Thảo luận

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII trong phát triển “tam nông” gắn với mục tiêu kép

(Tapchinongthonmoi.vn) - Đánh giá về vai trò đặc biệt quan trọng của nông dân, nông nghiệp Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng nhấn mạnh: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân”.
Nhiều năm qua việc thực hiện mô hình liên kết SX và tiêu thụ lúa gạo ở TP. Cần Thơ đã đem lại hiệu quả cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thành tựu được tạo ra từ cơ hội mới

Nông dân Việt Nam là lực lượng đông đảo nhất trong tổng dân số của cả nước. Theo số liệu Tổng điều tra dân số năm 2019, khu vực nông thôn có hơn 63 triệu người sinh sống, chiếm 65,6% tổng dân số cả nước, trong số đó chủ yếu là nông dân. Trải qua suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cũng như trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, nông dân luôn là lực lượng đông đảo nhất, hùng hậu nhất và giữ vai trò đặc biệt quan trọng. 

Trong công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc từ năm 1986 đến nay, nông dân tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng, là chủ thể xây dựng và phát triển địa bàn nông thôn , là lực lượng chủ yếu trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, nhiều sản phẩm nông nghiệp do nông dân sản xuất, nhất là lương thực, thực phẩm đã bảo đảm đủ tiêu dùng cho hơn 97 triệu dân trong nước và là những hàng hóa xuất khẩu chủ lực của nông nghiệp Việt Nam như gạo, cà phê, cao su, thủy sản, rau quả… trong đó, nhiều mặt hàng có giá trị hàng tỉ đô la Mỹ (USD). Cùng với phát triển kinh tế, đời sống văn hóa, tinh thần của nông dân Việt Nam ngày một nâng cao, xóa dần khoảng cách giữa đời sống của cư dân nông thôn với cư dân đô thị. 

Những kết quả đạt được nêu trên đã khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của nông dân, nông nghiệp Việt Nam. Đánh giá về vấn đề này, Đại hội XIII (năm 2021) của Đảng nhấn mạnh: “Nông nghiệp có bước chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng và hiệu quả, tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; kinh tế nông thôn tiếp tục phát triển; chương trình xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, hoàn thành sớm hơn gần 2 năm so với kế hoạch đề ra, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn và đời sống nông dân.”  

Đại hội XIII của Đảng xác định các mục tiêu đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đối với vấn đề phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân, Đại hội xác định: “Tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương cơ cấu lại nông nghiệp, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh. Chú trọng phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao; phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nâng cao giá nông sản trong các chuỗi giá trị. Khuyến khích phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác mà nòng cốt là hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư, cải tiến quản lý nhà nước để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; kết nối nông thôn với đô thị; tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới kiểu mẫu và bảo vệ môi trường sinh thái”. Đại hội đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cụ thể: Đổi mới các chính sách quản lý đất đai để khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất nông nghiệp; bãi bỏ các giới hạn về đối tượng được nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, tăng thời hạn giao đất, cho thuê đất nông nghiệp; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới, phát triển nông nghiệp hàng hóa tâp trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao; phát triển mạnh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái; thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng của nông nghiệp, nông dân với biến đổi khí hậu; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; tổ chức kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, thị trường, xuất khẩu, chuỗi giá trị toàn cầu; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp và các tổ hợp tác; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ, phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá về năng suất, chất lượng và quản trị ngành; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp về các vấn đề pháp lý trong giải quyết tranh chấp thương mại, giảm thiểu rủi ro trong hội nhập; mở rộng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, lấy cư dân nông thôn làm chủ thể, đem lại sự chuyển biến tích cực rõ nét hơn về nếp sống tới từng thôn, bản, ấp, hộ gia đình và cuộc sống trực tiếp của mỗi người dân sinh sống ở nông thôn. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản. đẩy mạnh thực hiện Chương trình ‘’mỗi xã một sản phẩm” gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; tập trung xử lý ô nhiễm môi trường, nhất là rác thải, nước thải,..

Thu hoạch tôm ở xã Vĩnh Hậu, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: B.Nguyên

Những chủ trương, biện pháp nêu trên của Đại hội XIII đã mở ra cơ hội mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn phát triển. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam trong năm 2021 đã diễn ra hết sức phức tạp. Virus Sars Cov -2 biến đổi khôn lường, với nhiều biến chủng nguy hiểm, tốc độ lây lan nhanh, trong đó có biến chủng Delta, biến chủng Omicron. Tính đến ngày 6/1/2022, toàn thế giới đã có tổng số 298 triệu người nhiễm, 5,47 triệu người tử vong; tại Việt Nam kể từ tháng 5/2021, đợt dịch thứ 4 đã bùng phát mạnh, đến nay đã có 1,82 triệu người nhiễm, 33.475 người tử vong. Cùng với thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, dịch bệnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, nhiều quốc gia tăng trưởng âm, cơ sở sản xuất bị đóng cửa hoặc giảm năng lực sản xuất, người lao động không có hoặc thiếu việc làm, mất hoặc giảm thu nhập; chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, đời sống của người dân trên khắp thế giới gặp khó khăn. Tại Việt Nam, đợt dịch lần thứ 4 đã làm cho hơn 2 triệu người dời bỏ thành phố, khu công nghiệp trở về quê, giao lưu hàng hóa bị chia cắt, tắc nghẽn, hàng loạt nhà cơ sở sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ,… phải giảm năng lực sản xuất, thậm chí tạm dừng sản xuất kinh doanh, nền kinh tế quý 3/2021 cả nước tăng trưởng âm 6,2%. Trước các làn sóng của dịch bệnh, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, biện pháp ứng phó; cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân cả nước đã đoàn kết đồng lòng thực hiện có hiệu quả các biện pháp chống dịch. Khi dịch bệnh phát triển nhanh, trong khi chưa có vaccine, thuốc đặc trị, các biện pháp hành chính nghiêm ngặt được áp dụng và nhanh chóng điều chỉnh tổ chức thực hiện, lấy cấp xã là “pháo đài”, người dân là “chiến sĩ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể tham gia phòng, chống dịch; đưa dịch vụ y tế, an sinh xã hội đến cơ sở để người dân tiếp cận kịp thời, hiệu quả hơn và bảo vệ an ninh, an toàn cho nhân dân, nhất là việc thành lập hơn 700 trạm xá lưu động; hơn 300.000 lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng y tế, quân đội, công an hỗ trợ các địa phương thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội. Đồng thời, Đảng và Nhà nước đã chủ động thúc đẩy ngoại giao vaccine, thành lập Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19, tích cực nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine trong nước, phát động chiến dịch tiêm chủng miễn phí toàn dân. Với biện pháp đó, Việt Nam trở thành 1 trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ tiêm vaccine cao nhất trên thế giới. Đến đầu năm 2022, tỷ lệ bao phủ vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên 1 mũi là 99,6%, 2 mũi là 90,9%; người từ 12 đến 17 tuổi 1 mũi là 85,6%, 2 mũi là 57%. Số ca nhiễm nhập viện, chuyển nặng, tử vong đang có chiều hướng giảm .

Ngày 11/10/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Nghị quyết nêu rõ: Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca mắc, ca chuyển bệnh nặng, tử vong do Covid-19; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; thực hiện mục tiêu kép, đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể; Bảo đảm mục tiêu kép nhưng đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết; đảm bảo người dân được bảo vệ tốt nhất trước dịch bệnh, được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất, ngay từ cơ sở; nhưng không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất. Đây là chủ trương vô cùng đúng đắn của Chính phủ, tạo bước ngặt đối với việc chống dịch và phát triển kinh tế, từng bước khôi phục lại trạng thái bình thường mới. Nhờ đó, kinh tế quý 4 phục hồi mạnh mẽ, đạt 5,22%, nhưng tính chung cả năm tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 2,58%.

Mô hình sản xuất hoa đồng tiền ứng dụng công nghệ mang lại hiệu quả cao ở ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Tư liệu

Một số biện pháp để thực hiện mục tiêu kép

Trong bối cảnh mới, để thực hiện mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ, chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, về bảo vệ sức khỏe của nhân dân, trong đợt dịch thứ 4, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc tập trung chống dịch, trong đó ngành Y tế đã huy động một lực lượng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế, giảng viên và sinh viên các trường y dược tham gia phòng, chống dịch. Tuy tình hình dịch bệnh hiện nay đã được kiểm soát nhưng cần tiếp tục thực hiện các biện pháp đã đạt hiệu quả trong thời gian qua, đó là: Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm phủ vaccine 2 mũi cơ bản và mũi tăng cường đối với các độ tuổi , chú trọng những người có bệnh nền và người trên 50 tuổi; thực hiện nghiêm túc các biện pháp 5K theo quyến cáo của cơ quan y tế; thường xuyên cập nhật thông tin, xác định chính xác các vùng có dịch và vùng không có dịch để chủ động đối phó với từng vùng; tăng cường, củng cố và phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; mở rộng khám, chữa bệnh từ xa, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế; phát triển nguồn nhân lực y tế, tiếp tục hoàn thành các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Phát biểu tại phiên họp Chính phủ với các địa phương, ngày 5/1/2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Trong năm 2022, ngành Y tế xác định nhiệm vụ thứ nhất, trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, thực hiện thành công Chương trình phòng chống dịch COVID-19  năm 2022-2023, góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội” 

Hai là, về phát triển kinh tế, có biện pháp giải quyết số lao động từ các đô thị, khu công nghiệp về quê, theo đó địa phương tạo điều kiện cho một phần trong số lao động này trở lại các các đô thị, khu công nghiệp để giải quyết vấn đề việc làm và cơ sở sản xuất, kinh doanh không bị thiếu hụt lao động, đồng thời địa phương có biện pháp đẩy mạnh phục hồi sản xuất, xúc tiến đầu tư phát triển kinh tế, xã hội tại địa bàn để giải quyết việc làm cho người lao động thiếu việc làm, tạo môi trường phát triển bền vững tại mỗi địa phương. 

Đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển thị trường trong nước và quốc tế. Để tháo gỡ đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu, nhất là đối với thị trường khổng lồ Trung Quốc  với gần 1,5 tỉ dân, các bộ, ngành, địa phương cần có các biện pháp tổng hợp giảm lượng hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch chuyển sang sản phẩm nông sản đạt chuẩn quốc tế, xuất khẩu chính ngạch theo đường biển, đường sắt, đường bộ, đường không. Đồng thời, tiếp tục khai thác và mở rộng các thị trường truyền thống, thị trường mới trên thế giới, tận dụng tối đa những lợi thế của các Hiệp định thương mại Việt Nam đã kí kết .

Phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn với bảo vệ môi trường; đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ 4.0 trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa nông nghiệp  nhằm tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, giảm nhân công lao động trực tiếp, rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp. 

Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết chính sách đất đai, nhất là đất sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ và Quốc hội có chính sách tập trung ruộng đất phù hợp, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đồng thời, đề xuất Chính phủ và Quốc hội điều chỉnh, bổ sung chính sách khuyến khích phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế hộ gia đình, phát triển các mô hình hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp sản xuất… phù hợp. Tiếp tục thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, với những tiêu chí mới. 

(1) http://tongdieutradanso.vn/cong-bo-ket-qua-tong-dieu-tra-dan-so-2019.html
(2) Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, Chương trình xây dựng nông thôn mới sau 10 năm thực hiện (2010-2020), đã đạt kết quả to lớn, toàn diện và mang tính lịch sử. Chương trình đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới so với mục tiêu; đến tháng 7-2021, cả nước đã có 64,6% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới; có 194 đơn vị cấp huyện (chiếm 29%) thuộc 51 tỉnh, thành phố đạt chuẩn NTM; có 12 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn Nông thôn mới; 4 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. (Nguồn: https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2021/09/xay-dung-nong-thon-moi-dat-ket-qua-to-lon-toan-dien-va-mang-tinh-lich-su)
(3) Năm 2021, mặc dù do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid, song xuất khẩu nông sản của Việt Nam vẫn đạt con số kỉ lục 48,6 tỷ USD
(4) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T1, tr.61-62
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H, 2021, T1, tr 124-125
(6) baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Chinh-phu-quyet-liet-linh-hoat-sang-tao-trong-thuc-hien-nhiem-vu/457990.vgp
(7) Hiện nay, các nguồn cam kết cung cấp vaccine cho Việt Nam đã đạt hơn 200 triệu liều, đồng thời công tác nghiên cứu, hợp tác phát triển vaccine, thuốc chữa bệnh và sinh phẩm y tế ở trong nước tiến triển tốt.  
(8) Theo: baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Bo-truong-Bo-Y-te-Phong-chong-dich-COVID19-la-nhiem-vu-uu-tien-hang-dau/458059.vgp
(9) Hiện nay, trên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh có hàng ngàn xe tải, chủ yếu là chở hàng nông sản, trị giá khoảng 4000 tỉ đồng đang bị ách tắc, chưa được thông quan sang Trung Quốc.
(10) Hiện Việt Nam có quan hệ với 189 nước và vùng lãnh thổ, 220 thị trường ngoài nước, trong đó có Hiệp định đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVAFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). 
(11)  Đến cuối năm 2021, cả nước có 2200 HTXNN ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất.

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác