Thị trường Trung Quốc ngày càng khó, doanh nghiệp Việt ứng phó thế nào?
Làm ăn với Trung Quốc ngày càng khó, đó là câu nói cửa miệng của nhiều doanh nhân vốn quen với thị trường ngày trước bao nhiêu hàng cũng lấy, chất lượng thế nào cũng qua được, nay bỗng nhiên khác.
Trung Quốc là thị trường đáng thèm muốn đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu toàn thế giới. Nói vậy để hiểu quy mô của nhà láng giềng, để tự đặt câu hỏi nên hay không nên đầu tư làm ăn với họ. Hiểu để cùng thắng trên thương trường với nước láng giềng, đó là cái đích nên nhắm tới!
Một số công ty thương mại ở Việt Nam rao bán khá nhiều trà hoa. Tất cả đều nói đó là trà hoa Việt Nam, nhưng không thấy công ty nào công bố thông tin về vùng nguyên liệu. Không công bố được vùng nguyên liệu, chỉ có thể là gian dối xuất xứ. Một chén trà thảo mộc, khách hàng muốn uống nó với những hình ảnh rõ ràng của trang trại trồng trọt, có thể kiểm tra thông tin trên mạng về quy trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu có đạt chuẩn an toàn hay không.
Từ chén trà thảo mộc, mong sao đất nước ta không sản sinh ra một thế hệ trẻ làm ăn xổi, dựa vào nền sản xuất lớn của nước láng giềng, buôn đầu biên giới, bán cuối biên giới, gắn nhãn mác Việt Nam hưởng lợi trên sự nói dối. Bởi thương trường hôm nay ai cũng biết việc mua sản phẩm từ Trung Quốc về bán có lời gấp nhiều lần, nhanh gấp nhiều lần hành trình tự làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
Biết là khó lắm nếu muốn hình thành nên đội ngũ doanh nhân trẻ năng động và bền bỉ sáng tạo, khi đồng tiền ngày càng thao túng thương trường. Làm thế nào để những người đang làm ra những loại trà từ các loại thảo mộc kế tiếp truyền thống thuốc Nam đủ kiên trì đi lên bên cạnh dòng sản phẩm đến từ Trung Quốc với giá rẻ không tưởng.
Uống một chén trà hoa hồng ở cao nguyên Vân Nam, càng thấu hiểu hơn những khó khăn của doanh nhân Việt Nam, càng thấy lo hơn hoàn cảnh sống cạnh một nền kinh tế hùng mạnh như Trung Quốc, càng thấy lo hơn thế hệ trẻ thích giàu nhanh, giàu xổi, dẫu có thể thành công thương mại nhưng không tạo ra được giá trị chung cho xã hội.
Khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra mới thấy, không chỉ Việt Nam nhập siêu hàng giá rẻ từ Trung Quốc, mà cán cân thương mại Trung – Mỹ đã lệch nặng về Trung Quốc nên mới có chuyện Tổng thống Trump áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ đại lục, để thấy “thương trường như chiến trường” là vậy.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đủ thông tin để hiểu đang sống cạnh ai, và họ đang làm gì, mạnh yếu ra sao, và ta sẽ phát triển thế nào bên cạnh một láng giềng như vậy.
Theo Bộ Tài chính, 5 năm qua, Việt Nam đã chi hơn 250 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng từ Trung Quốc, kim ngạch nhập khẩu gấp 200% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Việt Nam chênh lệch thương mại với Trung Quốc khoảng 150 tỷ USD, bình quân khoảng 25 tỷ USD/năm.
Theo Bộ Tài chính, hàng nhập khẩu của Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là máy móc, thiết bị, linh kiện, điện, phân bón, than, nguyên liệu thuốc lá… Trong khi đó, Việt Nam xuất sang Trung Quốc chủ yếu là cao su, nông sản (nhiều nhất là sắn lát, gạo, trái cây), gỗ. Thịt heo hơi, gạo, sắn, trái cây xuất sang Trung Quốc bây giờ phải bằng đường chính ngạch. Đối với nhiều mặt hàng nông sản, các cửa khẩu biên giới gần như đóng cửa.
Làm ăn với Trung Quốc ngày càng khó, đó là câu nói cửa miệng của nhiều doanh nhân vốn quen với thị trường ngày trước bao nhiêu hàng cũng lấy, chất lượng thế nào cũng qua được, nay bỗng nhiên khác.
Trung Quốc tăng nhập khẩu nông sản nhưng đòi hỏi cao về chất lượng, truy xuất được nguồn gốc. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất thế giới, chiếm 10% toàn cầu. Trong 7 tháng đầu năm 2018, Trung Quốc đã chi 80,5 tỷ USD để nhập nông sản, tăng 12,7% so với cùng kỳ 2017. Trung Quốc đông dân, tiêu thụ lớn nhưng đừng nghĩ mang gì sang cũng bán được mà cần phải tìm hiểu thị trường và xu hướng tiêu dùng thì mới mong thành công.
Một tỷ 400 triệu dân với nền kinh tế đã trở thành một cường quốc, đời sống xã hội thay đổi nhanh chóng, Trung Quốc là thị trường đáng thèm muốn đối với các nhà sản xuất và xuất khẩu toàn thế giới. Nói vậy để hiểu quy mô của nhà láng giềng, để tự đặt câu hỏi nên hay không nên đầu tư làm ăn với họ.
Theo đuổi cách bán hàng chất lượng trung bình cho Trung Quốc bắt đầu gặp khó, khi nước láng giềng ngày càng phát triển vượt bậc, và không bao lâu nữa sẽ trở thành thị trường khó tính. Tuy nhiên cái nhìn “giận dỗi” với láng giềng có thực tế không? Bài học của một nhà cung cấp dịch vụ du lịch Hội An mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo.
Nhà đầu tư ấy đầu tư 2 triệu USD làm một khu nhà hàng lớn với hợp đồng của một công ty lữ hành Trung Quốc đưa đến 1.000 khách mỗi ngày. Sau 2 tháng, quá chủ quan cho đó là khách du lịch Trung Quốc dễ tính, đã không đầu tư tốt chất lượng phục vụ, công ty lữ hành nọ cắt hợp đồng, không cho cơ hội sửa chữa. Nhà đầu tư ấy tìm đâu ra hợp đồng 1.000 khách mỗi ngày để lấy lại vốn xây dựng nhà hàng?
Làm ăn với ông láng giềng khổng lồ vừa khó vừa dễ. Tin tức về xuất khẩu nông thủy sản ngày càng khó khăn khi Trung Quốc kiểm tra gắt gao chất lượng, buộc ngành nông nghiệp Việt Nam phải sản xuất sản phẩm sạch. Đó cũng là bước tập dượt để mai này nếu hàng hóa vào Trung Quốc quá khó thì có thể chuyển sang nước khác, và dù ở đâu thì cũng đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng cao.
Hiểu để cùng thắng trên thương trường với nước láng giềng, đó là cái đích nên nhắm tới!
Bích Hồng