, nhà đầu tư có khuynh hướng chọn những nhóm ngành mang tính phòng thủ như thực phẩm, ngân hàng, công nghệ, vật liệu xây dựng. Do đó xu hướng trong thời gian tới nhà đầu tư sẽ tiếp tục chú tâm vào những cổ phiếu mang tính bền vững của nhóm ngành này như VNM, BID, BMP, FPT. Đây cũng là những doanh nghiệp có tài chính lành mạnh, dòng tiền không vay nợ, hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định hàng năm. Và được xem như những doanh nghiệp có thể đứng vững được khi nền kinh tế sụp đổ nghĩa là chống chọi được với môi trường lãi suất và tỷ giá biến động mạnh trong chu kỳ thắt chặt tiền tệ như hiện nay”.
Cùng quan điểm trên, ông Phan Văn Hùng cũng cho rằng: “Với diễn biến vĩ mô nhìn chung còn nhiều yếu tố khó lường, tôi cho rằng nhà đầu tư nên thận trọng theo dõi diễn biến thị trường trong giai đoạn này và đánh giá lại trạng thái toàn bộ danh mục để có chiến lược đầu tư phù hợp, ưu tiên tập trung bảo toàn nguồn vốn. Đối với nhà đầu tư đang sử dụng đòn bẩy với tỷ lệ cao, nên chủ động hạ tỷ trọng để hạn chế rủi ro “call margin”. Còn những nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao nên cơ cấu danh mục và chỉ nắm giữ các cổ phiếu đầu ngành có nền tảng cơ bản vững chắc. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao có thể tích lũy từng phần với các cổ phiếu blue-chip đang có mức định giá hấp dẫn, ưu tiên các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh các tháng cuối năm khả quan với tỷ lệ ROE trên 15%”.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Nông Thôn Mới, ông Lê Hoàng Tân – Phó Tổng Giám đốc Công ty chứng khoán Asean nhận định: Cổ phiếu ngân hàng là lựa chọn không tồi trong thời kỳ lạm phát.
"Trong thời kỳ lạm phát, thực khó để chọn lựa được cổ phiếu phòng thủ tối ưu khi mà lợi nhuận hầu hết các doanh nghiệp đều bị bào mòn trong môi trường lãi suất tăng cao và sức mua nền kinh tế suy giảm. Tuy nhiên, để chọn ra nhóm cổ phiếu ít bị ảnh hưởng nhất trong môi trường lạm phát thì không thể không kể đến nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo thống kê Fiintrade cho thấy, trong 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế nhóm ngân hàng tăng trưởng đến 53,6% trong khi tốc độ tăng trưởng chung của các doanh nghiệp niêm yết chỉ đạt 20,8% và nếu tính riêng nhóm phi tài chính thì lợi nhuận lại tăng trưởng âm (-7,8%). Điều này cho thấy, mặc dù trong môi trường lạm phát, hoạt động kinh doanh của nhóm ngân hàng vẫn rất hiệu quả và cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung.
Có thể báo cáo 9 tháng chưa phản ảnh đầy đủ các khó khăn của các ngân hàng như hiện tại như tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng, NIM chưa giảm mạnh do chi phí huy động chưa cao nhờ cơ cấu huy động vẫn là các khoản tiền gởi trước đây có lãi suất thấp, rủi ro tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động đang tăng… Tuy nhiên, xét về dài hạn thì các ngân hàng sẽ sớm đạt trạng thái cân bằng hơn là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuần túy, đặc biệt là các doanh nghiệp có tỷ lệ vay nợ cao. Tính đến thời điểm hiện tại, nhiều cổ phiếu ngân hàng đã xuống đáy 2 năm và có thị giá gần bằng, thậm chí thấp hơn giá trị sổ sách, đây là cơ hội lớn để các nhà đầu tư có thể tích lũy cổ phiếu cho một kế hoạch đầu tư dài hạn".