Xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thiết thực, hiệu quả để Nghị quyết nhanh chóng đi vào thực tiễn
Hội nghị được tổ chức trực tiếp tại điểm cầu Trung ương (Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội) và kết nối trực tuyến với 11.661 điểm cầu cấp huyện, cấp xã trên toàn quốc, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội… và hơn một triệu cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập.
Tại điểm cầu cơ quan T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, tham dự Hội nghị trực tuyến có đồng chí Đinh Khắc Đính – Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cùng toàn thể cán bộ, đảng viên trong cơ quan.
Hội nghị nhằm nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai các nội dung văn kiện Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tới cấp ủy các cấp, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở đó, định hướng cấp ủy các cấp, các ban, bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và nhân dân; xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các Nghị quyết, quyết định của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, góp phần đưa Nghị quyết Hội nghị nhanh chóng đi vào thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.
Tại Hội nghị, cán bộ, đảng viên sẽ được nghiên cứu học tập về 4 chuyên đề cụ thể như: Chuyên đề 1: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” do đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước CHXH Chủ nghĩa Việt Nam truyền đạt; Chuyên đề 2: “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế T.Ư truyền đạt; Chuyên đề 3: “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” do đồng chí Lê Minh Khái – Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt; Chuyên đề 4: “Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới” do đồng chí Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư truyền đạt.
Trong sáng 21/7, quán triệt về Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị T.Ư 6 khóa XI về “tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để để năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghệp theo hướng hiện đại” đã đạt được những kết quả quan trọng: Chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn; Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được thực hiện theo hướng tiếp cận tổng hợp, liên ngành và trở thành công cụ quan trọng để Nhà nước thống nhất quản lý, phân bổ và sử dụng đất đai; Nguồn lực đất đai được khai thác, sử dụng hiệu quả hơn cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường;…
Tuy nhiên, do chủ trương chưa đồng nhất nên hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Nguyên nhân là do quản lý và sử dụng đất có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến đời sống của mọi tầng lớp nhân dân; chưa có sự thống nhất cao về nhận thức đối với một số vấn đề liên quan đế quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; những hạn chế bấp cập trong chính sách, pháp luật về đất đai, sự chồng chéo, chưa thống nhất giữa Luật Đất đai với thực hiện; Việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai còn chậm, chưa đầy đủ, chưa nghiêm; việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cao về đất đai….
Quản lý và sử dụng đất đai là vấn đề rất phức tạp và nhạy cảm, có sức ảnh hưởng đến hiện tại, tương lai, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đề ra mục tiêu tổng quát hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nguồn lực đất đai cần được tiếp tục quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, đạt hiệu quả cao nhất nhằm đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất; hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông. Hoàn thành kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp, kèm theo cơ chế kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Đồng thời giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với sản xuất và xây dựng kinh tế; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời khỏi trung tâm các đô thị lớn; đất lấn biển; đất tôn giáo; đất nghĩa trang; đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.
Quán triệt về Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đồng chí Trần Tuấn Anh đã nêu: Nghị quyết khẳng định, nông nghiệp, nông dân, nông thôn là ba thành tố có quan hệ mật thiết, gắn bó, không thể tách rời; có vai trò, vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nguồn lực của đất nước phải tiếp tục ưu tiên đầu tư, đảm bảo phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng miền, địa phương.
Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp Nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn. Và mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; Xây dựng nông dân Việt Nam phát triển toàn diện, văn minh, yêu nước, đoàn kết, tự chủ, tự lực, tự cường, đổi mới, sáng tạo, có ý chí khát vọng xây dựng quê hương đất nước phồn vinh…
Để đạt được những mục tiêu đó, Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến những giải pháp cụ thể như: Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn; Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng; Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; Xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa; Hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn…
Chiều 21/7, đồng chí Lê Minh Khái tiếp tục quán triệt các nội dung của Nghị quyết số 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Trong đó khẳng định rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước: Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Việc phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững…
Chính vì vậy, Nghị quyết cũng nhấn mạnh về vấn đề nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể; Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chinh trị - xã hội, xã hội – nghề nghiệp và Liên minh HTX Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thế.
Ngày 22/7, cán bộ, đảng viên tiếp tục được nghe đồng chí Trương Thị Mai truyền đạt về Nghị quyết số 21-NQ/TW về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới”.