Kỳ vọng thị trường chứng khoán ổn định trong tháng cuối năm 2023
Phiên giao dịch của TTCK cuối tuần vừa qua vượt mốc 1.100 điểm đang là tín hiệu tích cực của thị trường khi trải qua nhiều phiện giằng co kéo điểm số. Đồng thời, thông tin tích cực từ việc Ngân hàng Nhà nước chủ động nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong năm 2023 cũng mang lại tín hiệu tốt cho TTCK khi bước sang năm 2024.
Phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã phỏng vấn ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng Phòng Nghiên cứu và phân tích Công ty Cổ phần chứng khoán Agribank về các khả năng biến động của thị trường trong tháng cuối của năm 2023.
PV: Vn-Index liên tục giằng co quanh ngưỡng 1.100 điểm, hai lần trong một tuần chỉ số đánh mất rồi dành lại mốc này. Với việc đóng cửa tuần tăng lên trên 1.100 điểm nhưng thanh khoản thấp, diễn biến thị trường trong tuần tới sẽ ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Kết thúc phiên giao dịch ngày 01/12, VN-Inex đóng cửa tại mốc 1.102 điểm, tăng 0,6% so với tuần trước và tăng 6,0% so với hồi đầu tháng 11. Nếu so sánh với chỉ số VN30, con số tăng trưởng tương đương lần lượt là 0,3% và 3,7%; ở chỉ số VNMID là 0,7% và 13,3%; ở VNSML là 2,1% và 8,2%. Những con số này phản ánh việc thiếu động lực thúc đẩy giá ở nhóm vốn hóa lớn phần nào khiến chỉ số VN-Index đang chững lại. Thanh khoản thị trường ở mức thấp cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn còn đang thận trọng chờ đợi xác nhận xu hướng tăng một cách rõ ràng hơn. Tôi cho rằng thị trường đã dần hấp thụ hết các thông tin không mấy tích cực trong thời gian vừa qua. Cùng với diễn biến tích cực của các TTCK trên thế giới, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy trong biên độ hẹp và sẽ sớm xác nhận xu hướng tăng khi dòng tiền lớn quay trở lại thị trường.
PV: Theo ông, liệu thị trường có thể xác nhận một đà tăng mạnh nhờ giữ được mốc 1.100 hay tiếp tục ghi nhận những những phiên hồi nhẹ rồi quay lại chỉnh liên tiếp “cưa chân bàn”?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Thị trường đang tạo nền tích lũy quanh vùng 1.100 điểm với thanh khoản ở mức thấp. Với việc liên tục vượt rồi sau đó lại mất mốc hỗ trợ/kháng cự mang tâm lý trên, VN-Index có thể đang chờ đợi nhiều hơn các tín hiệu tại 2 mốc điểm quan trọng hơn là hỗ trợ tại vùng 1.080 điểm và kháng cự tại MA200 quanh vùng 1.120 điểm. Tôi cho rằng thị trường đã dần hấp thụ hết các thông tin không mấy tích cực trong thời gian vừa qua. Cùng với diễn biến tích cực của các TTCK trên thế giới, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy trong biên độ hẹp và sẽ sớm xác nhận xu hướng tăng khi dòng tiền lớn quay trở lại thị trường. Dựa vào kênh giá hồi phục được hình thành từ đầu tháng 11, thị trường có thể sẽ có Sideway Up trong tuần tới.
PV: Thị trường đang trải qua vùng trống thông tin khi kết quả kinh doanh quý 3 đã gần như phản ánh hoàn toàn vào cổ phiếu, trong khi kết quả kinh doanh (KQKD) quý 4 chưa được hé lộ. Nhà đầu tư nên hướng sự chú ý vào thông tin nào để có thể lọc được nhóm cổ phiếu tốt và thu hút dòng tiền?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Hiện tại nhà đầu tư có thể chờ đợi cơ hội mới khi một vài doanh nghiệp đầu ngành công bố KQKD tháng và 2 ETF nước ngoài cơ cấu danh mục. Ngoài ra, việc cập nhật tiến độ đầu tư công có thể mang đến cơ hội với nhóm vật liệu và xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, tháng 12 sẽ tương đối gần với thời điểm đồng bộ và vận hành thử KRX, kì vọng thanh khoản phục hồi có thể sẽ giúp dòng tiền gia tăng trở lại tại nhóm chứng khoán.
PV: Ông có đưa ra khuyến nghị gì cho nhà đầu tư về chiến lược hành động trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Anh Khoa: Với việc thị trường đã dần hấp thụ hết các thông tin tác động tiêu cực trong thời gian vừa qua. Cùng với diễn biến tích cực của các TTCK trên thế giới, VN-Index có thể tiếp tục tích lũy trong biên độ hẹp và sẽ sớm xác nhận xu hướng tăng khi dòng tiền lớn quay trở lại thị trường, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỉ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức vừa phải khoảng 30-40% danh mục, có thể giải ngân thăm dò khi về giá về vùng hỗ trợ tại kênh dưới để tìm lợi thế giá vốn. Đồng thời nhà đầu tư có thể quan tâm tới một số nhóm ngành có triển vọng KQKD Quý 4 cải thiện và có câu chuyện phục hồi hoặc tăng trưởng có thể kể đến như nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ đầu tư công bao gồm xây dựng và vật liệu xây dựng, nhóm chứng khoán, nhóm dầu khí.
Ông Trần Đình Khánh – Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Funan:
"Nợ xấu nhóm ngân hàng đang tăng do thị trường Bất động sản (BĐS) đóng băng làm cho kinh tế suy yếu là điều khó tránh được. “Bong bóng” nợ xấu đang được đẩy ra xa hơn bằng chính sách gia hạn nợ trái phiếu 2 năm từ cuối 2022 lẫn chính sách bơm tiền rẻ để cứu một nhóm công ty BĐS trong ngắn hạn. Giai đoạn sắp tới, lượng tiền rẻ sẽ được bơm mạnh thì rủi ro tiềm ẩn từ 3-6 tháng tới là vấn đề lạm phát trong năm 2024, vì thế trong ngắn hạn dự báo trong 3 tháng tới TTCK sẽ có dòng tiền lớn lưu chuyển vào".