Trái cây nhiệt đới có nhiều cơ hội tiếp cận thị trường EU
Những năm qua, giá trị nhập khẩu các loại hoa quả nhiệt đới ngày càng tăng đã cho thấy sự quan tâm ngày càng nhiều của người tiêu dùng châu Âu (EU). Giá trị nhập khẩu của các mặt hàng vải tươi, chanh dây, khế và thanh long (mã HS 08109020) tăng 40% trong 5 năm qua lên 142 triệu euro vào năm 2019. Các loại trái cây nhiệt đới khác (mã HS 08109075) có mức tăng trưởng 21% và đạt tổng giá trị 202 triệu euro vào năm 2019.
Thông tin từ đại diện Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho thấy, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến trái cây nhập ngoại và hầu hết trái cây được nhập khẩu vào các nước Bắc Âu. Các loại trái cây nhiệt đới đang ngày càng được ưa chuộng tại EU là lựu, chanh dây, cây lý, vải thanh long, chôm chôm và khế. Trong lĩnh vực bán lẻ, trái cây tươi luôn đóng một vai trò quan trọng, nhiều nhà bán lẻ sử dụng các giống cây nhiệt đới để tạo sự khác biệt và làm cho chủng loại trong các gian hàng trở nên hấp dẫn hơn.
“Kể từ khi người tiêu dùng châu Âu đón nhận trái cây ngon và lành mạnh, trái cây nhiệt đới mới tiếp cận thị trường và người tiêu dùng nên hiện vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Thị trường châu Âu mang đến cơ hội cho trái cây nhiệt đới thông thường trong các sản phẩm bán lẻ, cũng như các sản phẩm đặc trưng cho thói quen ẩm thực của từng quốc gia. Tuy nhiên, thời gian để những loại trái cây này tiếp cận vẫn phụ thuộc từng chủng loại cũng như quá trình xúc tiến thương mại, quảng bá tại EU”, đại diện Thương vụ Việt Nam tại EU cho hay.
Theo khuyến cáo của cơ quan thương vụ, đối với các nhà xuất khẩu trái cây nhiệt đới, điều quan trọng là phải có sản phẩm hấp dẫn và có thể cung cấp các sản phẩm chất lượng cao. Trong đó, hương vị là yếu tố quan trọng để trái cây nhiệt đới xuất khẩu thành công cũng như việc quan tâm đến cách người tiêu dùng trải nghiệm sản phẩm là điều rất quan trọng.
Đặc biệt, các nhà xuất khẩu trái cây vào EU phải đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về một sản phẩm lành mạnh, sản phẩm sạch, bền vững và không có thuốc trừ sâu. Trong đó, chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm cùng với bao bì cải tiến và sản phẩm được vận chuyển bằng đường hàng không để tăng thời hạn sử dụng tốt nhất sẽ luôn là lợi thế.
“Với sự cải tiến trong công nghệ xử lý và đóng gói, thời hạn sử dụng sản phẩm đang được kéo dài. Khi chất lượng trái cây luôn được đảm bảo sẽ giúp sản phẩm có thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn, nhất là khi được chuyển từ các kênh phân phối chuyên biệt sang các siêu thị và nhà bán lẻ nói chung”, cơ quan thương vụ nêu rõ.
Đại diện cơ quan thương vụ cũng khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu nên sử dụng các công nghệ bảo quản trái cây, bao gồm máy xục ethylene, máy lọc oxy, bao bì kháng khuẩn và bao bì khí quyển sửa đổi (MAP). Sự phát triển công nghệ của bao bì thông minh đã dẫn đến các giải pháp sáng tạo như NanoPack - dự án do EU tài trợ phát triển các giải pháp đóng gói kháng khuẩn cho thực phẩm dễ hư hỏng, dựa trên vật liệu nano tự nhiên để giảm lãng phí thực phẩm và ngăn ngừa bệnh truyền nhiễm.
Do một số quốc gia châu Mỹ Latinh và châu Á như Colombia và Việt Nam có nguồn cung trái cây nhiệt đới phong phú, vì thế để cạnh tranh trong lĩnh vực buôn bán này, các doanh nghiệp xuất khẩu phải có khả năng cung cấp các sản phẩm chất lượng cao vào các thời điểm cụ thể trong năm, cùng với việc tìm được những người mua quen thuộc với các đặc điểm và phân khúc thị trường riêng của sản phẩm.
“Để tránh thiệt hại cho sức khỏe và môi trường, Liên minh châu Âu đã quy định mức dư lượng tối đa (MRLs) đối với thuốc trừ sâu trong và trên các sản phẩm thực phẩm. Để được phép đưa sản phẩm vào thị trường EU, các nhà xuất khẩu trái cây nhiệt đới phải tuân thủ các yêu cầu chung đối với trái cây tươi và rau quả. Dư lượng thuốc trừ sâu là một trong những vấn đề quan trọng đối với các nhà cung cấp rau quả và nếu các loại trái cây nhiệt đới có chứa nhiều thuốc trừ sâu hơn mức cho phép, hoặc các chất gây ô nhiễm như kim loại nặng sẽ lập tức bị thu hồi khỏi thị trường”, đại diện thương vụ cảnh báo.
Hiện nay, các nhà bán lẻ lớn ở một số quốc gia thành viên EU như Vương quốc Anh, Đức, Hà Lan và Áo, sử dụng MRLs nghiêm ngặt hơn MRL được quy định trong luật EU. Các kênh khác, chẳng hạn như nhà bán buôn và dịch vụ thực phẩm, chú ý nhiều hơn đến hình thức bên ngoài và hương vị của sản phẩm và tuân theo các hướng dẫn chung của EU.
Do vậy, các nhà xuất khẩu cần tìm hiểu các MRL có liên quan đến sản phẩm nhiệt đới bằng cách tham khảo cơ sở dữ liệu MRL của EU. Cùng với đó, trong quá trình sản xuất cần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật bằng cách áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất, vì đây là một chiến lược kiểm soát dịch hại nông nghiệp bao gồm thực hành trồng trọt và quản lý hóa chất.
“Các nhà xuất khẩu cần tuyệt đối tuân theo các quy định về kiểm dịch thực vật. Những sản phẩm trái cây xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trước khi được đưa vào Liên minh châu Âu. Cùng với đó, cần duy trì các tiêu chuẩn chất lượng cao cũng như chú ý đến việc bảo quản sản phẩm an toàn, nguyên vẹn trong quá trình vận chuyển và xếp dỡ để đảm bảo trái cây có tình trạng tốt tại thị trường xuất khẩu”, đại diện thương vụ lưu ý./.
Theo VOV