Hạt điều Việt Nam xuất hiện ngày càng nhiều trên kệ hàng các hệ thống phân phối thế giới
Khoảng 350 đại biểu đến từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thuộc các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh điều thô, xuất nhập khẩu điều thô và điều nhân, chế tạo máy móc thiết bị phục vụ ngành điều đã đến tham dự hội nghị quốc tế về ngành điều tại Việt Nam năm nay.
Ông Phạm Văn Công, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết: Hội nghị Điều quốc tế là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của ngành điều Việt Nam. Tại đây, các chuyên gia, doanh nghiệp ngành điều Việt Nam cùng cộng đồng các nhà chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại... điều nguyên liệu, điều nhân quốc tế cùng nhau trao đổi, thảo luận nhiều thông tin, phân tích, đánh giá, nhận định, đề xuất những giải pháp, sáng kiến giúp ngành điều Việt Nam và thế giới phát triển ổn định, bền vững.
Năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng, giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm cả về sản lượng và giá trị là do tình trạng lạm phát cao trên toàn cầu, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua các mặt hàng không thiết yếu, trong đó có hạt điều. Mặt khác, việc các ngân hàng Trung ương tăng lãi suất lên cao khiến các nhà nhập khẩu không còn khả năng mua hạt điều với khối lượng lớn để dự trữ…
Dự báo, năm 2023, hoạt động sản xuất, chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu và ở Việt Nam tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, Vinacas chủ trương “giảm lượng, tăng chất" với chỉ tiêu doanh số xuất khẩu điều nhân ở mức 3,1 tỷ USD, tăng nhẹ 30 triệu USD so với năm 2022.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ: Năm 2023, ngành điều được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Thời gian qua, ngành điều đã có nhiều doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu riêng, hiện diện ngày càng nhiều trên kệ hàng các hệ thống phân phối thế giới.
Tuy nhiên, trong xu hướng nhu cầu, thị hiếu người dùng thay đổi nhanh chóng, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thương mại điện tử để mở rộng thị trường. Hiệp hội cần có chiến lược xây dựng thương hiệu điều một cách bài bản, khẳng định vị thế số 1 của hạt điều Việt Nam.
Khi các thị trường quan trọng ngày càng ưu tiên các sản phẩm được sản xuất xanh, đề cao việc bảo vệ môi trường, ngành điều cần tiên phong trong thực hành sản xuất, kinh doanh xanh. Trong vòng 5 năm tới, nếu không chuyển đổi sản xuất xanh thì hạt điều Việt Nam khó đi thị trường cao cấp dù sản lượng đứng đầu thế giới”.
Theo ông Bob Bauer, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Thực phẩm Mỹ (AFI) cho biết: "An toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc luôn là vấn đề quan tâm hàng đầu ở Mỹ. AFI thường xuyên mua hàng của Việt Nam nên AFI có trách nhiệm thông báo cho đối tác Việt Nam chuẩn bị đầy đủ thông tin cần thiết. Việt Nam vẫn đang gửi hàng sang Mỹ, các bạn không tự mãn trong việc đáp ứng các yêu cầu của nhà thu mua. Điều đó là cần thiết để hạt điều Việt Nam tiếp tục vươn mình ra phía trước".