TTCK: Đang trong giai đoạn tích luỹ
Thanh khoản đang nhích dần lên
Tuần qua, chỉ số VN-Index đi ngang trong biên độ hẹp 1.060−1.075, đóng cửa tại 1.067 điểm không thay đổi so với tuần trước đó, với thanh khoản được cải thiện (giá trị giao dịch trung bình hàng ngày ở mức 10,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7%). Trong đó, tăng ở lĩnh vực Bất động sản (VHM: tăng 5,7%, VIC: tăng 1,5%), Tiện ích (GAS: tăng 2,6%), Phần mềm và dịch vụ (FPT: tăng 2,9%), Ngân hàng (VCB: tăng 1,5%, STB: tăng 3,9%, VIB: tăng 4,4%, TCB: tăng 1,2%, OCB: tăng 3%) bù đắp phần nào sự sụt giảm từ Vật liệu (HPG: giảm 2,5%, GVR: giảm 3,3%) và cổ phiếu trụ (MSN: giảm 2,7%, VNM: giảm 1,4%, SAB: giảm 2%). Theo công cụ theo dõi thanh khoản thị trường, nhóm Bảo hiểm, Phần mềm và dịch vụ, Giao thông vận tải, Tư liệu sản xuất và Năng lượng thu hút dòng tiền thị trường nhiều nhất. Cụ thể, nhóm Viễn thông, dầu khí và công nghệ dẫn đầu nhóm tăng giá với mức tăng 3,7%; 2,3% và 2,2%. Chiều ngược lại nhóm hóa chất, tài nguyên cơ bản và bán lẻ là 3 nhóm giảm mạnh nhất với mức giảm khoảng 2%.
Theo đó, ngày 15/5/2023, đề án Quy hoạch điện VIII chính thức được Chính phủ phê duyệt với mục tiêu bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây được xem là chính sách quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng của ngành Điện nói chung và nền kinh tế nói riêng. Quy hoạch điện VIII ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện, trong đó đẩy mạnh nguồn điện gió với tỷ trọng nguồn phát tăng từ 5% năm 2022 lên 19% năm 2030 và lên 29% năm 2050. Về vốn, dự kiến Việt Nam sẽ cần 135 tỷ USD để phát triển nguồn và lưới điện truyền tải đến năm 2030 và dự kiến 399,2 – 523,1 tỷ USD năm 2050 cũng đã tạo hiệu ứng tích cực cho nhóm ngành Năng lượng có chỉ số đi lên trong tuần qua.
Nhận xét về các biến số của dòng tiền, ông Đỗ Anh Tuấn - Trưởng Phòng Môi giới Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cho biết: “Yếu tố tích cực cho thị trường chứng khoán là nền kinh tế Việt Nam tiếp tục được hỗ trợ bởi các chính sách của Chính phủ Việt Nam, cùng với đầu tư công và quy hoạch phát triển Điện lực VIII sẽ là những động lực tăng trưởng quan trọng trong thời gian tới. Tuần trước, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021–2030 có xét đến năm 2050 (Quy hoạch phát triển điện lực 8). Trong ngắn hạn, VN-Index có thể biến động mạnh hơn trong tuần này, do P/E trượt 12 tháng của VN-Index hiện đang tiệm cận mức trung bình 5 năm trừ đi độ lệch chuẩn là 14,6 lần”.
Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích luỹ
Với thông tin tích cực từ Chính phủ cho nhóm ngành Bất động sản thì mới đây, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng hơn 1 triệu căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn; đồng thời giao chỉ tiêu hoàn thành nhà ở xã hội cụ thể cho các địa phương trong từng giai đoạn (2022 - 2025) và 2025 - 2030). Đề án cũng đã đề ra các giải pháp đồng bộ để các bộ, ngành trung ương, địa phương, doanh nghiệp triển khai.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã mua được trên 6 tỷ USD ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối. Bên cạnh đó, đối với các giao dịch tổ chức tín dụng mua ngoại tệ kỳ hạn với "người mua bán cuối cùng", Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng cũng đã gia hạn các giao dịch này với tổng trị giá 3,99 tỷ USD; đồng thời, tổ chức tín dụng hủy mua 1,74 tỷ USD từ Ngân hàng Nhà nước. Các giải pháp nêu trên đã góp phần tạo thanh khoản dư thừa trên thị trường, từ đó bình ổn mặt bằng lãi suất thị trường liên ngân hàng, hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động và giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế. Đến giữa tháng 5/2023, lãi suất tiền gửi bình quân phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 6,3%/năm (giảm 0,18%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân Việt Nam đồng phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 9,3%/năm (giảm 0,65%/năm so với cuối năm 2022).
Những động thái vĩ mô này cho thấy trạng thái tích luỹ của TTCK đang dần được nâng lên từ các nền đáy tuy rằng các đỉnh sau tăng thấp hơn các đỉnh trước.
Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh - Trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Chứng khoán Phú Hưng nhận định: “Tôi cho rằng thị trường sẽ tăng trong phiên giao dịch đầu tuần và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại vùng 1.080 – 1.085 điểm trong các phiên giao dịch đầu tuần. Đồng thời, đồ thị giá của các chỉ số chính vẫn đang trong giai đoạn biến động mạnh theo chiều hướng tích cực cho nên thị trường có thể sẽ nhanh chóng kết thúc nhịp điều chỉnh, nhưng đồ thị giá của chỉ số VNSmallcaps vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên xu hướng tăng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ có dấu hiệu chứng lại. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm cho thấy các nhà đầu tư cũng có dấu hiệu thận trọng với diễn biến thị trường hiện tại”.
Cùng quan điểm trên, ông Bùi Văn Đức – Phó Trưởng Phòng Môi giới và tư vấn đầu tư – Agriseco Miền Nam đưa ra quan điểm: “Thị trường có tuần giao dịch đi ngang trong vùng giá 1.060 – 1.075 điểm với những phiên tăng giảm đan xen biên độ hẹp. Trên đồ thị ngày, các chỉ báo động lượng ngắn hạn RSI và Stochastic trong vùng trung tính cho thấy VN-Index đang duy trì trạng thái tích lũy. Diễn biến này phù hợp trong bối cảnh dòng tiền có sự luân chuyển nhanh giữa các nhóm ngành và thị trường thiếu nhóm mạnh dẫn dắt. Song với việc chỉ số vẫn giữ vững được mốc hỗ trợ MA20 trên cả khung ngày và khung tuần, Agriseco Research đánh giá xu hướng hiện tại vẫn tương tối tích cực..Về dòng tiền, nhóm vốn hóa lớn thu hút dòng tiền trở lại tuần qua khi (1) áp lực chốt lời bắt đầu hiện hữu ở nhóm vốn hóa vừa và nhỏ sau giai đoạn tăng khá tốt (2) Khối ngoại đảo chiều mua tập trung vào các cổ phiếu thuộc rổ VN30. Chúng tôi kỳ vọng nhóm vốn hóa lớn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng giá thời gian tới khi hiện tại thị trường đang đón chờ dòng vốn từ quỹ CTBC Vietnam Equity Fund của Đài Loan tham gia, qua đó góp phần hỗ trợ điểm số thị trường. Dự báo VN-Index tuần sau sẽ vận động theo xu hướng sideway up với biên độ 1.060 – 1.080 điểm”
Thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn cho nên sẽ tiếp tục có những biến động hẹp và phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý trung hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư đã lạc quan hơn về triển vọng trung hạn và xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng, chỉ tăng tỷ trọng khi xu hướng trung hạn rõ ràng hơn.