Trái thanh long Tiền Giang rớt giá, nhà vườn, doanh nghiệp âu sầu
Ông Đinh Văn Tảo, ở ấp Long Hòa, xã Quơn Long cũng như nhiều nhà vườn trồng cây thanh long thương phẩm tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đang âu sầu khi vườn cây đến giai đoạn thu hoạch mà vắng bóng thương lái. Ông Tảo cho biết, đã nhận tiền đặt cọc của thương lái tháng trước là 19.500 đồng/kg, trái thanh long ruột đỏ nhưng giá thị trường nay giảm còn 3.000 đồng đến 4.000 đồng/kg. Vườn thanh long đã chín nhưng thương lái bỏ tiền cọc.
“Thanh long của tôi giờ đang chín hết, rẻ quá. Hiện nay, trái ruột đỏ, ruột trắng cũng giá 3.000 – 4.000 đồng/kg, thương lái không mua. Hàng này là “xông điện”, không đủ tiền phân thuốc, công chăm sóc... Hôm trước tôi nhận tiền cọc nhà kho mà bây giờ họ bỏ không lẽ mình lấy tiền cọc, ai cũng vậy hết”, ông Tảo than thở.
Gần đây khi các cửa khẩu Việt- Trung bị ùn ứ, nhiều loại trái cây ở tỉnh Tiền Giang bị dội hàng, rớt giá thê thảm. Trong đó, đầu ra trái thanh long gặp khó khăn nhất vì gần 80% sản lượng trái cây này xuất sang thị trường Trung Quốc.
Cùng với Long An, tỉnh Tiền Giang có diện tích vườn cây thanh long lớn nhất vùng ĐBSCL với khoảng 10.000 hecta. Vào vụ nghịch như hiện nay, nếu giá thanh long trên 15.000 đồng/kg, nhà vườn mới có lãi.
Với thực tế như hiện nay, tại nhiều vườn thanh long ở huyện Chợ Gạo có nguy cơ phải “neo” trên cây hoặc thu hoạch cho cá, gia súc ăn vì thương lái không thu mua. Không chỉ nhà vườn gặp khó khăn mà thương lái, doanh nghiệp thu mua trái thanh long xuất khẩu sang Trung Quốc đang đứng trước tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, phải mất tiền đặt cọc với nhà vườn, rất nhiều kho sơ chế trái thanh long phải đóng cửa.
Ông Võ Văn Tư Em, chủ cơ sở mua trái thanh long tại xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo cho biết, sau thời gian đóng cửa, cơ sở này mới thu mua trở lại nhưng chỉ đưa đi tiêu thụ tại thị trường Hà Nội để góp phần giúp nhà vườn địa phương giải quyết đầu ra trái cây này đang ế ẩm.
“Nói chung mới đóng hàng lại 2 ngày nay, chưa ra tới Hà Nội. Bây giờ thanh long chín nhiều, giá rẻ quá, khoảng 4.000 – 5.000 đồng/kg. Tôi mua chỉ có số lượng chứ không dám mua nhiều, sợ đầu ra ngoài đó chậm mình mệt. Thương lái vừa rồi lỗ nặng vì ở ngoài đó thanh long dội về bán rẻ quá”, ông Võ Văn Tư Em nói.
Câu chuyện ùn ứ ngay cửa khẩu do phía Trung Quốc chậm nhập khẩu nông sản hay tạm đóng cửa đã là “ điệp khúc” tái diễn thường xuyên. Theo các nhà chuyên môn, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng nông sản, để tránh ùn ứ cửa khẩu Việt - Trung làm cho các mặt hàng trái cây của nước ta dội hàng, rớt giá thì vấn đề nâng cao chất lượng đi đôi với sản lượng phải được quan tâm để mở rộng thị trường xuất khẩu sang các thị trường “khó tính”, không thể tập trung xuất sang thị trường một quốc gia nào. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động chế biến trái cây xuất khẩu, giảm tải xuất khẩu trái cây tươi.
Để làm được điều này, khâu liên kết giữa nhà vườn - doanh nghiệp và nhà khoa học tiếp tục duy trì và nhân rộng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty TNHH chế biến Nông sản Cát Tường tại xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho cho biết, doanh nghiệp có nhiều đối tác ở các thị trường khó tính cần trái thanh long nhưng phải đủ sản lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn “sạch”. Trong khi đó, trái thanh long ở Tiền Giang và khu vực ĐBSCL còn thiếu một số điều kiện cần và đủ này.
“Không phải doanh nghiệp mình không xuất mà vì không có sản lượng, chất lượng trái thanh long để đi. Bây giờ làm sao phải có quy trình cho doanh nghiệp và hợp tác xã phải đồng lòng với nhau. Trước mắt, vùng trồng của mình phải có mã code, thứ 2 là làm theo quy trình. Làm theo quy trình thì có 2 hướng: một là nhà vườn tự làm quy trình “sạch”, thứ hai là kết hợp với doanh nghiệp hay hợp tác xã nào đó để định hướng thị trường làm theo quy trình thị trường đó. Trước giờ nông sản khi bán được cho Trung Quốc thì doanh nghiệp vô hợp tác thì người ta không chịu làm để bây giờ bán không được cho Trung Quốc”, ông Đoàn Văn Sang chia sẻ.
Trái thanh long trong thời gian qua đã giúp hàng nghìn nông dân tỉnh Tiền Giang thoát nghèo, vươn lên khá giả. Qua sự cố ùn ứ hàng nông sản ở cửa khẩu Việt – Trung như hiện nay, một lần nữa là hồi chuông cảnh báo, nhà vườn phải thay đổi tư duy, phương thức sản xuất để trái thanh long đạt chất lượng, hấp dẫn được nhiều thị trường trên thế giới và tự nâng cao giá trị hàng hóa./.
Theo VOV