TTCK: Nhóm ngân hàng đang “giữ lửa” cho thị trường
Thanh khoản tiếp tục duy trì mức cao trong tuần qua
Trong tuần qua, tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn cao hơn khoảng 16% so với bình quân 5 tuần gần nhất. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị giao dịch trên cả 3 sàn tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2023. Nhìn chung, đây là tín hiệu tích cực cho thấy trong giai đoạn lãi suất tiền gửi giảm thấp hiện tại, thị trường chứng khoán với hiệu suất đầu tư tốt đang là kênh thu hút dòng tiền và nhận được nhiều sự chú ý của các nhà đầu tư. Đây sẽ là cơ sở trong trung và dài hạn để VN-Index chinh phục thành công những mốc cao mới.
Đối với thị trường trong ngắn hạn, việc dòng tiền luân chuyển nhưng phần đa chỉ có nhóm ngân hàng tăng giá cho thấy rủi ro về khả năng xuất hiện một nhịp phân phối chung. Với việc VN-Index đang trong vùng kháng cự đáng lưu ý, nhiều khả năng rung lắc với biên độ lớn sẽ tiếp tục diễn ra và sẽ cần thêm thời gian để quan sát về khả năng hấp thụ lương cung tại vùng điểm số này. Vì vậy trong ngắn hạn, mức độ rủi ro đối với các vị thế giải ngân mới sẽ cao. Nhà đầu tư ưu tiên nắm giữ các vị thế có sẵn và chỉ giải ngân trong các nhịp rung lắc về vùng hỗ trợ để tìm kiếm được các vị thế tốt hơn.
Đánh giá về khả năng VN-Index vượt 1.300 điểm trong tuần tới, ông Nguyễn Thái Quốc – Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank (Chi nhánh miền Nam) cho rằng: “Dải Bollinger đang dần thu hẹp dần và VN-Index có xu hướng bám sát dải trên của chỉ báo. Điều này đang để ngỏ khả năng VN-Index có thể sẽ biến động mạnh theo cả 2 chiều tăng/giảm trong thời gian tới. Vì vậy, VN-Index vẫn có thể vượt mốc 1.300 điểm trong tuần tới khi lực cầu tiếp tục gia tăng và có thể áp đảo được phe bán. Tuy nhiên, nếu nhóm ngân hàng không giữ được đà tăng để nâng đỡ chỉ số trong tuần tới, nhiều khả năng áp lực bán sẽ gia tăng nhanh chóng và kịch bản thị trường lùi về vùng hỗ trợ 1.230-1.250 cần được tính đến”.
Khối ngoại bán ra có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư
Thị trường bước vào vùng “nhạy cảm” khi dòng tiền sẽ có xu hướng lưỡng lự chờ đợi tín hiệu dẫn đến thanh khoản có thể sụt giảm trong tuần tới. Khối ngoại là một nhân tố lớn cần chú ý khi họ tiếp tục đà bán ròng trong ngắn hạn do tỷ giá USD/VND đã quay lại vùng đỉnh trước đó và gây lên áp lực bán ra để thu tiền USD về.
Việc khối ngoại bán ròng chứng khoán trên thị trường Việt Nam thực ra là một xu hướng kéo dài từ tháng 7/2023 cho tới nay và chưa có gì chắc chắn cho khả năng xu hướng sẽ sớm được đảo chiều. Nhìn chung điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong một số thời điểm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục ghi nhận diễn biến khởi sắc mặc dù khối ngoại đẩy mạnh đà bán ròng từ đầu năm, vì vậy tác động của dòng vốn ngoại ở thời điểm hiện tại có thể là không quá đáng kể.
Ông Cao Đức Tài – Giám đốc Công ty tư vấn đầu tư NextGen Capital nhận định: “Giai đoạn này, nhà đầu tư cần bám sát tỷ trọng tài khoản để đưa ra chiến lược giao dịch hợp lý. Đây là thời điểm chúng ta cần thận trọng hơn và tập trung vào các cổ phiếu mang tính cơ bản và có sự tăng trưởng về kết quả kinh doanh trong thời gian tới. Với các tài khoản đã nắm tỷ trọng cổ phiếu cao nên chốt lời trong những phiên thị trường hưng phấn, hạ tỷ trọng về mức 60-80% cổ phiếu đối bán hạ các nhóm cổ phiếu xác định trading trong giai đoạn này. Với các tài khoản còn nhiều sức mua chờ đợi thị trường tìm một điểm cân bằng mới để giải ngân cho một nhịp tăng mới. Tập trung vào các nhóm cổ phiếu trụ và chưa tăng nhiều như VNM, GAS, FPT…”.
Theo đó, sau mỗi nhịp tăng nóng thì thị trường thường sẽ cần thời gian để tích lũy và phân phối trở lại nhằm rũ bỏ những nhà đầu tư có vị thế yếu và mở ra cơ hội để nhà đầu tư có thể tham gia cũng như dòng tiền mới đổ vào thị trường. Điều này sẽ tương đối hợp lý ở thời điểm hiện tại khi mà thị trường sẽ cần một nhịp tạm nghỉ trước khi đón nhận các thông tin quan trọng trước thời điểm đại hội đồng cổ đông của các doanh nghiệp lớn trên sàn sắp diễn ra. Kỳ vọng tăng trưởng từ chính những doanh nghiệp lớn, đầu ngành sẽ là cơ sở để nhà đầu tư tin tưởng vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán trong năm tới.