Tìm chỗ đứng cho nông sản Việt ở thị trường Saudi Arabia
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Đại sứ Việt Nam tại Saudi Arabia Đặng Xuân Dũng khẳng định các hoạt động ngoại giao kinh tế tại địa bàn đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước.
Đại sứ Đặng Xuân Dũng cho biết thời gian qua, Đại sứ quán đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của Việt Nam tại nhiều địa phương của Saudi Arabia, đồng thời vạch ra các kế hoạch cụ thể và có tính khả thi cao để phát huy thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam.
Đại sứ quán đã khai trương phòng trưng bày giới thiệu các sản phẩm xuất khẩu Việt Nam, bao gồm hàng may mặc, ngũ cốc, bánh kẹo, hàng nông sản các loại, hoa quả sấy, nước hoa quả, sữa, càphê, đồ uống, gỗ lát sàn, vật liệu xây dựng, thiết bị y tế, khẩu trang, máy lọc nước, hàng gia dụng, than củi, trầm hương; đồng thời mời các doanh nghiệp sở tại thông qua các phòng thương mại, các tổ chức, các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp Saudi Arabia đến tham quan, tìm hiểu sản phẩm.
Đại sứ quán cũng đã kết nối trực tuyến các doanh nghiệp hai nước để hai bên liên hệ và trao đổi thông tin về hàng hóa cũng như nhu cầu của nhau.
Tính đến nay, số hàng mẫu đã được đưa đi trưng bày tại 7/13 vùng của Saudi Arabia, bao gồm Riyadh, Jeddah, Dammam, Tabuk, Al Jouf, Al Kharj, Qassim. Thời gian tới, Đại sứ quán sẽ đưa số hàng mẫu này đi trưng bày và giới thiệu tại các nước kiêm nhiệm.
Theo Đại sứ Đặng Xuân Dũng, để tạo điều kiện cho mặt hàng thủy sản Việt Nam tiếp cận thị trường Saudi Arabia, Đại sứ quán đã tích cực vận động và thuyết phục Tổng cục Thực phẩm và Dược phẩm Saudi Arabia chính thức dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thủy sản của Việt Nam.
Kết quả, từ tháng 8/2020 đến nay đã có 38 doanh nghiệp thủy sản đánh bắt tự nhiên của Việt Nam được cấp phép xuất khẩu hàng thủy sản vào thị trường Saudi Arabia.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Saudi Arabia trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại sứ quán cũng chủ động cung cấp thông tin kết nối doanh nghiệp tới Hội đồng Các phòng thương mại và công nghiệp Saudi Arabia, các phòng thương mại và công nghiệp địa phương như Riyadh, Dammam, Jeddah...
Đại sứ quán cập nhật và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp trong nước về tình hình kinh tế cũng như các chính sách thuế và thương mại của nước sở tại và các địa bàn kiêm nhiệm; tích cực tổ chức các diễn đàn thương mại, đầu tư cũng như các cuộc tọa đàm doanh nghiệp tại các tỉnh và thành phố của Saudi Arabia, qua đó tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm hiểu thông tin về thị trường cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh.
Đại sứ quán cũng đã phối hợp với chuỗi siêu thị Lulu và đại sứ quán các nước ASEAN tổ chức thường niên tuần lễ "Amazing ASEAN: Discover the Flavour of Asia" để giới thiệu thực phẩm và hàng tiêu dùng của Việt Nam và các nước ASEAN khác tại thị trường Saudi Arabia.
Đại sứ quán đã biên soạn và phát hành hai phiên bản sách "Virtual Book of Introductory Products for export from Vietnam" và gửi tới các doanh nghiệp bạn thông qua các phòng thương mại và công nghiệp địa phương nhằm quảng bá các sản phẩm của Việt Nam.
Đến nay khá nhiều doanh nghiệp Saudi Arabia quan tâm đến hàng hóa của Việt Nam, nhất là các sản phẩm nông sản và thực phẩm, giữa lúc quốc gia Trung Đông đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung để đảm bảo an ninh lương thực trong nước.
Một số nhà đầu tư Saudi Arabia cũng quan tâm đến các dự án của Việt Nam trong các lĩnh vực chế biến thực phẩm, nông sản, dệt may vốn là thế mạnh của ta.
Đại sứ cho rằng với những thế mạnh của mình, Việt Nam cần và có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản (gạo, hạt điều, chè, hạt tiêu, càphê, cá đông lạnh, cá hộp), thực phẩm (theo tiêu chuẩn Halal), vật liệu xây dựng, sản phẩm trang trí nội thất, than củi, trầm hương, hàng may mặc... vào thị trường quốc gia Trung Đông này.
Thị trường Saudi Arabia hiện cũng quan tâm đến một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như vật tư y tế và sản phẩm thủ công truyền thống...
Thời gian tới, Đại sứ quán sẽ tiếp tục hoạt động quảng bá sản phẩm của Việt Nam và tăng cường kết nối cộng đồng doanh nghiệp hai nước; vận động các nhà đầu tư tiềm năng của Saudi Arabia tham gia các dự án của Việt Nam; hỗ trợ và tổ chức các đoàn xúc tiến thương mại từ trong nước sang khảo sát thị trường, tìm kiếm đối tác tại Saudi Arabia cũng như các đoàn từ nước bạn vào Việt Nam để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác ngoại giao kinh tế tại một quốc gia Hồi giáo, có ít giao thương với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến các thị trường toàn cầu, Đại sứ quán đã gặp không ít khó khăn, như phí vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Saudi Arabia cao hơn so với các thị trường khác cũng như sự khác biệt về văn hóa, tập quán kinh doanh và ngôn ngữ.
Khó khăn dễ nhận thấy nhất là doanh nghiệp hai nước chưa thực sự quan tâm đến nhau và chưa hiểu biết về nhau, còn nhiều hạn chế trong việc tìm hiểu và chia sẻ thông tin về hàng hóa cũng như nhu cầu của nhau.
Saudi Arabia là quốc gia có diện tích sa mạc rất lớn và khí hậu không thuận lợi để phát triển ngành nông nghiệp. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, các sản phẩm nông sản của Việt Nam cần phải đạt tiêu chuẩn Halal cũng như phải đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng khi thâm nhập thị trường Saudi Arabia./.
Theo TTXVN/Vietnam+