Diễn đàn

Trồng rừng gỗ lớn - cánh cửa mở rộng giúp nông dân làm giàu

Hoàng Tính - 07:04 31/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.cn) - Thời gian qua, được sự vận động, tuyền truyền, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, cây con giống… đến nay, các hộ gia đình ở xã Tân Nguyên, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái đã tích cực chủ động chuyển dần diện tích trồng rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn, đây đang được coi là chìa khóa giúp bà con nông dân Tân Nguyên phát triển kinh tế, làm giàu trên quê hương.

Hiện nay toàn xã Tân Nguyên đang có trên 1.800ha rừng, trong đó rừng tự nhiên sản xuất 415ha, rừng trồng hộ gia đình trên 1.424ha. Nhiều năm trở lại đây để phát triển kinh tế, người dân trên địa bàn đã tích cực trồng rừng với những cây giống cây lâm nghiệp: Keo, bạch đàn, bồ đề, trẩu, vù hương, dổi, tếch…

Trồng rừng gỗ lớn đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực ở xã Tân Nguyên.

Đồng hành cùng nông dân phát triển rừng trồng

Theo Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, thời gian qua, thông qua Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại II  (FFFII) được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam triển khai trên địa bàn xã Tân Nguyên, Hội đã hỗ trợ người dân trong xã phân bón để thực hiện chuyển hóa 5ha rừng gỗ lớn theo quy trình kỹ thuật; 4 mô hình trồng trọt, chăn nuôi tạo sinh kế dưới tán rừng; hỗ trợ trên 200ha rừng giao khoán bảo vệ gắn với chi trả dịch vụ môi trường rừng cho cộng đồng dân cư và trao Quỹ Tín dụng xanh cho Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp xã Tân Nguyên và Tổ hợp tác thôn Đông Ké; Hợp tác xã Nông, lâm nghiệp Bình Minh…

Anh Phùng Bình Minh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông, lâm nghiệp Bình Minh cho hay: Năm 2020, HTX chúng tôi đã được tham gia Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) của Hội NDVN. Tham gia chương trình, các thành viên HTX được đào tạo, tập huấn về kiến thức sản xuất kinh doanh, về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong nông, lâm nghiệp, được tiếp cận các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để kết nối, tiêu thụ sản phẩm. Năm 2022, Chương trình FFF hỗ trợ HTX xây dựng mô hình vườn ươm giống keo Úc nhập khẩu đáp ứng nhu cầu, chất lượng cây giống để trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC.

Tham gia vào chương trình rừng chứng chỉ FSC, giá bán gỗ của HTX Dịch vụ tổng hợp Tân Nguyên đã cao hơn giá thị trường từ 15-20%, sản phẩm gỗ đã vào được thị trường khó tính của châu Âu và Mỹ. Trong 5 năm, từ 2018 - 2023, HTX đã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp… Từ 7 thành viên ban đầu, đến nay HTX Nông lâm nghiệp Bình Minh đã có 20 thành viên, lợi nhuận thu về mỗi năm khoảng 1,2 tỷ đồng.

Cũng như ở HTX Nông, lâm nghiệp Bình Minh, gia đình hội viên nông dân Lê Mai Hiền ở thôn Minh Tiến (xã Tân Nguyên), là hộ gia đình tiêu biểu trên địa bàn trong trồng rừng những năm trở lại đây. Anh Hiền cho hay: Phát triển kinh tế rừng trồng nhiều năm vì vậy khi được sự tuyên truyền của các cấp, các ngành trong tỉnh Yên Bái và Hội ND tỉnh Yên Bái, anh đã chủ động chuyển một số diện tích phù hợp sang trồng rừng gỗ lớn với các cây giống chủ yếu như: Dổi, lát, vù hương, sưa, chò chỉ... 

“Năm 2023, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ gia đình tôi trồng gần 2ha cây vù hương và dổi theo mô hình cây gỗ lớn FSC, đến nay sau hơn 1 năm trồng, cây phát triển rất tốt, cao từ 1,5 - 2m, cành lá xanh tốt, ít sâu bệnh và mất ít công chăm sóc. Đầu năm 2024, gia đình tôi lại tiếp tục nhận được sự hỗ trợ Hội Nông dân tỉnh Yên Bái để trồng mới 1,5ha cây theo mô hình cây gỗ lớn, đến giờ cây phát triển rất tốt”, anh Hiền cho hay.

Theo tính toán của người dân trên địa bàn xã Tân Nguyên nếu trồng rừng gỗ nhỏ (5-6 năm) thì chỉ dùng làm dăm hoặc nguyên liệu giấy; giá bán 1m3 được trên dưới một triệu đồng, mà cứ hết 1 giai đoạn trồng (5-6 năm) lại phải đầu tư vốn, tiền công, giống… để trồng cây chu kỳ mới. 

Trong khi đó, nếu trồng cây gỗ lớn 10-15 năm để lấy gỗ xẻ phục vụ chế biến thì để càng lâu, đường kính thân cây càng lớn và càng được giá; cây có đường kính từ 25- 30cm thì 1ha rừng, sản lượng gỗ đạt trên 200m3 bán với giá trên dưới 2 triệu đồng/m3 gỗ đã bỏ túi trên dưới 400 triệu đồng, chưa kể chỉ đầu tư vốn, giống để trồng một lần nên giá trị kinh tế vừa cao hơn, vừa góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường. 

Việc phát triển rừng trồng gỗ lớn ở Tân Nguyên đã đem lại những hiệu quả tích cực cho người dân trên địa bàn trong thời gian qua, nhưng theo người dân vì thời gian thu hoạch kéo  dài, chính vì vậy, cần có thêm sự hỗ trợ của các cấp, các ngành về kinh phí để người dân đảm bảo được kinh tế hộ gia đình trong quá trình chờ rừng trồng đến tuổi khai thác rừng gỗ lớn. Ví dụ như từ các Chương trình như: Dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ Cacbon… sẽ là nguồn lực tích cực để người dân yên tâm phát triển rừng.

Hội Nông dân tỉnh Yên Bái phát động trồng rừng tại xã Tân Nguyên.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động trồng rừng gỗ lớn

Tỉnh Yên Bái đề ra kế hoạch cụ thể về phát triển rừng, trong đó tập trung vào trồng rừng gỗ lớn. Tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển rừng gỗ lớn giai đoạn 2021 - 2025, với mục tiêu trồng mới 10.000ha rừng gỗ lớn.

Thông qua các hoạt động của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại II được triển khai, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái và các đơn vị liên quan hỗ trợ, tài trợ triển khai được 7 mô hình trồng cây gỗ lớn có giá trị tập trung chủ yếu các xã Phú Thịnh, Thịnh Hưng và Tân Nguyên của huyện Yên Bình; xã Đào Thịnh, Hưng Thịnh của huyện Trấn Yên; xã Khánh Thiện của huyện Lục Yên.

Trong thời gian tới để các mô hình hoạt động có hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giới thiệu về hiệu quả của Chương trình Hỗ trợ rừng và trang trại II. Gắn thực hiện Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại II với phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”… 

Ngoài ra, ngành Kiểm lâm tỉnh Yên Bái cũng đã lập kế hoạch, chỉ đạo cụ thể để phát triển rừng cây gỗ lớn. Nhiều mô hình trồng rừng gỗ lớn đã hình thành tại các huyện Yên Bình, Trấn Yên… đã có hiệu quả và bước đầu tác động trực tiếp đến tư duy trồng rừng của nhiều người dân tỉnh Yên Bái.
Theo đó tại các huyện, ngành Kiểm lâm đã chủ động tích cực đồng hành phát triển rừng trồng gỗ lớn, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Bình cho biết thêm: Để Yên Bình phát triển rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu giúp huyện xây dựng Đề án phát triển rừng gỗ lớn 2024-2025, phấn đấu đến hết năm 2025, toàn huyện Yên Bình có trên 12.000ha rừng gỗ lớn. Hạt Kiểm lâm đã phối hợp tốt với chính quyền các địa phương nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của trồng rừng gỗ lớn, giá trị của rừng gỗ lớn gắn với bảo vệ rừng…

Người dân tích cực tham gia trồng rừng gỗ lớn ở xã Tân Nguyên.

Vẫn còn những trăn trở

Việc trồng rừng gỗ lớn đã đem lại những lợi ích rất rõ từ kinh tế và môi trường, tuy nhiên theo một số ý kiến của người dân do quá trình trồng rừng gỗ lớn có thời gian dài, thời tiết ở miền núi thì không ổn định (dễ gặp mưa, lũ…) mà các hộ tham gia trồng rừng vẫn còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế, cần phải quay vòng vốn nhanh trong trồng rừng để ổn định cuộc sống. Chính vì vậy rất cần có thêm những chính sách của Đảng và Nhà nước để hỗ trợ nông dân như chương trình Dịch vụ môi trường rừng, tín chỉ Cacbon.

Cũng theo ngành chức năng, nguyên nhân phát triển rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, do diện tích rừng trồng của các hộ gia đình còn nhỏ lẻ, manh mún, nhiều loại cây trồng trong cùng 1 lô rừng khiến việc tiếp cận với các chương trình, chính sách phát triển lâm nghiệp khó khăn…

Vì vậy để phát triển rừng trồng gỗ lớn, các ngành chức năng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục có các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, môi trường của rừng gỗ lớn; khuyến khích sử dụng các loại giống mới có năng suất cao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng thâm canh gỗ lớn và chuyển hóa từ rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn… 

Đồng thời, chính quyền các cấp cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ việc tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm lâm nghiệp từ rừng trồng gỗ lớn; xây dựng cơ chế, chính sách phát triển rừng trồng gỗ lớn nhằm thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư được thuê đất, liên kết trồng rừng gắn với xây dựng các nhà máy chế biến và tiêu thụ sản phẩm. 
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác