Hội Nông dân Hưng Yên:
Thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi, hỗ trợ nông dân làm giàu, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới
Hỗ trợ nông dân về giống, vốn vay, tập huấn, dạy nghề, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật
Theo ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên: Công tác vận động hội viên nông dân thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường được các cấp Hội trong tỉnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia bằng những việc làm thiết thực. Nhiệm kỳ 2018-2023, các cấp Hội trong tỉnh tích cực vận động hội viên nông dân tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng số tiền đóng góp 141.052 triệu đồng; 77.899 ngày công; hiến 96.866m2 đất; Tham gia làm mới, sửa chữa 290 km đường giao thông, 233 km kênh mương, trên 800 chiếc cầu, cống các loại...
Hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học, công nghệ được các cấp Hội đẩy mạnh phối hợp thực hiện. Các cấp Hội đã chủ động phối hợp tổ chức được 2.707 buổi tập huấn chuyển khoa học kỹ thuật cho 175.769 lượt hội viên. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ xây dựng 07 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản góp phần làm chuyển biến trong nhận thức về công nghệ sản xuất cây, con giống có chất lượng tốt; các kỹ thuật tiến bộ về sản xuất nông sản hàng hóa, chế biến, bảo quản phát triển cây ăn quả đặc sản, rau màu có giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập trên 1ha canh tác.
Ông Vũ Văn Thắng (ngoài cùng bên trái) - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên thăm quan mô hình trồng lan. Ảnh: Hội ND Hưng Yên
Để tạo điều kiện hỗ trợ giúp đỡ hội viên nông dân, hàng năm các cấp Hội trong tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh, các phòng chuyên môn của huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tạo nguồn lực hỗ trợ hội viên nông dân phát triển sản xuất như hỗ trợ nông dân về giống, vốn vay, tổ chức các lớp tập huấn, dạy nghề cho nông dân, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tổ chức trình diễn mô hình, hội thảo đầu bờ; Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với các Công ty phân bón cung ứng cho hội viên nông dân theo hình thức trả chậm.
Trong hoạt động tạo vốn, các cấp Hội trong tỉnh đã tích cực thực hiện việc chuyển tải vốn hỗ trợ nông dân các nguồn lực để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua việc tín chấp với các ngân hàng giúp nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Đến nay đã thành lập được 355 Tổ vay vốn Ngân hàng NN&PTNT, với 11.071 hộ vay, dư nợ 2.424 tỷ đồng; thành lập 889 Tổ tiết kiệm và vay vốn, với 23.287 hộ tham gia chương trình cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách khác do Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác, dư nợ đạt 1.253 tỷ đồng. Đồng thời, các cấp Hội tích cực vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân. Tính đến tháng 6/2023, tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân 3 cấp trong tỉnh và Trung ương ủy thác đạt 96 tỷ 229 triệu đồng cho 2.023 hộ vay. Chương trình Quỹ quốc gia về việc làm với nguồn vốn 2,035 tỷ đồng đã giúp đỡ cho 770 lượt hội viên nông dân vay.
Ông Hoàng Văn Tam - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Cừ cho biết: Hội Nông dân huyện đã tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban chỉ đạo Quỹ xây dựng đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ Nông dân huyện giai đoạn 2015 - 2020” và tiếp tục thực hiện đến năm 2025. Đến nay nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân các cấp được giải ngân trên địa bàn huyện là 8 tỷ 295 triệu, trong đó nguồn vốn Trung ương và tỉnh là 6,5 tỷ với 12 dự án cho 130 hộ vay; cấp huyện và cơ sở là 1 tỷ 795 triệu với 12 mô hình phát triển nông nghiệp hàng hóa cho 49 hộ vay. Các nguồn vốn được tập trung cho vay theo các dự án, mô hình theo quy mô hộ, nhóm hộ, bên cạnh đó Hội Nông dân huyện tăng cường hợp tác với các Ngân hàng triển khai có kết quả hoạt động tín chấp, hỗ trợ hội viên vay vốn để phát triển SXKD: Tổng dư nợ, là 321 tỷ 621 triệu đồng cho 5.486 hộ vay, công tác triển khai, quản lý, sử dụng nguồn Quỹ Hỗ trợ Nông dân, vốn Ngân hàng CSXH, Ngân hàng NN&PTNT được các cấp Hội thực hiện nghiêm túc, sử dụng vốn đúng mục đích, nộp phí và lãi suất đúng, đủ theo quy định.
Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi" là nòng cốt trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tạo lực đẩy hoàn thành xây dựng nông thôn mới
Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. 5 năm qua, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh luôn quan tâm triển khai thực hiện đạt hiệu quả; công tác chỉ đạo ngày càng cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, các nội dung, chương trình thi đua ngày càng thiết thực, được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm chỉ đạo, đánh giá cao, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của hội viên nông dân. Kết quả, trong 5 năm đã bình xét được 367.201 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) 4 cấp và khen thưởng động viên cho 580 tập thể, hộ gia đình có nhiều thành tích tiêu biểu.
Trong đó, nhiều hộ có mô hình cho thu nhập cao như: Huyện Khoái Châu có hộ ông Nguyễn Hữu Hà ở xã Tân Dân với mô hình trồng chanh và cây có múi mỗi năm cho thu hoạch hàng tỷ đồng; bà Bùi Thị Biên xã Hồng Tiến có mô hình sản xuất thu mua phế liệu lông vũ xuất khẩu cho thu lãi mỗi năm 1,5 tỷ đồng tạo việc làm thường xuyên cho 50 lao động; hộ ông Hoàng Quang Đông xã Chí Tân, với mô hình sản xuất và chế biến sản phẩm từ nghệ không những được bán ở trên thị trường trong nước, các siêu thị lớn mà đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và châu Âu với tổng doanh thu trên 15 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 4,5 tỷ đồng/năm và tạo việc làm thường xuyên cho 18 - 20 lao động với thu nhập 8 - 10 triệu đồng/người/tháng; hộ ông Lưu Văn Dũng xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ với mô hình sản xuất và kinh doanh các loại cá giống và cá thương phẩm cho tổng thu nhập 20 tỷ đồng/năm, lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động...
Từ ưu điểm cây khỏe, năng suất cao, vốn đầu tư thấp, lại dễ thích ứng với thổ nhưỡng có khả năng chống chọi dịch bệnh cao, hội viên nông dân Nguyễn Hữu Hà ở xã Tân Dân (Khoái Châu) đã chọn chanh là loại cây chủ lực để canh tác trên đồng đất quê hương. Ảnh Thế Dương
Từ kết quả đạt được ở trên, có thể thấy phong trào Nông dân thi đua SXKDG thực sự là nòng cốt trong việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, có sức lan tỏa giữa các địa phương trên tất cả các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, kinh doanh - dịch vụ... qua đó đã khích lệ và phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nông dân; cổ vũ nông dân khai thác ngày càng có hiệu quả tiềm năng đất đai, lợi thế cạnh tranh từng vùng. Hiệu quả của phong trào là động lực thúc đẩy các địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Vũ Trường Nam - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp Hội luôn gắn phong trào với việc tổ chức thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp hàng hoá mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra, xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm, sản xuất các sản phẩm đặc trưng, đặc sản để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương như: Phát triển vùng cây ăn quả (nhãn, vải, cam, bưởi, chuối…); chăn nuôi tập trung; vùng rau, lúa, hoa, cây con giống chất lượng... tại các xã thuộc huyện Khoái Châu, Kim Động, Phù Cừ, Văn Giang, Yên Mỹ...
Các cấp Hội trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn và hướng dẫn hội viên, nông dân thành lập mới 88 HTX; 87 tổ hợp tác; 48 chi hội nghề nghiệp và 112 tổ hội nghề nghiệp sản xuất nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp; phối hợp tư vấn xây dựng nhãn hiệu sản phẩm như: Nhãn lồng Hưng Yên, Nhãn Miền Thiết, Vải Trứng Hưng Yên, chuối Tiêu hồng, Gà Đông Tảo, Tương Bần, Quất cảnh Văn Giang, Ổi Yên Mỹ... Tích cực vận động, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất theo hướng chuyên canh tập trung, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh để mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các bộ Hội ND tỉnh Hưng Yên tham quan Tổ hợp tác trồng ổi theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Hoàn Long, huyện Yên Mỹ. Ảnh: Hội ND Hưng Yên
Thời gian qua các cấp Hội đã trực tiếp và phối hợp tổ chức 2.707 lớp tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất; Hội Nông dân các cấp phối hợp tổ chức được 112 lớp dạy nghề cho 3.360 lao động; hàng trăm buổi tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý cho hàng ngàn người dự; cung ứng trên 5.000 tấn phân bón trả chậm cho hội viên phát triển sản xuất. Qua đó, đã góp phần nâng cao kiến thức, trình độ cho hội viên, nông dân, nhiều hộ nông dân đã áp dụng những kiến thức được học tập vào sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao và tạo ra các sản phẩm an toàn.
Các hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ hội viên khó khăn được chỉ đạo thực hiện thường xuyên. Trong 5 năm 2018 - 2022, các cấp Hội đã vận động giúp đỡ, hỗ trợ, cho 5.179 hộ nông dân vay không lấy lãi số tiền trên 24,7 tỷ đồng, trên 79.000 cây, con giống, các loại, 35.461 ngày công lao động, chuyển giao KHKT cho hàng ngàn hộ, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định từ 4,5 - 8 triệu đồng/người/tháng.
Việc triển khai sâu rộng phong trào Nông dân thi đua SXKDG gắn với các hoạt động hỗ trợ đã khẳng định rõ hơn vị trí, vai trò của tổ chức Hội, nâng cao năng lực tổ chức quản lý, điều hành của cán bộ Hội các cấp trong công tác vận động hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tập hợp đông đảo nông dân tham gia tổ chức Hội, xây dựng Hội vững mạnh góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở Hội, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn.
Theo ông Vũ Trường Nam, thời gian tới các cấp Hội trong tỉnh Hưng Yên cần thực hiện một số giải pháp để góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Theo đó, Hội Nông dân các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hàng hoá tập trung, đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Vận động nông dân chuyển đổi và tích tụ ruộng đất để áp dụng khoa học công nghệ trong làm đất, thu hoạch, bảo quản và chế biến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Chú trọng hướng dẫn hội viên phát triển mạnh các dịch vụ, ngành nghề, nhất là chế biến nông sản để giúp tiêu thụ sản phẩm, giải quyết nhiều việc làm bao gồm cả việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,… dần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, cùng với các cấp chính quyền chung tay, góp phần tích cực vào hoàn thành công cuộc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu tại địa phương.
“Trong thời gian tới, các cấp Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành chức năng, các trung tâm nghiên cứu; các doanh nghiệp, công ty, trạm trại huy động các nguồn lực để hỗ trợ nông dân về vốn, khoa học kỹ thuật, phân bón, vật tư, quảng bá tiêu thụ sản phẩm và tổ chức dạy nghề tại chỗ bao gồm cả tập huấn về an toàn, vệ sinh thực phẩn, an toàn vệ sinh lao động gắn với bảo vệ môi trường; ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ cao vào sản xuất giải phóng sức lao động nâng cao hiệu quả sản xuất... góp phần đưa sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn”.
Ông Vũ Trường Nam - Trưởng ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Hưng Yên.
- Vĩnh Phúc: Xã Hồ Sơn duy trì và nâng “chất” các tiêu chí nông thôn mới đã đạt
- Sơn La: Tôn vinh 25 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2024
- Cà Mau: Tăng cường công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh
- Lâm Đồng: 18 chủ thể được cấp Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu độc quyền “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”