Nhà nông cần biết

Tiêu độc khử trùng – biện pháp quan trọng trong phòng chống dịch bệnh gia súc

Bùi Ánh - 08:15 13/10/2023 GMT+7
Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của tỉnh ban hành kế hoạch tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Cấp 10.000 lít hóa chất để các huyện, thành, thị triển khai khử trùng tiêu độc, tiêu diệt mầm bệnh.

Chủ động tiêu độc khử trùng giảm thiểu thiệt hại

Nghệ An là tỉnh có địa bàn rộng, khí hậu khắc nghiệt, mưa lũ, hạn hán xảy ra thường xuyên; tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhưng chủ yếu chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ. Trong năm 2023, xảy ra nhiều ổ Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), cúm gia cầm (CGC), dại động vật,…

Nguy cơ thời gian tới, dịch bệnh diễn biến phức tạp, có khả năng lây lan ra diện rộng do: Mầm bệnh vẫn lưu hành rộng rãi trong môi trường chăn nuôi và trong cơ thể vật nuôi, động vật mang trùng thường xuyên bài thải mầm bệnh ra ngoài môi trường; Công tác khử trùng tiêu độc chưa được chính quyền địa phương và người chăn nuôi quan tâm, thực hiện thường xuyên; lưu lượng vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật lớn.

Đặc biệt, đợt mưa lũ cuối tháng 9 vừa qua là điều kiện khá thuận lợi để dịch bệnh phát triển và lây lan trên diện rộng theo dòng nước tràn ra nhiều nơi. Do vậy, vấn đề tiêu độc khử trùng hậu mưa lũ và chăm sóc sức khỏe cho đàn vật nuôi sau lũ lụt là hết sức cấp thiết.

Tiêu độc khử trùng trong môi trường chăn nuôi góp phần đảm bảo cho đàn vật nuôi 

Trước tình hình đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đã tham mưu Sở Nông nghiệp ban hành kế hoạch tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Cấp 10.000 lít hóa chất để các huyện triển khai khử trùng tiêu độc, tiêu diệt mầm bệnh. Đồng thời, tham mưu một số văn bản quan trọng cho UBND tỉnh trong vấn đề đảm bảo an toàn về dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn 21 huyện, thành, thị.

Hàng năm, các loại dịch bệnh: tụ huyết trùng, nhiệt thán, lở mồm long móng, tai xanh… vẫn còn xuất hiện trên đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An gây thiệt hại cho ngành Chăn nuôi cũng như kinh tế của hộ gia đình. Mặc dù đây là loại dịch bệnh dễ nảy sinh và lây lan nhưng nhiều hộ chăn nuôi chưa biết cách khắc phục, vệ sinh chuồng trại dẫn đến tình trạng lây lan dịch bệnh có chiều hướng diễn biến nhanh hơn.

Do đó, việc tập trung phun tiêu độc khử trùng tại các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng có nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, các ổ dịch cũ và ổ dịch mới xuất hiện, những vùng mưa lũ bị ngập nhằm chủ động thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, tiêu diệt các mầm bệnh trong môi trường.

Nâng cao ý thức vệ sinh tiêu độc khử trùng cho người chăn nuôi

Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng đầu mùa mưa bão được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai để chủ động ngăn chặn dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng, đe dọa tính mạng người dân và gây tổn thất kinh tế cho ngành chăn nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại huyện Quỳ Hợp

Từ kế hoạch số 3667/KH-SNN.CNTY ngày 22/9/2023 về triển khai khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An từ ngày 1/10 đến 30/10. Các huyện, thành, thị đã thực hiện nghiêm túc nhằm đảm bảo môi trường, hạn chế rủi ro do dịch bệnh mang lại trong chăn nuôi.

Riêng trên địa bàn huyện Quỳ Châu là huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt cuối tháng 9 vừa qua, trước khi mùa mưa bão về dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại bản Mưn, xã Châu Nga vào ngày 18/9. Do đó, công tác tiêu độc khử trùng phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ được đặc biệt quan tâm. Huyện Quỳ Châu đã có kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 29/9/2023 về triển khai tiêu độc khử trùng trong môi trường chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ trên địa bàn huyện đợt 1.

Một trong những biện pháp phổ biến được tuyên truyền cho các hộ chăn nuôi: Thực hiện vệ sinh sạch sẽ, thu gom, xử lý chất thải, chất độn chuồng bằng cách đốt, chôn sâu hoặc ủ bằng phương pháp nhiệt sinh học để tiêu diệt mầm bệnh; Người tham gia tiêu độc khử trùng phải mang bảo hộ lao động; Sử dụng hoá chất theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đảm bảo sức khoẻ cho người, động vật và không gây ô nhiễm môi trường; Đối với các xã đang tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm vụ Thu năm 2023 thì tiến hành khử trùng ngay sau khi tiêm phòng.

Ông Vi Văn Tuân ở bản Na Pùa, xã Châu Nga  tâm sự: “Mỗi năm, các hộ chăn nuôi trong bản được phun thuốc tiêu độc khử trùng 2 lần. Sau khi phun thuốc, ruồi, muỗi, ve, dĩn giảm hẳn. Chúng tôi cũng được tuyên truyền về việc phát quang bụi rậm quanh nhà và thu dọn chuồng thường xuyên để giảm dịch bệnh trên gia súc. Không chỉ ở nhà, các khu vực giết mổ, bày bán gia súc cũng được phun thuốc để phòng ngừa dịch bệnh”

Tập huấn công tác phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt lên hàng đầu

Qua trao đổi, ông Nguyễn Viết Lương - Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết: "Để đảm bảo về môi trường trong chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý đã tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về tính chất, nguy cơ phát sinh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, thường xuyên tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi để tiêu diệu mầm bệnh, ký chủ trung gian gây bệnh, hướng dẫn người nuôi áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học. Đặc biệt, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Kịp thời giám sát, phát hiện và xử lý các ổ dịch phát sinh trong diện hẹp. Thành lập các đoàn kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn công tác tiêm phòng, phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong mùa mưa bão, đói rét; Hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch bệnh; dự trữ thức ăn để đảm bảo đủ thức ăn trong những ngày mưa, lụt, rét đậm, rét hại…”

Tin cùng chuyên mục
Tin khác