Tìm hướng đột phá để phát triển từ sản phẩm OCOP
Bước chuyển từ kinh tế nông thôn
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Thuận, khi mới triển khai, nhận thức về ý nghĩa của Chương trình OCOP của đại bộ phận cán bộ, doanh nghiệp, các hộ sản xuất còn hạn chế, nhưng đến nay có chuyển biến tích cực.
Dù mới được triển khai thực hiện từ năm 2019, nhưng Chương trình OCOP của tỉnh Ninh Thuận bước đầu đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất và kinh doanh mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh, đặc biệt khu vực nông thôn. Chủ thể sản xuất, kinh doanh đã được tập huấn đào tạo kiến thức về tổ chức sản xuất, kế hoạch phát triển sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, công bố chất lượng sản phẩm và xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Đặc biệt, tác động lan tỏa Chương trình OCOP ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như: Giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường; phát huy nguồn lực cộng đồng về tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống của cư dân nông thôn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã và Chương trình OCOP tỉnh, trong năm 2020 các ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP từ cấp tỉnh đến cấp xã; áp dụng đồng bộ các chính sách để thực hiện hiệu quả Chương trình. Kết quả về số lượng sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2020 là 69 sản phẩm; trong đó, 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao, 10 sản phẩm đạt 4 sao và 51 sản phẩm đạt 3 sao.
Có thể nói, Chương trình OCOP đã tác động tích cực đến việc phát triển các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, công tác ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới góp phần nâng cao chất lượng, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp; công tác xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu được quan tâm; loại hình kinh tế hợp tác xã làm ăn có hiệu quả làm cơ sở nhân rộng trong thời gian tới; hình thành và phát triển liên kết hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các chủ thể tham gia Chương trình OCOP tiếp cận được các chính sách hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, hội chợ trong và ngoài tỉnh để quảng bá và phát triển sản phẩm ngày càng tốt hơn.
Gắn OCOP với du lịch dịch vụ
Xác định hoạt động du lịch muốn phát triển thì cần có sản phẩm đặc trưng và sản phẩm OCOP muốn vươn xa phải gắn kết với du lịch. Với định hướng đó, Ninh Thuận đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực cũng như hỗ trợ, đầu tư thúc đẩy phát triển hoạt động du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng thông qua các mô hình hoạt động của các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất tại các địa phương.
Theo ông Đặng Kim Cương, việc gắn kết sản phẩm OCOP với các hoạt động du lịch là một trong những hướng phát triển đang được tỉnh đẩy mạnh triển khai. Các sản phẩm OCOP góp phần làm phong phú cho các chương trình du lịch, tạo nên những sản phẩm du lịch mới thu hút du khách. Đồng thời, thông qua hoạt động du lịch giúp quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh được vươn xa, góp phần tiêu thụ và nâng cao giá trị cho các sản phẩm đặc thù của địa phương.
Ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) chia sẻ, nhờ đáp ứng các tiêu chí sản xuất, sản phẩm nho ăn tươi NH01-152 của HTX được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020. Bên cạnh đó, HTX còn có 7 sản phẩm khác đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. “Các sản phẩm được xếp hạng OCOP đã góp phần khẳng định giá trị sản xuất, tạo động lực cho HTX đẩy mạnh sản xuất, quảng bá để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giúp du khách có thêm nhiều sự lựa chọn sản phẩm khi tới du lịch tại làng nho Thái An”, ông Phòng chia sẻ thêm.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch bền vững, tỉnh Ninh Thuận tăng cường huy động các nguồn lực hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cùng tham gia đầu tư, phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị sản xuất, nâng cấp dịch vụ du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và du khách.
Cụ thể, các đơn vị sản xuất công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm OCOP, kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng câu chuyện sản phẩm gắn với lịch sử, văn hóa bản địa, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP. Đồng thời, ngành chức năng của tỉnh tăng cường quản lý chất lượng sản phẩm OCOP từ khâu sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ.
Hỗ trợ phát triển chiều sâu
Để thúc đẩy Chương trình OCOP, tỉnh Ninh Thuận tiếp tục nâng hạng các sản phẩm OCOP đã được công nhận. Đồng thời, tỉnh đầu tư hơn 6,1 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển thêm từ 20-30 sản phẩm mới đạt chứng nhận OCOP. Trong đó, có thêm từ 2-5 sản phẩm tiềm năng 5 sao, từ 1-2 sản phẩm đạt 5 sao OCOP Quốc gia, từ 1-2 sản phẩm tiềm năng chăn nuôi đạt chuẩn OCOP từ 3-4 sao.
Theo ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, nhằm đưa Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, tỉnh tăng cường hỗ trợ các HTX, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP. Cụ thể là, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị sản xuất; phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu; đào tạo phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP và đặc thù. Từ đó, đưa các sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại, các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, các sàn giao dịch thương mại điện tử để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trong thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương lồng ghép và triển khai kịp thời các cơ chế, chính sách ưu đãi, huy động nguồn lực gắn kết Chương trình OCOP với các chương trình, dự án khác. Từ đó, hỗ trợ các chủ thể sản xuất kinh doanh nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất, hoàn thiện, nâng cấp sản phẩm dịch vụ đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.