Tài chính – Ngân hàng

Thị trường Chứng khoán: Áp dụng T+2, nhà đầu tư kỳ vọng cao

Tú San - 14:21 28/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Về mặt kỹ thuật, việc áp dụng T+2 sẽ giúp thanh khoản của thị trường tăng, nhà đầu tư cũng chủ động trong việc giao dịch vào các phiên chiều khi khoảng thời gian này thường là thời điểm biến động mạnh của thị trường. Đồng thời, điều này có thể giúp TTCK Việt Nam được điểm cộng trong kỳ “review” nâng hạng của MSCI trong tháng 09/2022 sắp tới, cho nên tâm lý của nhà đầu tư cũng có thể sẽ cải thiện và kỳ vọng về việc nâng hạng của thị trường.

Tâm lý nhà đầu tư đang “hưng phấn” chờ ngày áp dụng T+2

Chỉ số VN-Index đã có 7 tuần tăng điểm liên tiếp và đồ thị giá của chỉ số này đã vượt lên trên đường trung bình 20 tuần. Xu hướng ngắn hạn của thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng, nhưng xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức giảm và xu hướng trung hạn chưa rõ ràng cho nên chỉ số VN-Index có thể sẽ tiếp tục đi ngang trung vùng 1.260 – 1.285 điểm trong tuần giao dịch tới. Tuy nhiên, ngày 19/8/2022 vừa qua Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã ký Quyết định số 109/QĐ-VSD ban hành Quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại VSD và Quyết định số 110/QĐ-VSD ban hành quy chế thành viên lưu ký tại VSD. Theo đó, quy chế mới rút ngắn thời gian thanh toán bù trừ giao dịch chứng khoán ngay trong phiên giao dịch chiều ngày T+2, thay vì T+3 như trước. Điều này đang làm tâm lý các nhà đầu tư trở “hưng phấn” hơn với việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 sẽ giúp cải thiện thanh khoản 20-30%, tùy vào sự hưng phấn của thị trường.

Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao – Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao – Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định: “Với thông tin giảm thời gian thanh toán, trước đó Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) công bố chính thức áp dụng T+2 trong tháng 8 này. Khi quy trình thanh toán rút ngắn, nhà đầu tư giảm thiểu rủi ro do không phải chờ đợi nhiều. Nhà đầu tư có thể bán được cổ phiếu sớm, có khả năng mua nhanh hơn, tốc độ vòng quay vốn, thị trường sôi động hơn. Tôi nghĩ đây là điều tích cực khi cơ quan quản lý đã và đang làm cho thị trường chứng khoán. Xa hơn, đây là tiền đề tiến tới rút ngắn về T+0, đáp ứng được một trong những tiêu chí nâng hạng thị trường”.

Thị trường vẫn còn “bóng đen” khi chưa nới room tín dụng

Với thông tin từ đầu tháng 5 về việc nới room tín dụng cho các ngân hàng, tuy nhiên cho đến nay các động thái về room tín dụng vẫn chưa được “nới” như mong đợi của thị trường. Điều này đang ảnh hưởng rất lớn đến ngành ngân hàng nói riêng cũng như một số ngành kinh tế phụ thuộc như bất động sản (BĐS) và xây dựng.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc nghiên cứu phân tích – Công ty Chứng khoán Yuanta

Trao đổi với Tạp chí Nông Thôn Mới, Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc nghiên cứu phân tích – Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết: “ Nhìn chung, việc các ngân hàng hết room tín dụng giải ngân gần đây đang tạo nhiều tác động tiêu cực trong ngắn hạn và tích cực trong dài hạn cho ngành ngân hàng và BĐS. Trong ngắn hạn, tất nhiên việc các ngân hàng không thể cho vay thêm sẽ hạn chế dòng vốn lớn vào thị trường BĐS và gây ra một số khó khăn cho tính thanh thoản của thị trường này. Đối với ngành ngân hàng, sự tiêu cực là bắt đầu thấy rõ nét với kết quả kinh doanh quý 2 khi hầu như tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng trong quý 2 đều đến từ lợi nhuận ngoài lãi (phí dịch vụ, bancassurrance) và giảm trích lập dự phòng”.

Cùng quan điểm trên, Ông Trương Hiền Phương cũng đưa ra nhận xét: “Hệ thống ngân hàng là xương sống của nền kinh tế, khi huy động nguồn tiền nhàn rỗi ở nơi dư thừa để đưa đến những thành phần cần nguồn lực này nhất. Điều này giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả và phát triển. Việc không thể cung cấp thêm được nguồn lực cho các thành phần kinh tế khi hết room tín dụng sẽ làm dòng chảy bị chững lại và ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế.

Thứ nhất: lãi suất cho vay sẽ tăng, khi các ngân hàng không thể cho vay thêm được nữa (nguồn cung) trong khi nhu cầu vay mượn của các thành phần kinh tế vẫn đang lớn thì cầu sẽ lớn hơn cung. Mà nền kinh tế đang vận hành theo cơ chế thị trường, nên để có thể vay được tiền thì lãi suất các ngân hàng cho vay sẽ tăng lên.

Thứ hai: chi phí của doanh nghiệp sẽ tăng. Như đã đề cập ở trên khi lãi suất tăng lên thì doanh nghiệp sẽ phải trả nhiều tiền hơn khi đi vay do đó sẽ làm chi phí của doanh nghiệp tăng lên. Điều này sẽ ảnh hưởng đến việc lợi nhuận của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế vay nợ để phục vụ hoạt động kinh doanh do chi phí cao hơn. 

Thứ ba: hiệu quả của nền kinh tế sẽ giảm. Hệ thống ngân hàng giúp nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn khi huy động nguồn tiền nhàn rỗi ở nơi dư thừa để đưa đến những thành phần cần nguồn lực này nhất. Khi không thể cho vay thêm do hết room tín dụng thì hoạt động này sẽ chững lại và vô tính làm hiệu quả của nền kinh tế giảm đi”.

Tuy nhiên, nếu dự đoán cho giai đoạn cuối năm thì tình hình có thể sẽ khả quan hơn. Vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 14% trong khi tính tới 15/8/2022, tăng trưởng tín dụng mới đạt 9,62%. Từ đây đến cuối năm, nhiều khả năng NHNN sẽ sớm cấp room tín dụng trở lại cho các ngân hàng để đạt mục tiêu cả năm khi lạm phát có những dấu hiệu đi xuống rõ ràng hơn.

Cổ phiếu ngành nông nghiệp vẫn còn “tiềm năng” ngắn hạn

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc nghiên cứu phân tích – Công ty Chứng khoán Yuanta cho biết thêm: “Các cổ phiếu nông nghiệp hồi phục gần đây chủ yếu do 2 lý do chính: Thứ nhất là hầu hết đã giảm 30-50% từ đỉnh nên khi thị trường hồi phục thì các cổ phiếu cũng hồi phục theo; Thứ hai là giá nguyên liệu đầu vào của nhóm này đã hạ nhiệt giảm giá gần đây như phân bón, các nguyên liệu chính trong thức ăn chăn nuôi (đậu tương, bã ngô, bột mì). Thứ ba là nhóm cổ phiếu có câu chuyện riêng như HNG, HAG, DBC.

Tiềm năng trong ngắn hạn của nhóm này nhìn chung có sự hồi phục trở lại trong ngắn hạn, nguyên nhân chủ yếu do giá các loại nguyên liệu đầu vào giảm như trên. Tuy nhiên, động lực này vẫn chỉ là trong ngắn hạn và vẫn chưa rõ ràng để đi xa hơn vì việc giảm giá hàng hóa vẫn chỉ là hiệu ứng trong ngắn hạn sau khi FED nâng lãi suất khá nhanh gần đây. Vấn đề cốt lõi vẫn là thiếu nguồn cung và tắc nghẽn nguồn cung do vấn đề Nga -Ukraina và các vấn đề này có thể phải cần nhiều thời gian hơn để được giải quyết. Riêng các cổ phiếu có câu chuyện riêng như HAG, HNG, DBC thì nhà đầu tư cần nghiên cứu sâu hơn về câu chuyện doanh nghiệp để đưa ra quyết định đầu tư”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác