TTCK: Khó vượt mốc 1.100 điểm đến hết năm 2023
Trong tuần vừa qua, lực cầu suy yếu trong hai phiên đầu tuần đã khiến cho VN-Index có những nỗ lực vượt ngưỡng cản gần quanh 1.13x điểm không thành công. Trong khi đó, thanh khoản lại tăng mạnh trong những nhịp điều chỉnh cho thấy bên bán có phần mất kiên nhẫn và đưa chỉ số tiến sát về mốc tâm lý 1.100 điểm. Trên đồ thị kỹ thuật, việc xuất hiện mẫu hình ba con quạ đen (Three Black Crows) cho thấy xu hướng tăng điểm ngắn hạn của VN-Index đang có dấu hiệu đảo chiều và tiềm ẩn rủi ro bước vào một nhịp điều chỉnh trong trung hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần quanh 1.09x điểm đang được kỳ vọng sẽ đóng vai trò điểm đỡ gần của chỉ số và chỉ số có thể sẽ xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật tại đây và đây chỉ là ngưỡng hỗ trợ “intraday” khá yếu và kịch bản lùi về các ngưỡng hỗ trợ sâu hơn.
So với sự khởi sắc của TTCK thế giới, có vẻ như VN-Index vẫn khá ảm đạm khi tương quan các thị trường, trong khi kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tại Mỹ tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số (bình quân khoảng 25% YoY trong 9 tháng đầu năm 2023), các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam và Trung Quốc lại có 3 quý kinh doanh tương đối kém khả quan với doanh thu gần như đi ngang trong khi lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm so với cùng kỳ. Theo đó, dưới góc nhìn phân tích cơ bản, có thể thấy mặc dù thị trường chứng khoán tại Mỹ, châu Âu và một vài nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc,... diễn biến khởi sắc nhờ kết quả kinh doanh tích cực, VNIndex và Shanghai Composite lại tiếp tục đi tìm điểm cân bằng mới.
Ông Trần Đình Khánh – TGĐ Công ty CP Chứng khoán Funan nhận định: “Nhìn chung, thị trường vẫn đang trong giai đoạn phân hóa cao, các dòng cổ phiếu có tính thị trường cao như Chứng khoán, Bất động sản… tiếp tục cho thấy dòng tiền rút ra, trong khi một số dòng cơ bản, blue chips… vốn được nhen nhóm ở tuần trước đó lại thiếu sự tiếp diễn và chưa có nhiều điểm sáng trong 1-2 tuần giao dịch gần đây. Đáng chú ý khi nhóm nhà đầu tư nước ngoài đã có chuỗi 13 phiên bán ròng liên tiếp với tổng giá trị bán ròng hơn 7.500 tỷ đồng. Trong bối cảnh dòng tiền không quá mạnh, lực bán liên tiếp của khối ngoại góp phần khiến bên mua chống đỡ vất vả hơn và có thể được xem là nguyên nhân chính gây áp lực lên thị trường trong ngắn hạn”.
Bên cạnh đó, đà bán ròng dài hơi và có phần mạnh tay của khối ngoại chưa dừng lại, ước tính từ đầu năm nhóm này đã bán ròng tới 23.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn cuối 2022 - đầu 2023, khối ngoại đã đẩy mạnh việc giải ngân khi thị trường trải qua nhịp điều chỉnh sâu từ vùng 1.200 điểm xuống vùng 880 điểm. Việc liên tục bán ròng trong 2 quý trở lại đây được cho là đến từ hoạt động chốt lời ngắn hạn thông thường các vị thế đã mở trước đó. Bên cạnh đó, trước những rủi ro đến từ trong nước như áp lực trả nợ trái phiếu, tình hình chính trị có nhiều bất ổn,... hay đến từ các yếu tố ngoại biên như các định chế tài chính lớn đồng thuận hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị gia tăng,... đã khiến cho dòng tiền của khối ngoại rút khỏi các lớp tài sản rủi ro và tìm đến các kênh đầu tư an toàn khác đã tác động tiêu cực lên tâm lý của các nhà đầu tư cá nhân nói riêng và TTCK nói chung.
Bà Hổ Mỹ Thể - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank Chi nhánh miền Nam cho rằng: “Mặc dù thị trường chung mới hồi phục được 1/2 mức điểm số đã mất trong nhịp giảm điểm tháng 10-11/2023, nhóm cổ phiếu blue chip lại có những diễn biến kém khởi sắc hơn và không thu hút được dòng tiền nóng trong khi nhiều mã cổ phiếu thuộc nhóm mid and small cap đã tiến rất sát về vùng tương đương 1.250 điểm. Việc thanh khoản trong tuần qua rơi về mức thấp cho thấy bên mua không chấp nhận việc phải mua giá cao và chờ đợi thị trường điều chỉnh về các vùng chiết khấu hấp dẫn hơn. Vì thế, cần hạn chế đẩy mạnh việc giải ngân, hoặc sử dụng margin, tại thời điểm này và khống chế tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức an toàn, tương ứng với mức độ chấp nhận rủi ro. Việc tái cơ cấu danh mục sang các vị thế trung và dài hạn đối với các mã cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, tình hình tài chính lành mạnh, tỷ trọng nợ vay thấp, triển vọng kinh doanh tích cực cần được ưu tiên hàng đầu”.
Mới đây, tin tức quốc tế nổi bật trong tuần là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào hôm thứ 4 tiếp tục giữ nguyên lãi suất cũng như thừa nhận rằng nỗ lực chống lạm phát đã mang lại kết quả, đồng thời báo hiệu sẽ có 3 đợt giảm lãi suất trong năm 2024. Dow Jones trong tuần ghi nhận tăng 2.9%, tương tự chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều tăng lần lượt là 2.5% và 2.8%. Các chỉ số chứng khoán Mỹ đánh dấu 7 tuần tăng điểm liên tiếp và Dow Jones xác lập mức cao kỷ lục mới. Trong nước lãi suất tiết kiệm tại 4 ngân hàng lớn vừa đồng loạt điều chỉnh giảm mạnh từ 0.2-0.4%/năm so với biểu niêm yết trước đó, đưa mức huy động 1 tháng xuống thấp nhất chỉ còn 2.2%/năm.
Với kịch bản kém tích cực của TTCK thì việc “xuống tiền” tại thời điểm này nhà đầu tư (NĐT) cần phải quan sát kỹ và chọn lọc những nhóm ngành phù hợp vì xu hướng giảm điểm trong trung hạn vẫn đóng vai trò chủ đạo. Ông Trần Đình Khánh chia sẻ thêm: “Với diễn biến hiện tại, nhiều khả năng VN-Index sẽ kiểm định lại vùng 1.080 điểm và NĐT cần quan sát phản ứng của thị trường ở vùng giá này. Trong kịch bản tích cực, chỉ số vẫn duy trì được kênh giá 1.080-1.130 điểm. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng chỉ số xuyên thủng vùng 1.080 điểm và về các mốc thấp hơn. Do đó, tôi khuyến nghị NĐT nên duy trì tỷ trong cổ phiếu ở mức cân bằng, hạn chế bắt đáy sớm khi lực bán chưa có dấu hiệu suy yếu, có thể đưa nhóm cổ phiếu cơ bản với triển vọng kinh doanh đang dần cải thiện vào danh sách theo dõi và chờ đợi cơ hội giải ngân”.