Thị trường chứng khoán "tăng trong nghi ngờ", liệu VNI sẽ vượt mốc 1.300 điểm?
Nhận định về những động thái tăng điểm của thị trường trong trạng thái “nghi ngờ” của nhiều nhà đầu tư ở tuần đầu tháng 7/2024 khi lượng thanh khoản giảm kèm theo động thái bán ròng tiếp tục gia tăng của khối ngoại (nhà đầu tư nước ngoài), phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Đức - Phó Trưởng Phòng Môi giới và tư vấn đầu tư – Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco) chi nhánh miền Nam.
-Thị trường tăng điểm mạnh gần 38 điểm sau 5 phiên đầu tháng 7/2024. Liệu đà tăng của thị trường có tiếp tục diễn ra trong tuần sau hay chỉ số chính sẽ gặp áp lực điều chỉnh sau nhịp hồi vừa rồi, thưa ông?
Nhìn lại kết quả giao dịch tuần qua, thị trường tăng điểm trong cả 5 phiên giao dịch với tổng mức tăng gần 38 điểm trong khi thanh khoản bình quân 3 sàn đạt gần 16.700 tỷ đồng/phiên, giảm hơn 30% so với tuần trước. Điểm nhấn là biên độ tăng điểm dần thu hẹp cùng và thanh khoản cải thiện dần về cuối tuần cho thấy áp lực bán đã dần trở lại trong quá trình chỉ số đi lên và tiến gần lên vùng kháng cự. Trong bối cảnh lực cầu chủ động chưa có sự gia tăng đáng kể, nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục giằng co biên độ hẹp tại vùng 1.280(+-5) trong các phiên đầu tuần tới.
-Với mức thanh khoản sụt giảm mạnh về vùng thấp nhất kể từ đầu năm. Điều này phản ánh điều gì, thưa ông?
Thanh khoản giảm thấp cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường đang ở trong giai đoạn vùng trống thông tin. Xét trên đồ thị kỹ thuật, thị trường đang tiến gần tới vùng kháng cự cứng mà chỉ số chưa thể vượt qua một cách dứt khoát từ đầu năm. Bổ sung một vài yếu tố thống kê quá khứ, thị trường thường có 2 nhịp tăng và đẩy chỉ số lên mức cao trong một năm dương lịch. Nửa đầu năm 2024 đã có 2 nhịp tăng, vì vậy tâm lý nhà đầu tư cũng có thể đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố trên.
-Thưa ông, khối ngoại vẫn không ngừng bán ròng, liệu có khả năng dòng vốn này sẽ trở lại trong thời gian tới không?
Trong 6 tháng đầu năm 2024 khối ngoại bán ròng gần 52.700 tỷ đồng, tương đương 2,1 tỷ USD và xấp xỉ 87% giá trị rút ròng kỷ lục được xác lập vào giai đoạn 2021. Tỷ lệ sở hữu của khối ngoại trên quy mô toàn thị trường cũng giảm xuống mức dưới 16,5%, giảm gần 2 điểm phần trăm so với hồi đầu năm. Đà rút ròng có sự thu hẹp biên độ trong các phiên đầu tháng 7 khi quỹ Ishare ETF hoàn tất quá trình bán cổ phiếu và giải thể, nhưng chưa có cơ sở nào để khẳng định về khả năng xu hướng bán ròng của khối ngoại sẽ sớm đảo chiều sẽ diễn ra trong ngắn hạn trung tuần, tháng tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất trong nước đang tăng dần lên, kỳ vọng đà rút ròng của khối ngoại sẽ yếu dần trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc FED sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ cuối quý 3 – đầu quý 4 và nâng hạn thị trường chứng khoán kỳ vọng sẽ giúp dòng tiền khối ngoại quay trở lại thị trường trong trung và dài hạn.
-Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 đã bắt đầu diễn ra, theo ông đâu sẽ là những ngành triển vọng tăng trưởng tốt?
Về kết quả kinh doanh (KQKD) tăng trưởng trong quý II/2024, tôi kỳ vọng vào nhóm bán lẻ, thép, xuất khẩu và công nghệ thông tin. Đối với bán lẻ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đang có mức tăng trưởng tốt nhờ vào nền thấp của cùng kỳ 2023. Ngành thép cũng được đánh giá tích cực trong Quý II/2024 nhờ sản lượng phục hồi mạnh trong bối cảnh thị trường bất động sản có dấu hiệu ấm lên cùng với nhu cầu gia tăng phục vụ đầu tư công. Các nhóm ngành xuất khẩu cũng được kỳ vọng có lợi nhuận tăng trưởng khi các thị trường xuất khẩu chính phục hồi và lượng đơn hàng đang cải thiện tích cực. Ngoài ra, tôi cũng ưa thích ngành Công nghệ thông tin bởi đây là ngành vẫn còn tăng trưởng nhanh và bền vững trong nhiều năm tới với xu hướng chuyển đổi số và làn sóng AI đang phát triển mạnh mẽ.
-Theo nhận định cá nhân ông trong thời gian tới, đâu sẽ là nhóm cổ phiếu có khả năng hút dòng tiền trở lại?
Thị trường vẫn đang tăng điểm tuy nhiên hiện không có sự đồng pha giữa các cổ phiếu trong một nhóm ngành nào đáng chú ý cho thấy quá trình phân hóa vẫn đang diễn ra. Vì vậy, chiến lược trong ngắn hạn là ưu tiên tái cơ cấu danh mục, hạ bớt tỷ trọng các cổ phiếu mang tính đầu cơ khi chỉ số đã hồi phục về vùng kháng cự; xây dựng dần danh mục cho quý 3 với từng cổ phiếu riêng lẻ có triển vọng tăng trưởng cụ thể, cơ sở tin cậy cao.
Trân trọng cảm ơn ông!