Thu hút hơn 7.000 nông dân chuyển sang canh tác lúa thân thiện môi trường
Tham dự hội thảo có ông Mai Bắc Mỹ - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (T.Ư Hội NDVN), Giám đốc Ban Quản lý dự án; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ điều phối, cán bộ phụ trách Dự án của 24 tỉnh, thành trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam; các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia của ngành Nông nghiệp.
Được biết, Dự án do Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế (T.Ư Hội NDVN phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (gọi tắt là Quỹ BRACE) xây dựng, thời gian thực hiện 40 tháng từ tháng 3/2020 đến tháng 7/2023, tại 24 tỉnh thuộc 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhằm góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững, giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ cho biết: Trong 2 năm triển khai Dự án, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và đại dịch Covid-19, nhưng Dự án đã đạt được những kết quả nhất định, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ. Mục đích của Hội thảo lần này đánh giá kết quả thực hiện Dự án từ khi bắt đầu triển khai cho tới nay; Đồng thời, các tỉnh, thành Hội chia sẻ kinh nghiệm, thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện; thảo luận, đề xuất ý kiến để tìm ra giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường tác động của Dự án.
Từ khi triển khai và thực hiện, Dự án đã tổ chức 6 khóa tập huấn đào tạo giảng viên nguồn cho 124 cán bộ Hội, Trung tâm Khuyến nông về kỹ năng truyền thông; Tổ chức 154 lớp tập huấn cho 2.800 lượt hội viên nông dân về các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; Biên soạn 12 bộ tài liệu kỹ thuật và 3 cuốn sổ tay về canh tác lúa thân thiện với môi trường cho từng khu vực khác nhau; tổ chức 9 chuyến thăm quan cho khoảng 300 cán bộ, hôi viên nông dân... Đặc biệt xây dựng được mạng lưới cán bộ kỹ thuật hỗ trợ hơn 2.000 hộ trên diện tích hơn 860ha về canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Dự án cũng đã góp phần giúp hơn 2.300 hộ với khoảng hơn 7.000 nông dân chuyển từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường trên diện tích gần 1.000ha. 100% nông dân tham gia dự án đã cắt giảm từ 20% đến 100% phân đạm hóa học trong trồng lúa, qua đó giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao thu nhập. Theo đánh giá từ các mô hình trình diễn của dự án, thu nhập từ canh tác lúa thân thiện với môi trường cao hơn so với canh tác lúa truyền thống từ 20-30%. Ở một số địa phương, dự án đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương thể hiện ở việc bố trí ngân sách tỉnh để hỗ trợ, mở rộng Dự án.
Nhiều cách làm hay, hiệu quả hỗ trợ ND
Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến liên quan đến hoạt động của Dự án.
Nhận xét về hiệu quả áp dụng canh tác lúa theo phương pháp SRI so với ruộng làm theo tập quán truyền thống, ông Nguyễn Văn Thi – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bắc Giang cho biết: Qua đánh giá triển khai mô hình đã cho thấy, nông dân giảm được từ 20-30% chi phi đầu tư về giống, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất lúa từ 7-8 tạ/ha; tăng hiệu quả kinh tế 8- 9 triệu đồng/ha. Để có được kết quả như vậy, là có sự vào cuộc tích cực của các cấp Hội; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền. Đồng thời có sự phối hợp giữa tỉnh với địa phương, nhất là phối hợp chỉ đạo về chuyên môn của đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở trong việc trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân. Đặc biệt là đa dạng hóa các kênh tuyên truyền như: Tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh, huyện để đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thực hiện ghi hình các hoạt động của Dự án để đưa tin, dựng phóng sự tuyên truyền. Ngoài ra các hoạt động triển khai tại các huyện đều có đài truyền hình tham gia ghi hình, đưa tin; phối hợp với báo Bắc Giang đăng tin, bài giới thiệu về Dự án. Cùng với đó, Hội ND tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền trên Trang thông tin điện tử của Hội, cuốn Bản tin sinh hoạt chi hội hàng quý...
Chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện Dự án có hiệu quả, ông Nguyễn Phú Hoàng – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Thuận cho biết: Địa phương là một trong những tỉnh thường xuyên bị thiếu nước trong sản xuất nông nghiệp, nhất là vào mùa khô hạn. Khi áp dụng những kỹ thuật của Dự án, nông dân không những tiết kiệm được nước tưới, chi phí đầu vào giảm khá nhiều, năng suất tăng lên. Để thực hiện Dự án có hiệu quả thì nên triển khai ở các HTX và chọn những hộ là thành viên tiêu biểu của HTX vì thông qua HTX, chúng ta triển khai tuyên truyền ngay trong thành viên của HTX và sau đó là những hộ nông dân khác. Đặc biệt, nếu thực hiện Dự án thành công thì HTX có tư cách pháp nhân để ký hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.
Bà Bùi Thị Nga – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình chia sẻ thêm: Để thực hiện Dự án có hiệu quả, Hội ND tỉnh có chủ trương, định hướng cụ thể, rõ ràng như lựa chọn những cán bộ có năng lực, triển khai ở huyện có tiềm năng. Đối với hộ nông dân tiến hành khảo sát xem họ có muốn và đủ điều kiện tham gia hay không? Đặc biệt là Hội ND các cấp làm tốt công tác tuyên truyền, trong quá trình thực hiện Dự án, cán bộ Hội xuống tận cơ sở để hướng dẫn cho bà con ở tất cả các khâu từ làm đất, lấy nước, gieo mạ và cấy, thậm chí còn cấy cùng họ để kiểm tra khoảng cách giữa các dảnh mạ. Làm đến đâu quay video lại ngay đến đó và tiến hành tuyên truyền rộng rãi nên được nông dân hưởng ứng cao. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác tuyên truyền, vận động nông dân là kinh nghiệm quý giá giúp họ hiểu được mô hình người thật, việc thật, hiệu quả thật nên họ mới tin tưởng tham gia.
Bên cạnh thuận lợi, còn có những tỉnh gặp nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn Út – Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam chia sẻ: Là tỉnh chịu ảnh hưởng của thiên tai, khí hậu rất nhiều nên việc tham gia mô hình cũng khó khăn. Bên cạnh đó, mô hình chưa được chính quyền quan tâm, hỗ trợ nên chủ yếu dựa vào nguồn lực của Hội ND. Hội chủ động tuyên truyền, triển khai thực hiện mô hình kết hợp với cho vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ ND; tuyên truyền trên đài báo địa phương; phối hợp với các đơn vị cung cấp giống, phân bón theo phương thức trả chậm nên cũng động viên được bà con tham gia dự án. Để thu hút ND tham gia nhiều, tỉnh đề nghị Ban quản lý Dự án hỗ trợ giống, phân bón cho bà con giúp họ tuân thủ áp dụng theo kỹ thuật được hướng dẫn, đồng thời, tạo điều kiện để cán bộ, ND đi tham quan, học tập ở các tỉnh bạn.
Hỗ trợ ND xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm
Liên quan đến vấn đề xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm, ông Nguyễn Phú Hoàng cũng bày tỏ mong muốn sản phẩm do Dự án tạo ra cần được công nhận, ghi nhãn mác, truy xuất nguồn gốc trên bao bì để người tiêu dùng cả nước biết đến Dự án và yên tâm sử dụng. Đề nghị Ban quản lý Dự án tiếp tục hỗ trợ để mở rộng diện tích, kết nối với doanh nghiệp lớn nhằm bao tiêu sản phẩm cho nông dân tham gia Dự án.
Theo GS.TS Nguyễn Ngọc Đệ - chuyên gia tư vấn Dự án khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Về kỹ thuật phương pháp SRI thì không có gì mới, nhưng Dự án có sự khác biệt, đó là mục tiêu Dự án nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của nông dân chấp nhận áp dụng các kỹ thuật vào sản xuất. Tiếp đó là tính đa dạng, dự án được triển khai ở khắp 3 miền đất nước, có sự đa dạng về mặt văn hóa, phong tục, tập quán canh tác nhưng việc chuẩn bị tài liệu tập huấn rất phù hợp với từng vùng miền, địa phương cũng như áp dụng kỹ thuật nào là trọng tâm.
Trong thời gian tới, Ban quản lý Dự án nên có kế hoạch cụ thể cho từng địa phương, Hội ND các tỉnh nên tận dụng sự hỗ trợ của chính quyền, ban, ngành ở địa phương, kết hợp với công tác tuyên truyền vận động của cán bộ Hội các cấp thì sẽ có sự kết nối và lan tỏa về hiệu quả của Dự án được tốt hơn; Có phương án để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm đặc thù của Dự án như nhãn hiệu, mã số vùng trồng, bởi vì đây cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển lâu dài, bền vững của phương pháp canh tác này, kể cả khi Dự án kết thúc.
Kết thúc hội thảo, ông Mai Bắc Mỹ - Giám đốc Ban Quan lý Dự án ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu về những vấn đề cụ thể như xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa thân thiện với môi trường mang dấu ấn Dự án; Kết nối doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm; Tổ chức hoạt động tham quan ở các địa phương khác nhau để tăng cường chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai Dự án…. Đồng thời, Ban Quản lý sẽ tiếp tục đồng hành, cố gắng huy động các nguồn lực hỗ trợ tối đa.
“Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Dự án trong thời gian tới, đề nghị Hội ND các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện các hoạt động, tập trung các công việc cụ thể như sau: Đảm bảo 100% cán bộ tham gia triển khai Dự án nắm chắc nội dung, phương thức thực hiện, hoạt động của Dự án; Bám sát hướng dẫn của Ban Quản lý Trung ương trong việc tổ chức, triển khai hoạt động; Tổ chức các hoạt động nghiêm túc, thực chất nhằm đảm bảo hiệu quả của Dự án; Điều chỉnh phương thức và cách tổ chức các sự kiện truyền thông nhằm thu hút thêm nông dân chuyển sang áp dụng các kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường; Tăng cường công tác truyền thông trên các kênh thông tin đại chúng về hoạt động, kết quả của Dự án cũng như những chia sẻ tích cực của hội viên nông dân về lợi ích và hiệu quả kinh tế khi áp dụng các kỹ thuật của Dự án; Tăng cường tương tác, chia sẻ các trang mạng xã hội của Dự án với hội viên nông dân và các đối tượng có liên quan; Thực hiện công tác báo cáo, tài chính nghiêm túc, đúng hạn” – ông Mai Bắc Mỹ nhấn mạnh.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi