Phát triển bền vững 1 triệu héc ta lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng Xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu khai mạc buổi tọa đàm.
Khẳng định tại Tọa đàm, các đại biểu cho rằng, sản xuất lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long là lợi thế của vùng và có vai trò nòng cốt đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế, ổn định xã hội nâng cao vị thế của Việt Nam. Xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp ở Đồng bằng sông Cửu Long mang tính đột phát trong tổ chức lại sản xuất ngành hàng lúa gạo, nâng cao giá trị gia tăng trong toàn chuỗi, bảo đảm phát triển ngày càng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng tăng, đóng góp vào tăng trưởng Xanh và góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ tại hội nghị COP 26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Các vị khách mời tham gia tọa đàm.
Ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau và ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang mong muốn Đề án sớm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:
“Được giới thiệu về Đề án, ngành nông nghiệp Cà Mau rất phấn khởi. Về phía địa phương cũng đã rà soát các diện tích và điều kiện như: hợp tác xã và các quy trình thâm canh, canh tác. Về mặt thuận lợi nông dân trồng lúa ở Cà Mau đã có kinh nghiệm áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật áp dụng một số tiêu chuẩn như: Sản xuất lúa hữu cơ, theo hướng hữu cơ, Vietgap và áp dụng các quy trình “3 giảm 3 tăng”. Mong muốn Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Đề án để địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về cơ chế, chính sách hỗ trợ cho nông dân và doanh nghiệp, tính được tín chỉ các-bon để tập huấn cho bà con nông dân” - ông Phan Hoàng Vũ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết.
Ông Lê Hữu Toàn, Phó giám đốc NN&PTNT tỉnh Kiên Giang phát biểu tại tọa đàm: Kiên Giang đã sẵn sàng tham gia Đề án, về phía tỉnh đặc biệt quan tâm Đề án là một trong những điểm then chốt trong tổ chức lại sản xuất. Qua tuyên truyền người dân nhận thức được việc sản xuất gắn với môi trường gắn với tăng trưởng Xanh giảm phát thải đây là xu thế tất yếu . Cà Mau định hướng triển khai Đề án là tổ chức sản xuất lại của ngành Nông nghiệp gắn với tăng thu nhập cho người dân phải gắn liền với Đề án này.
Đại diện các doanh nghiệp tham gia Đề án, theo ông Nguyễn Như Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ tại buổi tọa đàm, đây là mong mỏi của doanh nghiệp khi liên kết với nông dân tham gia sản xuất lúa một cách bền vững. “Doanh nghiệp mong muốn Đề án hội đủ 3 yếu tố: Quy chế rõ ràng, có sự hướng dẫn cụ thể và có sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật để định hướng cho bà con nông dân và doanh nghiệp tổ chức sản xuất lúa một cách bền vững. Tập đoàn cam kết cùng với bà con nông dân liên kết sản xuất tập thể, tuân thủ tất cả các tiêu chí mà Đề án đưa ra” - Nguyễn Như Thuận, Tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời cam kết.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi tọa đàm.
Chia sẻ với đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, mục tiêu Đề án 1 triệu héc ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Các đại biểu dự buổi tọa đàm.
Đề án góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về phát triển nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long theo hướng bền vững, “thuận thiên”, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, thúc đẩy xuất khẩu; huy động tổng hợp các nguồn lực và các thành phần kinh tế tham gia. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long lan tỏa ý nghĩa của Đề án khi tiếp xúc với cử tri ở địa phương.
“ Những gì chúng ta gieo sự thay đổi từ Đề án 1 triệu héc ta thì chúng ta sẽ gặt hái được nhiều giá trị, tích hợp đa giá trị, nền nông nghiệp tuần hoàn bán được tín chỉ các bon, bán cả gói sản phẩm từ gạo, đó là đích đến. Đây là Đề án của 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long chứ không chỉ là Đề án của mình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần chung tay giúp nông dân, một buổi tiếp xúc cử tri có thể truyền tải gì đó cho bà con nông dân” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.