Sản phẩm – Dịch vụ

Tránh ùn tắc nông sản xuất khẩu: Quan tâm đến chất lượng và kết nối tiêu thụ

11:23 13/01/2022 GMT+7
Cần những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch cũng như tăng cường tiêu thụ nội địa nhằm tháo gỡ vấn đề ùn tắc nông sản xuất khẩu đã từng diễn ra trong nhiều năm qua.

Dù trong bối cảnh dịch bệnh và hoạt động giao thương gặp nhiều khó khăn, hoạt động tiêu thụ và xuất khẩu nông sản năm 2021 của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực, với kim ngạch kỷ lục 48,6 tỷ USD. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu đường bộ khu vực biên giới nhiều năm qua đã khiến các doanh nghiệp (DN), người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề này đã được báo giới quan tâm đặc biệt tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra chiều 12/1.

Khó khăn trong kết nối giao thương

Lý giải nguyên nhân khách quan nhưng trực tiếp khiến ùn ứ nông sản xuất khẩu thường hay diễn ra, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát ở phía Bắc đã khiến phía Trung Quốc tăng cường biện pháp phòng, chống dịch đối với người cũng như hàng hóa nhập khẩu. Chính vì thế, dù phía Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đàm phán để không gián đoạn giao thương nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương).

Về nguyên nhân chủ quan theo bà Trang là những hạn chế cố hữu trong sản xuất và xuất khẩu nông sản của Việt Nam thời gian qua. Quy trình sản xuất sản phẩm nông sản chưa đúng với tiêu chuẩn cũng như các yêu cầu của thị trường. Chất lượng sản phẩm, quy cách bao gói vẫn chưa đảm bảo, nhất là vấn đề thông tin truy xuất nguồn gốc cũng đăng ký vùng trồng còn chậm… đã dẫn đến nhiều sản phẩm nông sản cho tới nay vẫn chưa thể xuất khẩu chính ngạch mà thường sử dụng hình thức trao đổi cư dân biên giới.

“Trong khi đó, theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), Việt Nam đã đàm phán mức thuế về 0% đối với các sản phẩm nông sản xuất khẩu, cùng với Hiệp định RCEP có mức giảm thuế xuất khẩu rất sâu. Tuy nhiên, việc đàm phán về quản lý chất lượng còn chậm nên đến nay, cả nước mới có 9 sản phẩm được công nhận xuất khẩu sang Trung Quốc. Đồng thời, việc đàm phán về kiểm dịch cũng còn chậm nên 100% sản phẩm trái cây xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải kiểm dịch, trong khi đó, con số này với trái cây Thái Lan chỉ là 30%, đây là khó khăn rất lớn cho nông sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc”, bà Trang chỉ rõ.

Thời gian qua, ngoài tích cực trong đàm phán với phía Trung Quốc, Bộ Công Thương đã cùng các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh biên giới đã tích cực có các biện pháp tháo gỡ, khuyến cáo DN để có điều tiết tiến độ đưa hàng lên biên giới kịp thời. Nhờ đó đến nay tình trạng ùn tắc đã dần được cải thiện, nhiều cửa khẩu đã thông quan trở lại như ở Quảng Ninh, Lào Cai, Cao Bằng…

Nâng cao chất lượng sản phẩm, sớm có kế hoạch kết nối cung cầu

Nhằm từng bước xử lý tình trạng ùn ứ nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc xảy ra thường xuyên trong nhiều năm gần đây, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, cần quan tâm đến chất lượng nông sản xuất khẩu, nâng tầm nông sản xuất khẩu để để đa dạng hoá thị trường, không chỉ ở Trung Quốc mà còn các thị trường Việt Nam đã ký kết các FTA nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan.

Đặc biệt, các địa phương sản xuất và chế biến nông sản cần quan tâm đến kế hoạch kết nối cung cầu ngay từ đầu vụ, đặc biệt là với người mua, khách hàng tại thị trường Trung Quốc. Nếu làm tốt việc kết nối giao thương ngay từ đầu vụ, tình trạng tắc nghẽn với nông sản ở các địa phương sẽ rất khó xảy ra.

“Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp Bộ NN&PTNT tích cực đàm phán để phía Trung Quốc, cho phép có thêm nhiều loại quả của Việt Nam xuất khẩu và rút ngắn tỷ lệ trái cây phải kiểm dịch. Cùng với đó, hoạt động logistics trong nước cần được quy hoạch và cải thiện mạnh mẽ để giữ vững luồng lưu chuyển hàng hoá, cũng như từng bước chuyển đổi sang các phương thức vận chuyển khác như đường sắt hay đường biển”, bà Nguyễn Cẩm Trang nêu rõ.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, hiện nay do phía Trung Quốc hạn chế chỉ cho phép 9 loại hoa quả được xuất khẩu chính ngạch, nên các mặt hàng nông sản khác muốn xuất khẩu vào thị trường này đều phải hoạt động theo hình thức tiểu ngạch. Sản phẩm sản xuất ra thừa không kịp xuất khẩu thường phải quay lại tiêu thụ tại thị trường trong nước. Vì thế có thể thấy sự nhìn thấy sự đầu tư của người nông dân trong sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa theo kịp với yêu cầu của thị trường

Do đó, chỉ khi nào Việt Nam có những DN lớn  đủ mạnh, có thể đứng ra đặt hàng nông dân sản xuất, hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình mới, phù hợp với nhu cầu khách hàng, áp dụng truy xuất nguồn gốc, sử dụng chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệu sau đó bao tiêu sản phẩm đạt được tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu thì mới hy vọng không còn chuyện "giải cứu”./.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác