Thủ tướng chủ trì phiên họp thứ 2 về các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT
Hội nghị được thực hiện theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đang có các dự án giao thông quan trọng, dự án giao thông trọng điểm.
Cùng dự phiên họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Lê Văn Thành; các thành viên Ban Chỉ đạo là Bộ trưởng, Thủ trưởng các ngành, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Dự tại điểm cầu các địa phương có các Bí thư, Chủ tịch UBND, lãnh đạo các sở, ban, ngành của các tỉnh, thành phố; đơn vị tư vấn, nhà thầu...
Tại phiên họp, lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, nhà thầu báo cáo tiến độ thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải; nêu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp thúc đẩy tiến độ đầu tư các dự án.
Theo đó, các dự án đang thực hiện đầu tư gồm: Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ; dự án đường bộ cao tốc Bến Lức – Long Thành; Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội; Dự án đường sắt đô thị Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.
Đồng thời các đại biểu cũng báo cáo tình hình chuẩn bị đầu tư các dự án gồm: 3 dự án đường bộ cao tốc (Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng); Dự án Vành đai 4 Vùng thủ đô Hà Nội; Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; Dự án đường Hồ Chí Minh.
Đáng chú ý, các đại biểu cho biết, vẫn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án. Trong đó, đối với công tác giải phóng mặt bằng, mặc dù các địa phương, các đơn vị chủ quản đã tích cực triển khai nhưng tiến độ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường khu vực đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù Chính phủ đã có các Nghị quyết tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tuy nhiên đến nay các địa phương chưa cam kết đủ nguồn cát đắp cho các dự án.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Minh Chính cho biết, phát triển hạ tầng là một trong 3 đột phá chiến lược; song giao thông đang là điểm nghẽn lớn của nước ta.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc; đến năm 2030 có 5.000 km đường bộ cao tốc; góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ đã có các Nghị quyết, cơ chế chính sách, bố trí nguồn lực cho phát triển giao thông, song việc tổ chức thực hiện vẫn đang là điểm yếu. Hiện nay việc thực hiện các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải chưa đạt mục tiêu đề ra; nhất là tại các dự án đường bộ cao tốc.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Có nguồn vốn, chủ trương, rồi có các quy định cần thiết của pháp luật nhưng khâu tổ chức thực hiện là rất quan trọng. Ban chỉ đạo cần tập trung vào khâu đôn đốc triển khai, tổ chức kiểm tra việc thực hiện các dự án là nhiệm vụ hết sức là nặng nề. Đây là một điểm yếu có tính chất hệ thống của chúng ta, khâu tổ chức thực hiện bao giờ cũng là yếu kém, chậm chạp. Vì vậy, cho nên phải có Ban chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra thực hiện giải quyết các công việc ách tắc”
Thủ tướng chỉ rõ, nhiều công việc chưa có tiến triển lớn, gây bức xúc, nhất là tại các thành phố lớn và các vướng mắc, khó khăn về nguyên vật liệu xây dựng, nhất là mỏ vật liệu.
"Nguyên vật liệu vẫn là vướng mắc, vừa qua là cho thanh tra lập kế hoạch để thanh tra, bộ ngành nào làm không đúng, nhất là các địa phương giao mỏ đất, mỏ đá không đúng là phải xử lý cương quyết không để xảy ra tiêu cực, không để xảy ra tài nguyên khoáng sản của Nhà nước giao cho tư nhân, tư nhân bán lại cho Nhà nước. Không có đất nước nào làm lòng vòng như thế. Còn quy định sai thì phải sửa, khi sửa phải truy trách nhiệm anh nào đề xuất những việc này. Thứ hai là tại sao khi có các nghị quyết của Chính phủ rồi mà không thực hiện, địa phương nào không thực hiện phải cho kiểm tra, thanh tra để chấn chỉnh lại việc này", Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương xuống tận công trường, kiểm tra thực địa để chứng kiến thực tế, có cảm xúc, động lực để giải quyết công việc.
Theo VOV