Tài chính – Ngân hàng

Thị trường chứng khoán: Đảo chiều dòng tiền từ khối ngoại liệu có làm thị trường tích cực

Tú San - 09:46 29/07/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Thị trường chứng khoán (TTCK) đã có tuần giảm gần 23 điểm, đặc biệt các nhóm cổ phiếu diễn biến rung lắc mạnh, điểm nhấn là khối ngoại đảo chiều sang mua ròng tuần qua, bên cạnh tự doanh mua ròng tích cực hơn 1.600 tỷ đồng, vì vậy áp lực bán nhịp giảm chủ yếu tới từ cá nhân trong nước.

Nhìn lại diễn biến từ ngày 22/7-26/7, VN-Index giảm mạnh trong 2 phiên đầu tuần đưa chỉ báo RSI về vùng quá bán và sau đó hồi phục kỹ thuật trong các phiên cuối tuần với thanh khoản sụt giảm. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn đã trở thành giảm giá và áp lực bán có thể gia tăng trở lại khi VN-Index tiến dần lên vùng 1.250 (+-5) điểm trong các phiên tới. Kịch bản về sự hồi phục hình chữ “V” mà một số nhà đầu tư trên thị trường kỳ vọng ít có khả năng xảy ra, nhất là trong bối cảnh áp lực bán từ nhà đầu tư cá nhân đang mạnh như hiện tại.

Thanh khoản sụt giảm khiến nhà đầu tư trong nước dè dặt

Thanh khoản sụt giảm trong nhịp điều chỉnh của VN-Index cho thấy tâm lý thận trọng của thị trường. Nhà đầu tư đã kỳ vọng khá nhiều vào sự khởi sắc hơn của nền kinh tế và lợi nhuận tiếp đà phục hồi trong quý 2/2024. Vậy nên trong mùa công bố BCTC, tâm lý thận trọng chờ đợi của đa số nhà đầu tư sẽ xuất hiện khiến thanh khoản suy yếu. Cùng với đó, sau nhịp điều chỉnh vừa qua của thị trường, VN-Index đang trong nhịp hồi kỹ thuật và chưa xác định rõ ràng xu hướng tiếp theo cũng khiến nhà đầu tư chưa có động lực để gia tăng giải ngân giai đoạn hiện tại.

Ông Bùi Văn Đức – Phó phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty CK Agribank chi nhánh miền Nam - Ảnh TS

Trao đổi với PV Tạp chí Nông Thôn Mới về khả năng dòng tiền khối ngoại sẽ trở lại thị trường trong thời gian tới, ông Bùi Văn Đức – Phó phòng Tư vấn Đầu tư, Công ty CK Agribank chi nhánh miền Nam cho rằng: “Tổng hợp giao dịch tuần qua, khối ngoại đã mua ròng hơn 460 tỷ đồng trên cả 3 sàn, đây là một tín hiệu tích cực chung khi nhóm nhà đầu tư này đã liên tục bán ròng trong nhiều tuần liên tục. Sẽ tương đối khó để dự báo chính xác thời điểm khối ngoại trở lại khớp lệnh mua ròng trên thị trường, đặc biệt là trong ngắn hạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng nhà đầu tư có thể kỳ vọng sự đảo chiều của dòng vốn ngoại sẽ sớm được diễn ra nhờ (1) FED hạ lãi suất điều hành trong tháng 9 tới đây giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất, giảm áp lực lên tỷ giá; (2) VN-Index điều chỉnh đưa định giá của thị trường và cổ phiếu về vùng hợp lý có thể thu hút dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài”.

Tiềm năng với nhóm cổ phiếu ngành Năng lượng

Ngày 15/5/2023, Chính phủ đã ký Quyết định số 500QD-TTg phê duyệt Quy hoạch điện VIII quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch điện VIII tiếp tục phát triển mạnh mẽ nguồn điện tái tạo. Theo đó, tổng công suất năng lượng tái tạo (không tính thủy điện) sẽ đóng góp 63% tổng công suất thiết kế vào năm 2050. Trong giai đoạn 2021-2030, nhóm điện gió được đẩy mạnh cả trên bờ và ngoài khơi, sau năm 2030, nhóm điện mặt trời sẽ gia tăng công suất nhanh chóng.

Ông Nguyễn Duy Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm kinh doanh Công ty Chứng khoán Yuanta - Ảnh TS

Nhận định khá tích cực khi cho rằng nhóm ngành năng lượng sẽ hồi phục và tiềm năng trong giai đoạn sắp tới, ông Nguyễn Duy Thanh Phương - Giám đốc Trung tâm kinh doanh Công ty Chứng khoán Yuanta đưa ra phân tích: “Theo kế hoạch của quy hoạch điện VIII thì các doanh nghiệp lĩnh vực xây lắp hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi rõ ràng nhất, đó là các công ty có xây lắp đường dây, trạm biến áp. điển hình như CTCP Tư vấn xây dựng điện 2 (TV2) hay như Công ty CP Tập đoàn PC1. Bên cạnh đó, nhóm ngành điện khí thì các dự án được phê duyệt trong quy hoạch điện VIII gồm có Nhơn Trạch 3&4 của POW (Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam), LNG Long Sơn của PGV (CTCP Kinh doanh LPG Việt Nam) và TV2, Ô Môn 3&4 của GE2 (Tổng Công ty Phát điện 2), dự án kho cảng LNG của GAS (Tổng Công ty Khí Việt Nam). Ngoài ra, các dự án mỏ khí tỷ đô bị đình trệ cũng sẽ được thúc đẩy tiến độ, nhằm đảm bảo nguồn khí trong nước, không phụ thuộc quá nhiều vào nhập khẩu khí LNG cho phát điện tại Việt Nam các doanh nghiệp ngành Dầu khí như PVB –PVD cũng sẽ hưởng lợi. Nếu nhìn về dài hạn, còn có PVS (Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam) cũng là một mã cổ phiếu đáng để xem xét vì doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm trong các dự án xây lắp điện gió ngoài khơi như Thăng Long hay La Gàn”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác