Tài chính – Ngân hàng

Cần tỉnh táo khi khi thị trường chứng khoán nhiều biến động

Tú San - 16:30 13/02/2023 GMT+7
(tapchinongthonmoi.vn) - Tuần vừa qua chỉ số VN-Index nối dài nhịp điều chỉnh và xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ lui về mốc 1.055 điểm. Nhóm cổ phiếu Bất động sản (BĐS), Ngân hàng và Vật liệu tiếp tục gây áp lực lên thị trường. Đáng chú ý, cổ phiếu BĐS có diễn biến đáng thất vọng.

Mất mốc hỗ trợ, thị trường vẫn tiếp tục đà giảm.

Thị trường có tuần điều chỉnh thứ hai khi cả giá và thanh khoản đồng thuận giảm, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/02/2023 chỉ số VN-Index đã lui về mốc 1.055 điểm (giảm 2%), cùng giá trị giao dịch bình quân trên cả 3 sàn đạt khoảng 11.000 tỷ đồng (giảm 27% so với tuần giao dịch trước đó). Với các nhóm ngành, sắc đỏ bao phủ phần lớn thị trường, trong đó Top 3 nhóm giảm mạnh nhất là bán lẻ, hóa chất, du lịch và giải trí với mức giảm lần lượt là 8,4%; 4,5% và 4,4%. Xét theo vốn hóa, cả 3 nhóm đều giảm điểm trong đó áp lực bán tập trung ở nhóm vốn hóa lớn với chỉ số VN30 giảm 3,4% trong khi chỉ số VNMIDCAP và VNSMALL  giảm nhẹ hơn với mức giảm lần lượt là 2,4% và 1,5%.

Ngoài ra, kể từ tháng 11/2022, thị trường tuần qua chứng kiến mức mua ròng thấp nhất của khối ngoại xét về quy mô và giá trị ròng trong cả tuần. Trong tuần qua, khối ngoại chỉ mua ròng 878,9 tỷ đồng, tập trung vào STB (770,6 tỷ đồng), HPG (195,5 tỷ đồng) và HCM (78,0 tỷ đồng). Kết quả là, thị trường giảm xuống và đóng cửa ở mức 1.055,3 điểm (-2,0% so với tuần trước đó). Dẫn dắt đà điều chỉnh của thị trường là Bất động sản (VHM: -5,6%; VIC: -3,6%) Ngân hàng (VIB: -13,6%; VPB: -4,1%; STB: -9,2%) và Vật liệu (HPG: -2,8% ;GVR: -4,9%). Giá trị giao dịch trung bình hàng ngày giảm đáng kể xuống 7,7 nghìn tỷ đồng (-34,9% so với tuần trước đó). Thanh khoản thị trường đột ngột cạn kiệt có thể dẫn đến tâm lý thận trọng và tiêu cực.

Ông Đỗ Anh Tuấn – Trưởng Phòng Môi giới Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam

Ông Đỗ Anh Tuấn – Trưởng Phòng Môi giới Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam nhận định: “Với kết quả kinh doanh đáng thất vọng trong quý 4 năm 2022 của nhiều doanh nghiệp đang đẩy định giá thị trường lên cao. Đáng chú ý, chỉ số CPI của Hoa Kỳ đang tăng tốc gần đây có thể thúc đẩy Fed tăng lãi suất. Theo Bloomberg, thị trường đã bắt đầu xem xét lại lộ trình lãi suất của Fed và việc định giá lại có thể tiếp tục trong tuần tới. Theo đó, lạm phát có thể tăng trở lại một cách mạnh mẽ”.

Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng

Cùng nhận định trên, bà Nguyễn Ngọc Lan Anh - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng cũng cho rằng: “Thị trường tiếp đà giảm điểm trong phiên ngày cuối tuần. Sắc đỏ phủ bóng ở hầu hết các nhóm ngành trong phần lớn phiên giao dịch khi nhà đầu tư thận trọng trong việc giải ngân mua mới. Theo đó, thanh khoản toàn thị trường bị thu hẹp với giá trị giao dịch khớp lệnh giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng qua. Nhiều trụ đỡ giảm mạnh có thể kể đến như các nhóm ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ”.

Bà Hồ Mỹ Thể - Phó Giám đốc Chi nhánh Miền Nam - Công ty CP Chứng khoán Agribank

Bà Hồ Mỹ Thể - Phó Giám đốc Chi nhánh miền Nam - Công ty CP Chứng khoán Agribank phân tích cụ thể hơn về mặt chỉ báo kỹ thuật: “Trên đồ thị tuần, VN-Index hình thành cây nến đỏ thứ 2 liên tiếp với giá đóng cửa sát mốc thấp nhất tuần cho thấy áp lực bán có xu hướng mạnh lên. Đồng thời rủi ro ngắn hạn cũng gia tăng khi chỉ số đánh mất mốc hỗ trợ ngắn hạn MA20 cùng các chỉ báo động lượng RSI và MACD đồng thuận hướng xuống. Với những tín hiệu kém khả quan hiện tại kết hợp với dòng tiền suy yếu đặc biệt là khối ngoại khi khối này giảm quy mô mua ròng trong các phiên gần đây, tôi cho rằng VN-Index sẽ sớm về kiểm định hỗ trợ MA100 quanh vùng giá 1.040 – 1.050 điểm trong các phiên đầu tuần sau”.

 Nhiều doanh nghiệp đang thua lỗ 

Trong quý 4/2022 các doanh nghiệp hầu hết đã công bố kết quả kinh doanh quý và cả năm. Một số doanh nghiệp của mảng Nông – Lâm - thuỷ sản có cổ phiếu lên sàn tự kinh doanh thêm khi mở rộng sang đầu tư tài chính và chứng khoán. Cụ thể như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn  (mã VHC) đang nắm giữ các cổ phiếu của NLG, DXG, KBC trong danh mục đầu tư ngắn hạn đến cuối năm 2022. Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn cũng đang ghi nhận khoản tiền gốc đầu tư chứng khoán ở mức 179 tỷ đồng (tăng 100 tỷ so với đầu năm) và đang phải trích lập dự phòng giảm giá tới 76,6 tỷ đồng. Hiện Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn đang đầu tư tập trung tại cổ phiếu NLG (giá gốc 76,3 tỷ - dự phòng 26 tỷ), mã DXS (giá gốc 58,2 tỷ - dự phòng gần 37 tỷ) và KBC (giá gốc 30 tỷ - dự phòng 7,7 tỷ). Các doanh nghiệp của mảng này hiện đang tự kinh doanh trên sàn như Công ty thuỷ sản Nam Việt (mã ANV), Công ty CP Thành Thành Công – Biên Hoà (mã SBT), Công ty CP mía đường Lam Sơn (mã LSS), Công ty CP mía đường Sơn La (mã SLS), Công ty CP BAF Việt Nam (mã BAF), Công ty CP Tập đoàn PAN ( mã PAN), Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (mã TAR), Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG), Công ty CP Vật tư Nông nghiệp Cần Thơ (Mã TSC), Công ty CP Đông Hải Bến Tre (mã DHC), Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (mã AGM) đều có kết quả không mấy khả quan trong năm 2022 vừa qua.

Một số doanh nghiệp thuộc mảng xây dựng cũng tham gia tự doanh trên sàn chứng khoán và cũng đang trong tình trạng lỗ như Công ty đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng (mã NDN) tham gia tự doanh khi đầu tư vào các cổ phiếu dòng bất động sản, trong khi thị trưởng bất động sản đang bước vào giai đoạn khó khăn thì NDN cũng là doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư cổ phiếu mảng này. Tính tới cuối năm 2022 thì NDN đang sở hữu các cổ phiếu như VHM, HPG, TCB, SHB với tổng danh mục đầu tư ban đầu là 309 tỷ và hiện đang trích lập dự phòng 86 tỷ. Theo đó, cùng ngành xây dựng với NDN là một doanh nghiệp lớn có tiếng cũng trong ngành xây dựng trong năm rồi cũng đẩy mạnh sang đầu tư cổ phiếu với lượng tiền lớn là Công ty Cổ phần xây dựng Coteccons (mã CTD), tính tới cuối quý 4/2022 thì CTD đang lỗ gần 25% so với vốn gốc 248 tỷ, danh mục cổ phiếu khá dàn trải, trong đó 3 mã chiếm tỉ trọng lớn chủ yếu là chứng chỉ quỹ, FPT, và MWG.

Ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Funan

Chia sẻ cùng PV Tạp chí Nông Thôn Mới, ông Trần Đình Khánh - Tổng Giám đốc Công ty CP Chứng khoán Funan cho biết: “Thị trường chứng khoán (TTCK) nnăm 2020-2021 có những bước tăng trưởng đột phá và đã giúp nhiều doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư vượt qua khó khăn mùa Covid thành công nhờ đầu tư tài chính và chứng khoán (ANV, VHC,…). Tuy nhiên, năm 2022 TTCK lại “quay đầu” sau các sự cố FLC, Tân Hoàng Minh, SCB, Vạn Thịnh Phát cùng với việc Ngân hàng Nhà nước siết chặt dòng tiền chảy vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và chứng khoán đã làm TTCK Việt Nam sụt giảm mạnh từ 1.500 điểm đầu năm về vùng 1.000 điểm cuối năm 2022. Với tình trạng đó, TTCK đã làm cho nhiều doanh nghiệp (không chỉ riêng nhóm ngành Nông Lâm Ngư nghiệp) bị thua lỗ do đầu tư cổ phiếu trên TTCK. Điểm nhấn là 1 số doanh nghiệp hiện vẫn chưa cắt lỗ dứt khoát và treo danh mục đầu tư này trên khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn, chấp nhận lỗ để thực hiện để kỳ vọng TTCK hồi phục lại sớm. Tuy nhiên, dấu hiệu TTCK tiếp tục bị ảnh hưởng xấu do tình hình thắt chặt tiền tệ, lãi suất cao do xử lý trái phiếu, nợ xấu bất động sản dự kiến vẫn tiếp tục diễn ra trong năm 2023 này, vì thế TTCK khó có khả năng hồi phục sớm như các doanh nghiệp đang kỳ vọng. Với trường hợp xấu là TTCK vẫn tiếp tục đi xuống vùng dưới 900 điểm thì mức thua lỗ trên của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng thêm trong điều kiện nền kinh tế và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sẽ bắt đầu khó khăn hơn trong thời gian tới”.

Có thể nói, thị trường chứng khoán bùng nổ mạnh và có độ thu hút rất lớn nhà đầu tư trong thời điểm Covid 19 bùng phát tại Việt Nam (giai đoạn năm 2020 -2021) nên hiện tại khá nhiều doanh nghiệp đã dành một khoản đầu tư tài sản ngắn hạn sang kinh doanh cổ phiếu. Nếu doanh nghiệp xem đây là lĩnh vực đầu tư ngắn hạn và dành một phần tài sản để đa dạng hóa danh mục tài sản thì sẽ là hướng đi đúng và ngược lại, nếu doanh nghiệp sa lầy vào các cơn sóng thị trường mà quên đi ngành nghề cốt lõi thì sẽ phải trả giá khi “tất tay” vào các cổ phiếu không có nội lực cơ bản, sử dụng đòn bẩy cao khi mà thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn mang tính dao động mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác