TP. Cần Thơ: Tập trung sản xuất nông nghiệp theo hướng xanh và sạch
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp ở TP. Cần Thơ đã có sự chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế gắn với định hướng tăng trưởng xanh bền vững và tích hợp đa giá trị. Với sự hỗ trợ tích cực của ngành chức năng, nông dân đã từng bước hiện đại hóa sản xuất, chủ động làm chủ các công nghệ và nắm bắt xu thế mới để sản xuất đạt hiệu quả cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm đáp ứng tốt các nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, nông dân đã quan tâm liên kết với nhau để thành lập các tổ hợp tác, HTX và tăng cường kết nối với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hình thành các vùng sản xuất nông sản tập trung, thuận lợi trong áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật gắn với chuẩn hóa sản xuất đạt theo VietGAP, GlobalGAP và theo hướng hữu cơ, cũng như tạo chuỗi liên kết bền chặt.
Không chỉ liên kết với nông dân tại địa phương, nhiều doanh nghiệp ở TP. Cần Thơ cũng đã kết nối với nông dân tại nhiều tỉnh ĐBSCL để hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ các loại lúa gạo, rau màu, trái cây theo hướng chất lượng cao và an toàn. Qua đó, nông dân cùng với các đơn vị, doanh nghiệp đã cho ra đời nhiều loại nông sản sạch được sản xuất đạt theo VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn an toàn. Bước đầu, có một số đơn vị, doanh nghiệp cũng đã cho ra đời được một số sản phẩm hữu cơ và sản phẩm được sản xuất theo hướng hữu cơ.
Đáng chú ý là các sản phẩm gạo hữu cơ và gạo sạch, điển hình như các sản phẩm gạo hữu cơ Trung An và gạo sạch Trung An của Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An ở quận Thốt Nốt, sản phẩm gạo sạch Organic MT179 (lúa hữu cơ), gạo sạch CT168 Thiên Nông (lúa mùa truyền thống), gạo sạch Móng Chim CT152, gạo sạch KG102 lúa tôm và Organic Rice (gạo thơm ST25) của Công ty TNHH MTV an toàn lương thực sạch Miền Tây ở quận Cái Răng...
Đến nay, TP. Cần Thơ đã có hơn 1.600ha sản xuất lúa, rau màu, cây ăn trái và nuôi thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn an toàn. TP. Cần Thơ đã xây dựng được hơn 100 chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn, với 272 sản phẩm được xác nhận trong các chuỗi. Trong đó, có 18 chuỗi có giao thương với các địa phương khác và 4 chuỗi đạt chuẩn quốc tế phân phối toàn quốc và xuất khẩu.
Cùng với hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất theo VietGAP và GlobalGAP, thời gian qua ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ cũng tích cực giúp nông dân tại nhiều HTX thực hiện các mô hình trình diễn sản xuất theo hướng hữu cơ, nhất là đối với sản xuất trồng trọt. Cụ thể như thực hiện mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại HTX My Hậu ở huyện Vĩnh Thạnh, mô hình trồng thanh nhãn theo hướng hữu cơ tại HTX Trạng Tí Garden ở huyện Cờ Đỏ...
Ngành Nông nghiệp TP. Cần Thơ đã phối hợp các đơn vị có liên quan hỗ trợ nông dân trong quản lý, khai thác rơm rạ và các phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ gắn với xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp xanh bền vững... Qua các mô hình này đã giúp nông dân tăng cường ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để quản lý tốt các loại dịch hại. Thúc đẩy thực hiện các giải pháp loại bỏ thuốc bảo vệ thực vật hóa học ra khỏi đồng ruộng, thay vào đó tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Đồng thời, tạo điều kiện để nông dân học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó tạo tiền đề và điều kiện thuận lợi để thành phố cho ra đời các sản phẩm hữu cơ.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Cần Thơ cho biết: Để thúc đẩy sản xuất theo hướng nông nghiệp xanh và nông nghiệp sạch, ngành Nông nghiệp đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp và đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể, đối với trồng cây ăn trái, ngành Nông nghiệp đã hỗ trợ nông dân tại các địa phương áp dụng các giải pháp kỹ thuật, tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt và đã xây dựng được trên 200 mã vùng trồng, với diện tích hơn 2.700ha.
Đây là những hạt nhân để lan tỏa giải pháp sản xuất nông nghiệp tốt, đảm bảo tiêu chí, chất lượng, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu cả đối với thị trường khó tính. Trong sản xuất lúa, đã phát triển, nhân rộng các giải pháp “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và tổ chức liên kết sản xuất, hình thành mô hình cánh đồng lớn với quy mô diện tích hơn 30.000ha. Qua đó, tạo các vùng trồng lúa đảm bảo các tiêu chuẩn để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu... Thời gian tới, ngành tiếp tục tập trung mở rộng diện tích thực hiện và hỗ trợ nông dân tháo gỡ các khó khăn trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.