Y tế

Thời tiết chuyển lạnh cũng không nên chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Nguyễn Thúy - 16:30 12/12/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước ghi nhận 123 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 98 trường hợp.

Không nên chủ quan do thấy trời lạnh

Nhiệt độ ở miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Do đó, các chuyên gia lưu ý người dân không được chủ quan, phải quyết liệt diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi...

Thống kê về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết của các địa phương cho thấy tích lũy từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 335.333 trường hợp mắc sốt xuất huyết. So với thống kê trước đó, số mắc sốt xuất huyết tuần qua là gần 10.000 ca, có sự giảm nhẹ so với những tuần trước đó.

Đến nay, cả nước ghi nhận 123 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2021 số mắc tăng 4,9 lần, tử vong tăng 98 trường hợp.

Tại Hà Nội, tuần qua, số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội vẫn tiếp tục gia tăng với 1.442 ca, (tăng 0,5% so với tuần trước). Bệnh nhân ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã; trong đó có một số quận, huyện có số mắc cao như: Hoàng Mai (187 ca), Phú Xuyên (141 ca), Hà Đông (131 ca), Đống Đa (104 ca).

Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 16.314 ca mắc sốt xuất huyết (tăng gấp 4,9 lần so với cùng kỳ năm 2021), trong đó đã có 18 ca tử vong.

Ngoài ra, trong tuần qua, thành phố có thêm 55 ổ dịch mới tại 15 quận, huyện; trong đó nhiều nhất là quận Đống Đa với 14 ổ dịch, tiếp đến là Hoàng Mai với 10 ổ dịch, Thanh Trì có 5 ổ dịch… Cộng dồn từ đầu năm 2022 cho đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.292 ổ dịch sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 178 ổ dịch đang hoạt động tại 24 quận, huyện...

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, trong khi số ca mắc mới sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng thì kết quả giám sát tại một số ổ dịch kéo dài cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi vẫn cao vượt ngưỡng; việc vệ sinh môi trường - diệt bọ gậy chưa hiệu quả.

Các chuyên gia y tế cho rằng, những ngày gần đây, Hà Nội đón đợt rét đầu tiên của mùa đông, do đó, người dân cho rằng, muỗi sẽ không hoạt động khi trời lạnh nên bỏ qua việc diệt bọ gậy, phòng muỗi đốt… Dù nhiệt độ miền Bắc đang giảm nhưng chưa đủ để hạn chế sự hoạt động của muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết.

Do đó, các chuyên gia lưu ý người dân không được chủ quan, phải quyết liệt diệt bọ gậy, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, vệ sinh môi trường, phun thuốc diệt muỗi… để không còn môi trường cho muỗi truyền bệnh sinh sống.

Sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng

Tại TP. Hồ Chí Minh (HCM), Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. HCM (HCDC) cho biết, trong tuần qua, thành phố ghi nhận 1.169 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 24,8% so với trung bình 4 tuần trước, số ca nội trú giảm 26,4% và ngoại trú giảm 23,1%.

Tính từ đầu năm đến nay, TP. HCM ghi nhận 76.239 trường hợp mắc bệnh, tăng gần 7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó số sốt xuất huyết nặng là 1.838 ca, tỷ lệ ca nặng trên tổng số ca mắc đến tuần 48 là 2,41% tăng hơn 3,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo HCDC, hiện nay, dù tình hình bệnh sốt xuất huyết có xu hướng giảm, nhưng với đặc điểm thời tiết mưa nắng thất thường thì chúng ta vẫn cần cảnh giác cao với bệnh. Tiếp tục thực hiện các biện pháp triệt nơi sinh sản của muỗi hàng tuần tại nơi làm việc và nơi cư trú.

Theo Bộ Y tế, mặc dù với sự vào cuộc quyết liệt của ngành Y tế, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, tuy nhiên trong những tháng gần đây số mắc sốt xuất huyết vẫn tiếp tục gia tăng trên cả nước, đặc biệt tại khu vực miền Bắc và khu vực miền Trung, trong đó các địa phương ghi nhận số mắc liên tục tăng cao trong các tuần gần đây là Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Thuận.

Do dịch sốt xuất huyết có tính chất chu kỳ, điều kiện thời tiết hiện nay thuận lợi cho lăng quăng, muỗi truyền bệnh phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh và gia tăng sự giao lưu, đi lại của người dân sau dịch COVID-19, ngoài ra ý thức của người dân trong chủ động phòng chống dịch chưa cao, qua kiểm tra giám sát vẫn còn phát hiện nhiều ổ bọ gậy, lăng quăng trong hộ gia đình, khu dân cư.

Bộ Y tế cũng dự báo trong thời gian tới tình hình sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng. Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai ngay chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Ngành Y tế triển khai giám sát chặt việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương. Tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch...

Để tích cực phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:

1. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.

2. Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.

3. Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

4. Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.

5. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.

6. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác