Thảo luận

Thực trạng và giải pháp phát triển đảng viên là nông dân trong tình hình mới

(Tapchinongthonmoi) - Trong giai đoạn 2010-2020, các cấp Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu hội viên ưu tú cho các chi bộ đảng xem xét và kết nạp mới trên 254.830 đảng viên là hội viên, chất lượng và số lượng đảng viên kết nạp hàng năm đều tăng. Tổng số đảng viên là hội viên nông dân trên cả nước đến năm 2020 là 761.635 đảng viên (chiếm 7,47% so với tổng số hội viên nông dân).

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; các cấp Hội Nông dân Việt Nam đã thực hiện tốt công tác bồi dưỡng, giáo dục, phát hiện, lựa chọn hội viên nông dân tiêu biểu để giới thiệu cho các chi bộ đảng xem xét, kết nạp đảng viên mới, đó là một trong những tiêu chí để xét, đánh giá xếp loại tổ chức Hội hàng năm đối với các cấp Hội. 

Đồng chí Nguyễn Đoàn Văn Khoa, Bí thư Chi bộ Ấp 3 trực thuộc Đảng bộ xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh) trao quyết định kết nạp Đảng cho hội viên nông dân ưu tú Đào Bá Phước.

Phát triển đảng viên mới từ nông dân được chú trọng

Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức Hội ở cơ sở nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, các cấp Hội đã thường xuyên quan tâm rèn luyện, bồi dưỡng hội viên nông dân thông qua các phong trào thi đua, các hoạt động công tác Hội để phát hiện, lựa chọn, giới thiệu hội viên nông dân ưu tú cho các chi bộ Đảng xem xét, kết nạp. Kết quả trong 10 năm (2010 - 2020), các cấp Hội đã phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu hội viên ưu tú cho các chi bộ đảng xem xét và kết nạp mới trên 254.830 đảng viên là hội viên, chất lượng và số lượng đảng viên kết nạp hàng năm đều tăng. Tổng số đảng viên là hội viên nông dân trên cả nước đến năm 2020 là 761.635 đảng viên, chiếm 7,47% so với tổng số hội viên. Trong đó: trên 187 nghìn đảng viên nữ; trên 75 nghìn đảng viên đang sinh hoạt tại các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp; gần 67 nghìn đảng viên đang sinh hoạt trong các Hợp tác xã, Tổ hợp tác; gần 189 nghìn đảng viên là đồng bào các dân tộc thiểu số; trên 188 nghìn đảng viên là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp;  trên 75. nghìn đảng viên trẻ (tuổi từ 18 - 30). 

Đặc biệt, đảng viên ở khu vực nông thôn thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 59- CT/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động Hội NDVN trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, đã tích cực tham gia sinh hoạt tại các chi hội nông dân. Trong đó có trên 243 nghìn đảng viên đang công tác và gần 144 nghìn đảng viên đã nghỉ hưu là hội viên nông dân đã tích tham gia sinh hoạt tại các chi hội nông dân và có nhiều đóng góp cho công tác Hội và phong trào nông dân, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Công tác quản lý hội viên nông dân là đảng viên ngày càng chặt chẽ, nền nếp thông qua sổ sách và phần mềm điện tử, 100% cơ sở hội, chi hội có sổ sách để theo dõi, thường xuyên nắm bắt, tổng hợp tình hình hội viên trên địa bàn để nắm bắt số lượng hội viên nông dân, số lượng hội viên nông dân là đảng viên, số lượng hội viên tăng, giảm, hội viên đi làm ăn xa để có biện pháp quản lý hội viên. 

Đảng viên là nông dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, nghị quyết của Hội NDVN, nêu gương về phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, gương mẫu trong xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, luôn đi đầu trong thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú; là lực lượng tiên phong, gương mẫu trong thực hiện các quy định, hương ước, quy ước của địa phương. Các đảng viên là nông dân cũng là những người tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước của Hội và địa phương phát động, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đảng viên là hội viên nông dân cũng là những người tích cực tham gia vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp, nông thôn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Ở các địa phương có nhiều tấm gương hội viên nông dân là đảng viên tiêu biểu..

Bên cạnh những kết quả đạt được trong phát triển đảng viên là nông dân cũng còn một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế: Tỷ lệ quần chúng ưu tú là hội viên, nông dân được kết nạp vào Đảng còn thấp, chưa đồng đều, chưa tương xứng với số lượng hội viên, nông dân trong cả nước. Số đảng viên là nông dân trẻ vì điều kiện kinh tế phải đi làm ăn xa nên việc tham gia sinh hoạt ở địa phương bị gián đoạn, có trường hợp xin miễn sinh hoạt hoặc không tham gia sinh hoạt, vi phạm Điều lệ Đảng. Lao động trẻ ở nông thôn có xu hướng tìm việc làm tại các thành phố lớn, các khu công nghiệp, ít tham gia sinh hoạt ở địa phương nên việc tạo nguồn, bồi dưỡng, giới thiệu nông dân ưu tú cho Đảng để xem xét, kết nạp gặp nhiều khó khăn. 

Đến nay, cả nước có khoảng 55.000 đảng viên là hội viên nông dân tham gia các chi hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hội Nông dân nghề nghiệp và có khoảng 66.000 đảng viên là hội viên nông dân tham gia các hợp tác xã, tổ hợp tác đang sinh hoạt tại các chi bộ theo thôn xóm, bản làng. Hầu hết số đảng viên trên gặp khó khăn trong sinh hoạt chi bộ theo mô hình hiện nay. Vấn đề đặt ra cần có tổ chức đảng trong các chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên sinh hoạt.

Đồng chí Quàng Văn Thóc - Bí thư Chi bộ 7 Nà Cà (xã Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) trao quyết định kết nạp đảng viên cho hội viên nông dân Lò Văn Biên. Ảnh tư liệu

Đề xuất 4 nhóm giải pháp phát triển đảng viên là nông dân

Xuất phát từ tình hình thực trạng phát triển đảng viên là nông dân, xin đề xuất một số giải pháp phát triển đảng viên là nông dân trong thời gian tới:

Thứ nhất là, tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống cho hội viên nông dân, chủ động nắm tình hình, kịp thời định hướng cho nông nông dân trước những vấn đề phát sinh; khơi dậy truyền thống yêu nước, nếp sống văn hóa, văn minh, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của nông dân; thường xuyên biểu dương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong các phong trào thi đua yêu nước, phổ biến những mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả và phát triển bền vững, những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo để nhân rộng trong nông dân.

Chú trọng tạo nguồn phát triển đảng viên mới từ các đối tượng là chi hội trưởng, chi hội phó, tổ trưởng tổ hội, chi hội trưởng, tổ trưởng tổ hội Nông dân nghề nghiệp, giám đốc các hợp tác xã, tổ trưởng tổ hợp tác, hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, thanh niên, trí thức trẻ khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp…, chủ động đổi mới các nội dung, hình thức hoạt động và phương pháp tập hợp hội viên nông dân nhằm phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét kết nạp.

Thứ hai là, tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ Năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường củng cố xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới. Tích cực phát hiện, bồi dưỡng hội viên ưu tú giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức tập hợp nông dân, thu hút và phát triển hội viên nông dân thông qua các phong trào, các chương trình hoạt động của Hội như: Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và bảo vệ môi trường; các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả trong nông nghiệp, nông thôn; vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp… Qua đó, thu hút hội viên tích cực tham gia, đồng thời là môi trường để phát hiện các quần chúng ưu tú, có lý tưởng cách mạng để bồi dưỡng giới thiệu cho các chi bộ Đảng xem xét, kết nạp. 

Thứ ba là, nâng cao chất lượng đảng viên là nông dân, chú trọng công tác bồi dưỡng lý luận chính trị cho đảng viên là nông dân qua các lớp nhận thức về Đảng, phổ biến, quán triệt nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và các cấp Hội NDVN, các cuộc thi tìm hiểu về Đảng, về tổ chức Hội, qua các buổi sinh hoạt chi hội nông dân. Quán triệt tinh thần hội viên là đảng viên phải nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, nêu gương về phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, gương mẫu trong xây dựng gia đình, trong sản xuất, kinh doanh, tích cực tham gia các hoạt động của Hội, các phong trào thi đua yêu nước do Hội phát động; thực hiện tốt quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm, ngăn ngừa những biểu hiện suy thoái, tiêu cực; giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, kỷ luật của Hội. Thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 28- CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng và Quy định số 132- QĐ/TW ngày 8/3/2018 của Bộ Chính trị về việc kiểm điểm và đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tập thể, cá nhân trong hệ thống chính trị. Hàng năm, các chi bộ tổ chức tốt việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đánh giá cán bộ, đảng viên đảm bảo thực chất; đồng thời, rà soát, sàng lọc và đề nghị đưa những cán bộ, đảng viên không đủ tư cách, phẩm chất, năng lực yếu ra khỏi Đảng và tổ chức Hội, tạo niềm tin của đảng viên và hội viên nông dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Định kỳ sơ, tổng kết, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong đó chú trọng tuyên dương những mô hình đảng viên là nông dân làm kinh tế giỏi, đảng viên trẻ khởi nghiệp ở nông thôn, đảng viên ở nông thôn có đóng góp tích cực cho công tác Hội và phong trào nông dân, tham gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa phương để tuyên truyền, nhân rộng.

Thứ tư là, xây dựng, củng cố tổ chức Hội Nông dân Việt Nam ngày càng trong sạch, vững mạnh để tập hợp, đoàn kết, bồi dưỡng, phát hiện hội viên ưu tú, tạo nguồn để giới thiệu phát triển  đảng. Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh và tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác nông vận, vận động hội viên, nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Đồng thời, tăng cường công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy dân chủ, sức sáng tạo, khả năng liên kết, hợp tác của hội viên, nông dân; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên, nông dân. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội NDVN có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ, năng lực, luôn dựa vào nông dân và vì nông dân để vận động nông dân nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ. Phát triển và nâng cao chất lượng hội viên, phấn đấu hình thành thế hệ người nông dân mới có năng lực quản lý và kỹ năng sản xuất chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, thực hiện ngày càng tốt vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Từ thực tiễn trong công tác phát triển đảng viên là nông dân, xin đề xuất một số nội dung sau: (1). Đề nghị Trung ương Đảng nghiên cứu ban hành Nghị quyết chuyên đề về công tác phát triển, quản lý đảng viên ở nông thôn để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong công tác tạo nguồn phát triển đảng và quản lý đảng viên ở nông thôn hiện nay. (2) Đề nghị các cấp ủy đảng quan tâm tạo nguồn phát triển đảng viên mới là hội viên, nông dân; giao chỉ tiêu cụ thể phát triển đảng viên là hội viên nông dân. Quan tâm tạo điều kiện, hướng dẫn thành lập tổ chức đảng trong các chi hội Nông dân nghề nghiệp, tổ hội Nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để tạo điều kiện cho đảng viên tham gia sinh hoạt đảng và lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác