Trồng lúa thân thiện môi trường, nông dân thu nhập tốt hơn hẳn
Lãng phí 150 triệu USD/năm do lạm dụng phân bón hoá học trong trồng lúa
Theo Báo cáo cập nhật lần thứ hai của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu, tổng lượng phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam là 88,3 triệu tấn CO2, tương đương 32,2% tổng lượng phát thải của cả nước. Trong đó, lượng phát thải khí nhà kính từ canh tác lúa chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm các cây trồng với 50,49%, tương đương 44,6 triệu tấn CO2.
Còn theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới về ô nhiễm nông nghiệp ở Việt Nam, ước tính mỗi năm có khoảng 140.000 tấn nito, 82.000 tấn phốt pho, 66.000 tấn kali bị lãng phí do lạm dụng phân bón hoá học trong trồng lúa ở ĐBSCL, tương đương với việc lãng phí 150 triệu USD/năm. Quan trọng hơn, các chất dinh dưỡng dư thừa sẽ tích tụ trong đất và nước, từ đó gây ra phát thải khí nhà kính, ô nhiễm không khí, nước và đất.
Đặc biệt, trong giai đoạn mới 2021-2030, nước ta đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, việc tập trung phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh sẽ là những giải pháp chính sách lớn mang tính đột phá đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững.
Dự án triển khai đúng lúc thế giới và Việt Nam phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, sản xuất nông nghiệp trong nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng bằng sự chủ động và cố gắng của các bên liên quan, dự án đã đạt được những kết quả đáng khích lệ...
Đó là, dự án đã nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, hội viên nông dân, chính quyền địa phương và cộng đồng về canh tác lúa thân thiện với môi trường. Hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân trồng lúa ở 24 tỉnh thành nhằm chuyển dần từ trồng lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.
"Thời gian thực hiện mới gần 3 năm, nhưng dự án đã góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, bảo vệ sức khỏe cho chính những người nông dân và cộng đồng, góp phần tái tạo nguồn tài nguyên đất, bảo vệ môi trường. Qua việc tham gia mô hình, nông dân đã thay đổi nhận thức trong việc trồng lúa giảm phát thải khí nhà kính. Tôi cho rằng đây là hoạt động vô cùng quan trọng, giúp nông dân Việt Nam tiếp cận cách thức sản xuất mới thân thiện với môi trường" - Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đánh giá.
Đồng thời, ông Đoàn cũng cho rằng từ kết quả này, các cấp Hội địa phương có thể nhân rộng mô hình sản xuất lúa thân thiện với môi trường, gia tăng giá trị cho người trồng lúa. Chứ dự án kết thúc mà mô hình cũng kết thúc thì rất là đáng tiếc.
Chia sẻ về Dự án, bà Yip Sui Pik Susanna - Cố vấn cao cấp Tổ chức EarthCare Foundation kể: Câu chuyện hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam và EarthCare Foundation bắt đầu khi chúng tôi gặp lãnh đạo Ban Đối ngoại và Hợp tác Quốc tế. Lúc đó chúng tôi rất quan tâm tới các dự án đang triển khai tại Việt Nam nhằm giúp nông dân canh tác giảm phát thải, cải thiện sinh kế. Theo đó chúng tôi muốn tạo ra sự thay đổi về hành vi bằng các kỹ thuật đã được chứng minh.
"Chúng tôi có 2 đề xuất nhưng quyết định lựa chọn Hội NDVN vì Hội đã có những thành tích rất tốt trong việc hỗ trợ nông dân, thành công từ một số dự án tham gia bảo vệ môi trường, có kinh nghiệm, tiên phong và khả năng kết nối nhiều nông dân tham gia lĩnh vực này.
Chúng tôi tập trung vào 3 giải pháp lớn: Không đốt rơm rạ; giảm bón phân đạm (ure); giảm sử dụng nước bằng tưới ướt – khô xen kẽ. Các kỹ thuật của dự án sẽ cải thiện sinh kế cho nông dân, từ việc tận dụng phế phẩm rơm rạ; tiết kiệm chi phí do giảm sử dụng phân bón, giảm lượng nước" - bà Yip Sui Pik Susanna cho biết.
Theo thống kê của Tổ chức EarthCare Foundation, sau gần 3 năm triển khai, dự án đã ghi nhận một số kết quả đáng chú ý: Xây dựng 18 bộ tài liệu về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường và khoa học hành vi; 4 kênh mạng xã hội về dự án; vận động tài trợ được 5 tỷ đồng từ các nguồn lực đa dạng để hỗ trợ và mở rộng dự án; 200 lượt cán bộ Hội ND được nâng cao năng lực về ứng dụng khoa học hành vi trong tuyên truyền, vận động nông dân; 290 lượt cán bộ Hội và cán bộ khuyến nông được tập huấn để trở thành giảng viên nguồn của dự án.
Đáng chú ý, có tới 1.462 mô hình trình diễn về canh tác lúa thân thiện với môi trường trên tổng diện tích hơn 1.000ha đã được Hội ND của 24 tỉnh, thành tự xây dựng ngoài nguồn lực của dự án; 1.880 lượt hội viên nông dân được đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm về canh tác lúa thân thiện với môi trường...
Nông dân trồng lúa tiết kiệm được 5-7 triệu đồng/ha/vụ
Thông tin thêm về kết quả của dự án, ông Mai Bắc Mỹ - Trưởng Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế (Hội NDVN), Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, ngoài các lớp tập huấn cho nông dân, mạng lưới gần 300 chuyên gia và cán bộ kỹ thuật của Dự án định kỳ trực tiếp đi thực địa hỗ trợ giúp đỡ bà con nông dân trong quá trình áp dụng các kỹ thuật của Dự án.
Ngoài ra, các nhóm zalo được duy trì hiệu quả, là nơi để các nông dân tham gia dự án, giảng viên, chuyên gia, cán bộ Hội, cán bộ khuyến nông thường xuyên trao đổi, kịp thời giải đáp những khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng 3 kỹ thuật của dự án; khuyến cáo phòng trừ sâu bệnh, những bất thường về mùa vụ, thời tiết.
Ông Trần Minh Đoán, nông dân có 4ha lúa ở ấp 4, xã Minh Phú, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An cho biết: "Ở địa phương tôi ít ai sử dụng bảng màu lá lúa, mọi người thấy phiền phức cách rách do lâu nay đã quá quen với việc trồng lúa theo kinh nghiệm, cảm tính.
Ra đồng ngắm lúa thấy lá chuyển màu hay cứ mặc định đến kì là bón phân, phun thuốc mà thôi. Nhưng từ khi sử dụng bảng màu lá lúa, chúng tôi xác định được chính xác cây lúa có thiếu phân bón hay không, khi nào cần bón trên cơ sở so từ 10-15 lá lúa để tính toán được lượng phân bón phù hợp".
Cũng theo ông Đoán, áp dụng kỹ thuật mới năng suất lúa tăng lên không nhiều, nhưng tiết kiệm được chi phí phân bón, giảm số lần lấy nước, xịt thuốc, tận dụng được phụ phẩm rơm ra cho các công việc khác có ích. Đó là lợi ích thiết thực trước mắt, còn tính toán chi li thì so với cách trồng lúa trước đây, chúng tôi tiết kiệm được từ 5-7 triệu đồng/ha/vụ. Đây là số tiền đáng kể, rất ý nghĩa với nông dân dù năng suất lúa không tăng.
Điều thuận lợi là mô hình này dễ làm, trước giờ bà con cũng biết nhưng ngại làm vì một số khâu khá tỉ mỉ, nhưng tôi nghĩ rằng trong tương lai, muốn canh tác lúa hiệu quả lâu dài, bền vững và cải thiện sức khỏe cho người trồng lúa thì nên rất nên áp dụng" - ông Trần Minh Đoán cho hay.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Kích - đại diện HTX Nông nghiệp 339, xã Thạnh Phước (huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) cho biết: Tham gia dự án, HTX chủ yếu trồng giống lúa OM18, với diện tích 150ha. Quá trình chăm sóc, các thành viên không bón phân hóa học mà ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ.
Tuy năng suất lúa không tăng lên (vụ Đông Xuân 2023 năng suất từ 6-6,5 tấn/ha), nhưng lá lúa xanh hơn, bền hơn, cứng cây hơn nên lúa ít khi bị dịch bệnh. Lúa được Công ty phân bón hữu cơ Kiên Giang thu mua với giá bình quân 7.500 đồng/kg, cao thị trường từ 100 - 200 đồng/kg, do lúa sạch hơn, chất lượng hơn.
- Tuyên Quang: Chi, tổ hội nghề nghiệp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
- Nông dân Hà Nội sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, góp sức xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- Nông dân Tam Đường mở rộng sản xuất nhờ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân