Doanh nghiệp

Triển lãm quốc tế vải cao cấp –Texfuture Việt Nam năm 2023

Kim Phụng - 10:27 24/02/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn)- Sáng 22/2/2023, tại TP.HCM, Công ty Cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (Công ty STS) phối hợp Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại TP.HCM (VCCI-HCM) và Tengda Exhibition công bố Triển lãm quốc tế vải cao cấp - Texfuture Việt Nam 2023 với chủ đề “Dệt may Việt Nam: Mạnh hơn – Thông minh hơn – Xanh hơn” diễn ra từ ngày 22/3 đến ngày 24/3/2023 tại GEM Center,TP.HCM.

Texfuture Việt Nam năm 2023, với hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm trong và ngoài nước với hình thức trực tiếp và trực tuyến. Đây là nơi hội tụ rất nhiều doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may, từ các nhà thiết kế, các công ty sản xuất đến các nhãn hàng cũng như nhà cung cấp nguyên phụ liệu, thiết bị và công nghệ cho ngành.

Texfuture truyền cảm hứng và hỗ trợ thúc đẩy nhanh việc áp dụng các nguyên vật liệu hướng đến tính bền vững và khả thi. Ngoài ra, Texfuture cũng là một sự kiện mang nét rất riêng so với các sự kiện dệt may khác, đó là Texfuture chuyên sâu vào chủ đề vải và phụ kiện:

- Thể hiện sự tôn trọng sản xuất truyền thống thông qua các sản phẩm truyền thống

- Giới thiệu các sản phẩm mới áp dụng công nghệ mới, theo phương pháp xanh hóa, hỗ trợ hành tinh, hệ sinh thái ngành, cộng đồng trong nước và quốc tế một cách toàn diện.

Texfuture Việt Nam 2023 mang đến 3 chủ đề nổi bật: Các xu hướng Xuân Hè 2024, Kỷ nguyên mới trong thiết kế thời trang (New Age of Design), Tương lai là hôm nay (Future is Now).

Texfuture Việt Nam chính là sự kiện đầu tiên của ngành Dệt may Việt Nam trong năm 2023; trong bối cảnh toàn ngành đứng trước thách thức đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19; Texfuture Việt Nam với mục tiêu biến thách thức thành cơ hội, chắt chiu từng mối quan hệ, từng đơn hàng nhỏ trong sự kết nối giao thương tại triển lãm.

Phát biểu tại buổi công bố sự kiện Texfuture Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Nam - Phó Giám đốc VCCI-HCM cho biết: “Năm 2023 được dự báo là còn nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất và xuất khẩu như dệt may do nhu cầu thế giới chưa có tín hiệu phục hồi do kinh tế vĩ mô thế giới vẫn ở trạng thái bất định. Dự báo tổng cầu dệt may thế giới khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022. Bên cạnh đó là những đòi hỏi khắt khe đến từ các nhãn hàng về giá thành, chất lượng cùng yêu cầu tuân thủ các chính sách về phát triển bền vững, xanh hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm khí thải...

Triển lãm Texfuture Việt Nam 2023 không chỉ tăng cường năng lực cạnh tranh, hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu cho các doanh nghiệp dệt may mà còn mở rộng mạng lưới kết nối đến các ngành nghề có liên quan giúp đột phá trên con đường tìm nguồn cung ứng vải bền vững và sáng tạo từ đó hoàn thiện chuỗi cung ứng của ngành, sẵn sàng chinh phục các thị trường quốc tế”.

Được biết Dệt may là một trong những ngành kinh tế trọng điểm của Việt Nam. Dệt may không chỉ là ngành mang lại kim ngạch xuất khẩu lớn thứ 3 của cả nước mà còn là ngành kinh tế góp phần ổn định an sinh xã hội. Ngành dệt may Việt Nam hiện đang sử dụng 2,5 triệu lao động, kim ngạch xuất khẩu hơn 40 tỷ USD/năm, thu nhập trung bình của người lao động trong ngành đạt khoảng 3.800 USD/năm. Tuy kim ngạch xuất khẩu cao nhưng giá trị gia tăng của ngành còn chưa cao, chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu và năng suất lao động chưa quá cao so với các nước trong khu vực. Do vậy, thách thức của Dệt may Việt Nam chính là cần phát triển theo chiều sâu trong thời gian tới, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu, tập trung những công đoạn có giá trị cao như thiết kế mẫu mã sản phẩm, sử dụng nguyên liệu dệt may xanh, phục vụ tốt hơn các đơn hàng nhỏ để ngày một phát triển bền vững và mang lại nhiều giá trị.

Đại diện BTC, bà Nguyễn Thị Thuý Phượng, Giám đốc Đối ngoại Công ty Cổ phần Giải pháp Dệt may Bền vững (STS) cho biết: “Texfuture Việt Nam 2023 khác biệt qua những câu chuyện tiên phong như: Thư viện Vải vóc số hóa duy nhất và đầu tiên của ngành tại Việt Nam. Nơi các nhà thiết kế, các công ty sản xuất có thể dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn và đưa vào sử dụng. Trung tâm Dữ liệu XNK Việt Nam mang đến cho các doanh nghiệp nhưng công cụ và thông tin hữu ích bằng phần mềm trực quan sinh động, hỗ trợ trong việc tìm hiểu và quyết định thị trường xuất khẩu tiềm năng”.

"Có thể khẳng định, Texfuture chắc chắn sẽ mang đến giá trị rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam. Đặc biệt là tại thời điểm năm 2023 đầy thử thách, Texfuture hy vọng đem lại cho cộng đồng ngành dệt may nhiều sự kết nối hợp tác trong và ngoài nước, giúp doanh nghiệp nắm bắt triệt để các xu hướng của dệt may bền vững, đó là kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và chuyển đổi số", bà Nguyễn Thị Thúy Phượng nhấn mạnh.

Texfuture Việt Nam 2023 nhận được sự cho phép của Sở Công thương TP. HCM, sự đồng hành và sự quan tâm chia sẻ của các tổ chức:

- Hiệp hội các Doanh nghiệp KCN TP.HCM (HBA);

- Hiệp hội Bông sợi Việt Nam (VCOSA);

- Hội Da Giày TP. HCM (SLA).

Đặc biệt là sự tham gia chia sẻ của những chuyên gia hàng đầu trong ngành đến từ các đơn vị:

- Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM (AGTEX)

- Tập Đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)

- Hiệp hội Bông Quốc tế Mỹ (CCI)

- Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED)

- Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững Hà Lan (IDH)

Tin cùng chuyên mục
Tin khác